Connect with us

Café Luật Khoa

Thư gửi 500 anh em về 500 triệu USD bồi thường của Formosa

Published

on

500 anh em thân mến,

Kết quả bầu cử tổng thống Mỹ có vẻ đang gây tranh cãi ở Việt Nam chẳng kém gì vụ Formosa.

Còn nhớ không “một thời đạn bom một thời hòa bình”? “Tảo đỏ” đối đầu “xả thải”, làm mưa làm gió khắp các “cõi giang hồ” Facebook cũng như Đông Tà “Clinton” và Tây Độc “Trump” diễu võ dương oai.

Nhiều anh em trên mạng xã hội cũng tranh cãi nảy lửa đến từng chân tơ kẽ tóc nhau để truy ra ai là bên “bao che cho Formosa và chính quyền Việt Nam”, ai là đám “phản động nhận tiền nước ngoài về phao tin phá phách chia rẽ đồng bào”, giông giống như cách nhiều người hiện nay cũng đang hăng hái “ném đá” những người đối lập với mình về quan điểm chính trị Mỹ.

Chao ôi, nếu các anh em, giống Café Luật Khoa, cũng cảm thấy thoáng chút tội lỗi vì những ngày qua đã lỡ nghe theo cái bà/ông biên tập viên nào trên Luật Khoa kêu gào “tận thế pháp quyền thời Trump”, để rồi bị cuốn theo trào lưu thế giới mà lơ đãng những vấn đề còn nóng hổi của quê hương đất nước, thì tác phẩm mà Café Luật Khoa muốn giới thiệu cho 500 anh em hôm nay sẽ là một liều thuốc giải tội thần kỳ!

Báo cáo “Toàn cảnh Thảm họa môi trường biển Việt Nam” của tổ chức xã hội dân sự Green Trees xứng đáng được mỗi anh em đọc, và đọc nhiều lần.

Tác phẩm dày 200 trang này gom góp một cách hệ thống và bài bản những bài viết nổi bật, những báo cáo chi tiết, dựa trên cả lý thuyết và điều tra, nghiên cứu thực địa, về sự kiện ô nhiễm biển Formosa Hà Tĩnh hồi giữa năm nay.

Báo cáo này góp phần giúp các anh em – cho dù có hay theo dõi tin tức hay không – có thể hiểu một cách đầy đủ, trung thực về diễn biến và bản chất của thảm họa môi trường này, cũng như những hậu quả nặng nề của nó cho bà con miền Trung.

Cuốn sách cũng có cái nhìn rộng hơn vào vai trò của xã hội dân sự độc lập trong việc góp phần xác minh sự thật, đảm bảo công khai minh bạch, và hỗ trợ vật chất kịp thời cho đồng bào miền Trung vẫn đang khốn khổ trong thảm họa.

Một số thành viên nhóm Green Trees (Ảnh: anhbasam.files.wordpress.com)

Một số thành viên nhóm Green Trees (Ảnh: Anh Ba Sàm)

Nhóm Green Trees là một tổ chức xã hội dân sự phi lợi nhuận và độc lập với chính quyền Việt Nam. Nhóm ban đầu có tên Vì Một Hà Nội Xanh, được thành lập ngày 30/03/2015 để tổ chức phong trào bảo vệ cây xanh bị chặt phá ở Hà Nội. Các thành viên chủ chốt tham gia biên soạn báo cáo đều là những trí thức, nghệ sỹ trẻ người Việt Nam. Sự miệt mài tìm hiểu, nghiên cứu thấu đáo, và trình bày bài bản mà họ thể hiện qua báo cáo này cho thấy rằng bầu nhiệt huyết vì cộng đồng của họ cũng tràn đầy không kém tài năng của họ.

Trong phần được trích dẫn hôm nay, chúng ta nhìn vào hoàn cảnh xuất hiện mù mờ và bản chất lạ lùng của số tiền bồi thường 500 triệu USD mà Formosa Hà Tĩnh đã đưa ra và được chính phủ Việt Nam chấp nhận.

Chúc 500 anh em một Chủ nhật an lành.

Trích đoạn báo cáo “Toàn cảnh thảm hoạ môi trường biển Việt Nam”
Nhóm Green Trees xuất bản độc lập qua Amazon

“…Không minh bạch trong đàm phán, giải quyết vấn đề

Quá trình đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam và Formosa Đài Loan để đi đến thỏa thuận “đền bù 500 triệu USD” cũng đã diễn ra hoàn toàn bí mật và đặc biệt, vi phạm những nguyên tắc pháp lý căn bản.

