Xã luận
Vụ việc Vinschool: Công an PC50 điều tra ai cũng trái chuẩn luật quốc tế
Ngày 3/10/2017, báo Tiền phong đưa tin, Đại tá Lê Hồng Sơn của Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) của Công an TP Hà Nội đã giải thích, công an không điều tra những phụ huynh nào lên tiếng phản đối việc tăng học phí ở Vinschool. Mà họ chỉ gửi thư mời làm việc với “một số người” để “xác minh, điều tra, làm rõ hành vi nói xấu cá nhân, xúc phạm danh dự, nhân phẩm một lãnh đạo tập đoàn Vingroup”.
Qua lời giải thích trên, chúng ta có thể nhận thấy đây là một vụ điều tra hình sự tội phỉ báng. Nhưng tội danh này vốn luôn bị xem là trái với chuẩn mực luật quốc tế. Tại sao lại có sự khác biệt giữa luật Việt Nam và luật quốc tế như vậy?
Có lẽ, sẽ có người cảm thấy việc làm của công an PC50 là đúng. Hành vi nói xấu và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, mà lại là lãnh đạo của một tập đoàn lớn nhất nhì của quốc gia thì bị công an xử lý là đúng quá còn gì?
Một số người khác, có thể cẩn trọng hơn và muốn biết, nếu muốn điều tra thì phải có luật cấm hành vi đó chứ nhỉ? Vậy điều luật nào của Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định về các hành vi này?
Những ai có học thêm một chút về luật, thì lại quan tâm đến vấn đề: thế nào là hành vi nói xấu cá nhân, xúc phạm danh dự, nhân phẩm một lãnh đạo tập đoàn Vingroup? Ai sẽ là người có thẩm quyền đánh giá các tiêu chí cho hành vi này?
Ví dụ như tôi bất mãn phương pháp quản lý dự án Vinschool của Vingroup, hay cho rằng “vị lãnh đạo” kia của Vingroup không có chuyên môn gì về giáo dục và lên tiếng về điều đó, thế thì hành vi của tôi có vi phạm pháp luật không?
Tất cả những ý kiến trên có thể đều có lý lẽ riêng. Tuy nhiên, vụ việc Vinschool là một cơ hội giúp cho càng nhiều người chúng ta hiểu rằng, chuẩn mực chung của thế giới trong những vấn đề pháp lý liên quan đến các quyền tự do cá nhân là một trời một vực với Việt Nam.
Hình sự hóa tội phỉ báng, xúc phạm người khác là hành vi vi phạm Luật Nhân quyền Quốc tế
Sử dụng Điều 258 BLHS có lẽ là điều dễ dàng nhất để giúp cho công an PC50 có cơ sở pháp lý “làm việc” với những ai bị cáo buộc đã xúc phạm lãnh đạo Vingroup lần này.
Với Điều 258 BLHS, Việt Nam đã hình sự hóa hành vi phỉ báng, tức là các tội “nói xấu”. Điều này có nghĩa là, nhà nước có quyền tiến hành điều tra, bắt giữ, xét xử và bỏ tù bất kỳ ai, một khi họ cho rằng những người này đã làm ra hành vi xâm phạm lợi ích của chính quyền, hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức. Mà trong đó, “nói xấu cá nhân, xúc phạm danh dự, nhân phẩm” đều có thể bị quy kết là một trong những hành vi có thể cấu thành tội danh theo Điều 258.
Nhưng ngay cả khi nhà nước làm thế thì có gì sai?
Vấn đề ở đây không phải là đúng hay sai, mà hành vi hình sự hóa các tội phỉ báng như cách mà nhà nước Việt Nam đã ban hành Điều 258 BLHS, đi ngược lại với tiêu chí của Điều 19 Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền con người về quyền tự do ngôn luận.
Như thế thì lại đã sao, chính quyền Việt Nam không lẽ chẳng thể tự quyết định hành vi nào là tội hình sự, hành vi nào là không hay sao?
Câu trả lời là đúng vậy, một nhà nước không thể bỏ mặc các tiêu chí của luật quốc tế khi ban hành các đạo luật quốc gia. Tại sao?
Chính quyền Việt Nam – hoặc bất kỳ nhà nước nào đã tham gia vào Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) – thì đều có nghĩa vụ phải thực thi tất cả các quyền được ghi nhận trong Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền con người.
Ở đây, nhà nước Việt Nam vốn tình nguyện tham gia ký kết Công ước ICCPR, cũng như tình nguyện làm thành viên của Liên Hiệp Quốc, chứ chẳng hề bị sức ép nào để phải tham gia cả.
Một ví dụ đơn giản là bạn có thể so sánh việc tham gia các Công ước về Luật Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc và tham gia giải World Cup do FIFA tổ chức.
Việt Nam hoặc là không tham gia, còn nếu tham gia thì phải tuân thủ luật chơi. Chứ không thể tham gia giải World Cup mà lại bảo là, luật đá bóng ở nước chúng tôi không quy định hành vi nào là việt vị, nên cứ thế mà đá theo ý mình thôi.
Thế nên, một khi đã tham gia bất kỳ sân chơi nào của quốc tế, thì Việt Nam có nghĩa vụ phải tuân thủ luật chơi chung – trên sân bóng hay trên sàn Hội đồng Nhân quyền LHQ thì đều là cùng một nguyên tắc.