Thứ nhất, về mặt hình thức: Nguyên tắc chung của pháp luật là, khi xảy ra các sự cố về môi trường như thảm họa cá chết này, việc đòi bồi thường và bồi thường là vấn đề dân sự (bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng). Điều đầu tiên mà các bên dân sự phải làm là thống kê, xác định thiệt hại; sau đó mới có thể tiến hành thương lượng, đàm phán về mức bồi thường.

Trong trường hợp này, chính phủ Việt Nam và tập đoàn Formosa Đài Loan đã đi ngược lại hoàn toàn quy trình đó: Chưa tiến hành thống kê, xác định thiệt hại thì đã thỏa thuận, ấn định số tiền bồi thường.

Thứ hai, về mặt nội dung: Sự thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và tập đoàn Formosa Đài Loan thực chất là hành vi vi phạm pháp luật. Người dân – đối tượng bị thiệt hại trong thảm họa – chưa từng có sự ủy quyền nào cho chính phủ (đặc biệt là Bộ Công an) để họ tiến hành đàm phán, thương lượng với Formosa. Trên nguyên tắc, bất kỳ sự thỏa thuận nào mà người bị thiệt hại không có mặt để tham gia tiến trình thỏa thuận thì đều trở thành không đủ cơ sở pháp lý và hiệu lực.

Ngay sau buổi họp báo chiều ngày 30/6 công bố thỏa thuận, nhiều người đã lên tiếng trên mạng xã hội, phản đối kịch liệt cả về quy mô bồi thường (11.500 tỷ VND tức 500 triệu USD) lẫn quá trình đàm phán bí mật và vi phạm pháp luật. Bộ Công an ráo riết trấn áp. Các trang mạng của công an và tuyên giáo đã công kích nặng nề Luật sư Lê Công Định – một trong những người chỉ ra các sai phạm của chính phủ Việt Nam trong vụ việc. Họ đe dọa: “Cơ quan chức năng còn chờ đợi gì nữa mà không xử lý Lê Công Định?”

Trước đó, trong tháng 6, những luật sư hoặc nhà hoạt động pháp lý về vùng biển nhiễm độc ở miền Trung để tìm hiểu tình hình và hỗ trợ pháp lý cho ngư dân đều bị công an địa phương theo dõi, đe dọa. Một nhóm luật sư tại Hà Nội đã bị công an thường phục cầm theo tuýp sắt, đi xe máy bám sát cho đến khi họ phải rời địa phương.

Cuối cùng, vấn đề rất lớn đặt ra là số tiền mà Formosa hứa bồi thường có đủ? Theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 1/7, được báo chí công bố, số tiền được dùng cho ba việc: Một là bồi thường thiệt hại. Hai là hỗ trợ những người bị thiệt hại chuyển đổi nghề nghiệp. Ba là khắc phục sự cố môi trường.

“Thứ nhất, Thủ tướng chỉ đạo hỗ trợ lâu dài về sinh kế cho ngư dân, chú trọng hỗ trợ theo hướng đầu tư cho chương trình đánh bắt xa bờ để mang lại hiệu quả lâu dài, bền vững hơn. Thủ tướng gợi ý: “Dùng khoản tiền này để giúp hạ lãi suất cho vay với người dân đầu tư tàu để đánh bắt xa bờ chỉ còn 1%-1,5%”.

Thứ hai, Thủ tướng chỉ đạo phân về Quỹ hỗ trợ môi trường để khôi phục môi trường biển đã bị xâm hại.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu tính toán phần để hỗ trợ trực tiếp cho những người dân bị thiệt hại qua sự cố.” (Báo Lao Động ngày 1/7)

Đáng tiếc là, theo khảo sát của Green Trees tại xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh: Chỉ tính hơn 1.000 hộ dân nơi đây tiến hành tự thống kê và khai báo thiệt hại đòi bồi thường, thì số tiền phải bồi thường đã lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, tức là chiếm 8% (gần 1/10) tổng số tiền bồi thường 11.500 tỷ đồng mà Formosa hứa hẹn.

Khoản 11.500 tỷ đồng hay 500 triệu USD đó, nếu chỉ để hỗ trợ trực tiếp cho người dân bị thiệt hại ở bốn tỉnh miền Trung, đã không thể đủ chứ chưa nói tới việc đầu tư cho đánh bắt xa bờ hay khôi phục môi trường biển.

Đó là chưa kể, theo ghi nhận của Green Trees, thảm họa Formosa đã làm ảnh hưởng tới gần như tất cả ngành nghề ở khu vực bốn biển tỉnh miền Trung: sản xuất gạch và vật liệu xây dựng, bán tạp hóa, lương thực-thực phẩm, kinh doanh nhà hàng ăn uống, kinh doanh nhà nghỉ-khách sạn, kinh doanh vận tải, cơ khí, sửa chữa tàu…

500 triệu USD là một khoản bồi thường hết sức rẻ mạt. Sau đây là một vài so sánh, quy đổi để cho thấy điều đó:

500 triệu USD (tức 11.500 tỷ VND) nghĩa là gì?

Formosa thuê đất ở Hà Tĩnh với giá 96 tỷ VND trong vòng 70 năm 8.383 năm thuê đất của Formosa ở Việt Nam
Năm 2015, lực lượng cảnh sát giao thông ở Việt Nam xử lý gần 4,5 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, nộp kho bạc Nhà nước 2.873 tỷ VND 4 năm xử phạt vi phạm giao thông trên toàn quốc
Năm 2015, thu ngân sách của Hà Nội là 6,3 tỷ USD, của TP.HCM là 12,5 tỷ USD Thu ngân sách của Hà Nội trong 4 tuần, của TP.HCM trong 2 tuần.
Dân số bốn tỉnh miền Trung bị thảm họa là 3,8 triệu người Chia 500 triệu USD trên đầu người thì mỗi người dân được 131 USD (khoảng 2,9 triệu đồng)
Formosa khai vống thiệt hại của họ trong vụ bạo loạn Vũng Áng (14/5/2014) lên tới 5.533 tỷ VND (cao gấp 75 lần so với kết quả đánh giá thiệt hại của cơ quan bảo hiểm và cơ quan chức năng Hà Tĩnh). Khoản bồi thường 500 triệu USD tương đương 11.500 tỷ VND, được dành cho một thảm họa môi trường thế kỷ ở Việt Nam, nhưng chỉ gấp đôi con số thiệt hại (kê khống) của Formosa năm 2014.
Từ tháng 4 đến tháng 5/2016, Cục Thuế Hà Tĩnh đã hoàn tổng cộng 13.483 tỷ VND thuế giá trị gia tăng cho Formosa (theo Công văn 3475/TCT-KK ngày 4-8-2016 của Tổng cục Thuế).

“Formosa bồi thường 500 triệu USD, những ai được nhận tiền?

Các tiểu thương, nhà hàng trong khu vực cá biển chết hàng loạt ở miền Trung có được hưởng tiền bồi thường 500 triệu USD của Formosa?

17h ngày 30/6, Chính phủ họp báo công bố kết quả điều tra nguyên nhân và thủ phạm gây cá chết hàng loạt ở miền Trung là do Formosa Hà Tĩnh. Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm và đã cam kết thực hiện bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, bồi thường xử lý môi trường biển với số tiền 11.500 tỷ đồng, tương đương 500 triệu USD.

Vậy những đối tượng người dân nào thì được hưởng tiền bồi thường của Formosa Hà Tĩnh? Cụ thể như các tiểu thương, nhà hàng trong khu vực cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung có được hưởng số tiền bồi thường này?

Ví dụ như tôi, làm nghề buôn cá ở khu vực cửa biển Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế), vụ cá biển chết hàng loạt đã ảnh hưởng đến thu nhập của cả gia đình. Vậy tôi có thuộc diện được hưởng tiền bồi thường trong số 500 triệu USD của Formosa không?” (Một độc giả hỏi trên trang VnExpress ngày 1/7/2016. Câu hỏi chưa được trả lời)

Bản chất của tiền bồi thường

(Bài viết của Luật sư Lê Công Định đăng trên facebook cá nhân. Bài nhận được hơn 7.100 likes và 1.494 lượt chia sẻ tính tới ngày 25/8/2016)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Chúng ta đã giành từng bước, đấu tranh đầy cơ sở, chứng lý đầy đủ, thuyết phục mới đạt được kết quả này. Cần tính sao để số tiền 11.500 tỷ Formosa bồi thường cho Việt Nam được sử dụng, đạt hiệu quả tốt nhất.”

Tiền bồi thường xét về phương diện pháp lý thuộc quyền sở hữu của nạn nhân, bên chịu ảnh hưởng bất lợi về tinh thần, thể xác và kinh tế dưới tác động của hành vi vi phạm luật hoặc vi phạm cam kết của thủ phạm, trong đó thiệt hại của nạn nhân và lỗi của thủ phạm có mối liên hệ nhân quả.