Việt Nam đã chấp nhận sửa đổi các Điều luật 79, 88, 258 BLHS tại phiên kiểm điểm phổ quát định kỳ UPR năm 2014
Và trong thực tế, chính phủ Việt Nam vốn đã đồng ý là chúng ta phải tham gia sân bóng quyền con người theo như chuẩn mực của quốc tế.
Trong kỳ UPR năm 2014 của Liên Hiệp Quốc, nhiều nước đã khuyến nghị Việt Nam nên xoá bỏ hoặc sửa đổi các điều 79, 88 và 258 của Bộ luật Hình sự và đảm bảo quyền tự do ngôn luận của người dân.
Chính phủ Việt Nam đã chấp nhận các khuyến nghị này.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chúng ta thấy rằng trong thực tế, các Điều 79, 88, và 258 không những không được sửa đổi hay xóa bỏ, mà còn được áp dụng mạnh mẽ hơn.
Nếu hai Điều 79 và 88 thuộc về các tội “xâm phạm an ninh quốc gia” và trong phạm vi bài viết, chúng ta sẽ không bàn đến các vấn đề liên quan đến tội “phản động” tại Việt Nam. Nhưng tôi lại muốn nói đến phạm vi áp dụng – phải nói là mênh mông – của Điều 258.
Tháng 7/2014, ngay sau khi phiên kiểm điểm UPR kết thúc, Tiến sĩ Heiner Bielefeldt, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng đã có chuyến làm việc chính thức tại Việt Nam.
Sau khi trở về, ông Bielefeldt đã lên tiếng yêu cầu chính phủ Việt Nam xóa bỏ Điều 258, vì theo ông:
“Kỹ thuật lập pháp mơ hồ của điều 258 đã trao một không gian cho các cơ quan có thẩm quyền – mà ở đó các cơ quan này có toàn quyền tùy nghi kết tội người dân vì một việc làm bất kỳ – thậm chí là thái độ, quan điểm của họ, nếu chúng được xem là đi ngược lại lợi ích Nhà nước”.
Vào thời điểm năm 2014, Điều 258 BLHS phần lớn được áp dụng trong những vụ án của các blogger và nhà báo độc lập như Trương Duy Nhất và Anh Ba Sàm – Nguyễn Hữu Vinh.
Tuy nhiên, Điều 258 đã bắt đầu vươn đến các cơ quan báo chí chính thống. Ngày 9/2/2015, Cơ quan An ninh Điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với nguyên Tổng Biên Tập Kim Quốc Hoa của báo Người Cao Tuổi theo Điều 258.
Sau ba năm, đến năm 2017, chúng ta thấy rằng hiện nay, không chỉ các hành vi, thái độ, hay quan điểm bị xem là đi ngược lại lợi ích Nhà nước là có thể bị xử lý theo Điều 258.
Mà giờ đây, điều luật này có vẻ như đã bắt đầu được áp dụng đối với những vụ việc giữa các cá nhân với nhau, như trong trường hợp Vinschool. Điều đáng nói là cá nhân bị xâm phạm quyền lợi ở đây không phải là một người bình thường, mà là “một lãnh đạo của Vingroup” – và có thể là một trong những người giàu có nhất Việt Nam.
Sở dĩ các chuyên gia luật nhân quyền quốc tế như Tiến sĩ Heiner Bielefeldt có thái độ quan ngại về tính chất mơ hồ và tùy tiện của những điều luật như Điều 258, chính là vì việc áp dụng nó sẽ ngày mỗi trượt dài trong xã hội.
Nghĩa là sau chính quyền, thì sẽ đến lượt những thế lực “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” ở Việt Nam dễ dàng nhận được sự trợ giúp từ hệ thống pháp luật để dập tắt bất kỳ ý kiến, quan điểm nào mà họ không thích nghe.
Có lẽ đọc đến đây, có người sẽ bảo rằng, ừ thì cứ để điều luật xử lý hình sự tội phỉ báng ở Việt Nam như thế cũng được. Tôi muốn được luật pháp bảo vệ khi bị kẻ khác sỉ nhục, xúc phạm.
Và chắc là ý kiến đó cũng sẽ được ủng hộ, khi mà trật tự và ổn định luôn được xem là những tiêu chí xã hội được tôn vinh tại Việt Nam. Thế nhưng, liệu có ai trong chúng ta lại nhớ được lần cuối cùng mà một người dân thấp cổ bé miệng được chính quyền sử dụng các điều luật như Điều 258 để bảo vệ cho nhân phẩm – như trường hợp của “một lãnh đạo Vingroup”?
Trong khi đó, đổi ngược lại, chỉ riêng với vụ việc Vinschool, đã có bao nhiều phụ huynh, vì bất mãn việc tăng học phí phải lên tiếng, mà giờ đang đối mặt với nỗi lo của nguy cơ bị truy tố hình sự?
Xóa bỏ các điều luật như Điều 258 BLHS không phải là cổ xúy cho một xã hội mà hành vi phỉ báng không gặp chế tài của pháp luật.
Mà ngược lại, Bộ Luật Dân sự mới chính là hành lang pháp lý tốt nhất để các bên trong những vụ việc tương tự giải quyết các tranh chấp của họ. Vì ở tòa án dân sự, ít ra, tinh thần bình đẳng trước pháp luật của hai bên nguyên và bị đơn sẽ quân bình hơn – khi mà một phe không thể lăm le cái còng số 8 để uy hiếp phe kia.
Điều 258, Bộ luật Hình sự – Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân 1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. |
Bình luận