Trong tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tôi thấy có nhiều vấn đề cần phân tích và mong ông giải đáp rõ:

  1. Ông nói đã “đấu tranh đầy cơ sở, chứng lý đầy đủ, thuyết phục mới đạt được kết quả này.” Vậy cơ sở và chứng lý đó là gì, có dựa vào thiệt hại tính mạng và tài sản cụ thể của ngư dân, thợ lặn, người ngộ độc hải sản, các doanh nghiệp kinh doanh liên quan đến biển, cùng các thiệt hại môi trường cần khắc phục trong hàng chục năm tới hay không?
  1. Bên cạnh thiệt hại về môi trường mà đất nước phải gánh chịu, những nạn nhân nêu trên là bên chịu ảnh hưởng bất lợi về tinh thần, thể xác và kinh tế dưới tác động của hành vi vi phạm luật của Formosa. Vậy tiền bồi thường đương nhiên dành cho họ và thuộc quyền sở hữu của họ. Họ, chứ không phải Chính phủ, được quyền hưởng dụng tiền của mình. Sao lại có chuyện dùng tiền của nạn nhân để “hỗ trợ” chính nạn nhân, thậm chí hỗ trợ lãi suất cho nạn nhân vay?
  1. Các nạn nhân đó đã ủy quyền hoặc trao quyền cho Chính phủ khi nào và giấy tờ đâu trong việc thương lượng bồi thường và sử dụng tiền bồi thường đó, mà ông đã vội vã lên kế hoạch sử dụng số tiền còn trên miệng của Formosa như một chiến lợi phẩm của Chính phủ? Ông xem đó là tiền của ai vậy?
  1. Ông nói “Formosa bồi thường cho Việt Nam”. Về phương diện pháp lý, trong mối quan hệ dân sự – cụ thể là tương quan giữa bên gây ra thiệt hại và bên nhận bồi thường – Việt Nam không phải là một chủ thể pháp lý đương nhiên như trong một mối quan hệ thuộc công pháp. Vậy Formosa bồi thường 500 triệu USD cho ai, chẳng lẽ cho Chính phủ của ông do công sức “giành từng bước” như ông kể lể?
  1. Đến đây tôi có thể hiểu được bản chất của số tiền 500 triệu USD. Thực ra đó chính là kết quả thương lượng được mô tả như “cuộc đấu tranh” giữa Formosa và Chính phủ hầu giải quyết êm xuôi thảm họa môi trường, với mục tiêu vừa duy trì hoạt động kinh doanh của công ty đầy tai tiếng gây ô nhiễm này, vừa trấn an dư luận căm phẫn của toàn dân mà hậu quả có thể dẫn đến những rối loạn xã hội bất ngờ.

Kết luận: Có thể khẳng định số tiền bồi thường của Formosa về bản chất thuộc loại “có năm trăm vụ này mới xong” mà thôi!…”

baocaogreentrees

Bìa báo cáo “Toàn cảnh Thảm họa môi trường biển Việt Nam” của nhóm Green Trees. Ảnh: Green Trees.

Đính chính: Trong bản gốc của bài này, Luật Khoa có đăng hai tấm hình với mục đích minh hoạ cho bài viết. Hai hình này không có trong báo cáo của nhóm Green Trees. Trong đó, có một hình cá chết ở nước ngoài, do lỗi biên tập, chúng tôi đã không xác minh chính xác nguồn gốc và đăng bức ảnh, gây hiểu nhầm cho độc giả. Ngay sau khi có ý kiến phản ánh của độc giả, Luật Khoa đã gỡ bỏ hai tấm hình nêu trên. Xin chân thành xin lỗi nhóm tác giả bản báo cáo và quý vị độc giả. 

Tìm đọc thêm:

Bạn có biết...

... Luật Khoa là một tạp chí độc lập và phi lợi nhuận. Với mong muốn mang lại trải nghiệm đọc báo tốt nhất cho bạn đọc, chúng tôi không đặt quảng cáo và do đó không có doanh thu. Luật Khoa chi trả mọi chi phí bằng các khoản đóng góp của bạn đọc.

Mỗi ngày, các phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên của Luật Khoa đều tận tâm với từng con chữ và từng mối quan tâm của bạn đọc, nhằm mang lại cho bạn đọc cái nhìn mới mẻ và đa chiều về những vấn đề pháp luật, chính trị.

Nếu tất cả bạn đọc đều đóng góp cho Luật Khoa, dù là 20 nghìn đồng, tờ báo độc lập và khai phóng này của chúng ta sẽ hoạt động hiệu quả và bền vững hơn rất nhiều. Mỗi đồng bạn đóng góp đều giúp cho Việt Nam của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn, và bạn chỉ mất một phút để trở thành nhà tài trợ của Luật Khoa. Xin cảm ơn.





Bình luận