Connect with us

Tin tức

Hỏi đáp pháp luật xung quanh cái chết của Đỗ Đăng Dư

Published

on

 

Mạnh Cường – Quốc Cường – Trung Dũng – Đình Hà – Hồng Minh – Lưu Minh – Quang Nam – Phương Thảo

Cái chết bất thường của Đỗ Đăng Dư, 17 tuổi, sau hai tháng bị tạm giam, làm dấy lên nhiều băn khoăn của dư luận về việc thi hành luật pháp Việt Nam. Những lo ngại này xoay quanh chế độ giam giữ, xử lý vi phạm ở trẻ vị thành niên, cũng như nỗi lo sợ về nguy cơ hành pháp lạm quyền, dẫn đến rủi ro quá lớn cho công dân Việt Nam khi bước chân vào trụ sở cơ quan điều tra. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp phần nào những thắc mắc như vậy.

Mẹ, anh trai và chị gái của em Dư đang chờ kết quả khám nghiệm tử thi. Ảnh chụp tại tại sân nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trưa ngày 11/10/2015. Ảnh: Nguyễn Đình Hà.

1. Hình thức xử lý của pháp luật Việt Nam đối với tội trộm cắp tài sản là gì?

Theo Khoản 1, Điều 138 Bộ luật Hình sự (năm 1999, sửa đổi năm 2009), có 4 trường hợp:

– người trộm cắp tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;
– người trộm cắp tài sản dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng;
– người trộm cắp tài sản đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt;
– người trộm cắp tài sản đã từng bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm

Với 4 trường hợp này, người phạm tội trộm cắp tài sản bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm – tức tội phạm ít nghiêm trọng (căn cứ Điều 8 Bộ luật Hình sự, quy định về khung hình phạt).

Chúng tôi cho rằng Đỗ Đăng Dư rơi vào trường hợp đầu tiên. (Theo xác nhận của bà Đỗ Thị Mai, mẹ của Dư, vào ngày 11/10 khi trao đổi với luật sư Trần Thu Nam, thì Dư ăn trộm 2 triệu đồng của hàng xóm, cơ quan công an đã lập biên bản và thông báo cho gia đình con số đó).

2. Trong quá trình cơ quan chức năng tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử vụ án, Dư có thể bị tạm giam, tạm giữ không?

Đỗ Đăng Dư sinh năm 1998, năm nay 17 tuổi.

Theo Khoản 2, Điều 303 Bộ luật Tố tụng Hình sự, người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam (nếu có đủ căn cứ quy định tại các điều 80, 81, 82, 86, 88 và 120 của Bộ luật Tố tụng Hình sự), nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Do hành vi của Dư là trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, rõ ràng không đủ căn cứ để thực hiện các biện pháp ngăn chặn nói trên.

3. Thủ tục bắt giữ, tạm giữ hình sự hoặc tạm giam được quy định ra sao?

Về mặt thủ tục bắt giữ thông thường, ngoài việc các lệnh phải được ban hành đúng thủ tục, trình tự và thẩm quyền theo quy định tại Điều 80 và 81 Bộ luật Tố tụng Hình sự, cơ quan điều tra khi tiến hành thủ tục còn cần sự có mặt của chính quyền địa phương, hàng xóm láng giềng; phải giải thích quyền, nghĩa vụ người bị bắt và phải lập biên bản việc bắt giữ.

Căn cứ Khoản 2, Điều 48 Bộ luật Tố tụng Hình sự, người bị tạm giữ có quyền:

a) Được biết lý do mình bị tạm giữ;
b) Được giải thích về quyền và nghĩa vụ;
c) Trình bày lời khai;
d) Tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa;
e) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
f) Khiếu nại về việc tạm giữ, quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Thêm vào đó, theo Khoản 3, Điều 303, Bộ luật Tố tụng Hình sự, “cơ quan ra lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên phải thông báo cho gia đình, người đại diện hợp pháp của họ biết ngay sau khi bắt, tạm giữ, tạm giam”. Trong trường hợp Đỗ Đăng Dư, có dấu hiệu gia đình Dư đã không được thông báo đầy đủ, rõ ràng về tình trạng của Dư trong suốt hai tháng.

Tuy nhiên, các vấn đề pháp lý đặt ra nêu trên chỉ phù hợp nếu Dư thuộc trường hợp mà cơ quan điều tra được quyền thực hiện biện pháp tạm giữ, tạm giam.

4. Các sai phạm (nếu có) của cơ quan điều tra trong trường hợp này là gì?

Thứ nhất, nếu cơ quan điều tra giam giữ Đỗ Đăng Dư theo lệnh bắt giữ, lệnh tạm giam, thì người ký các lệnh này có dấu hiện phạm tội “ra quyết định trái pháp luật” (Điều 296, Bộ luật Hình sự).

Nếu cơ quan điều tra giam giữ em Dư không có lệnh bắt, lệnh tạm giữ, lệnh tạm giam hoặc có nhưng không đúng trình tự, thủ tục hay thẩm quyền, thì họ có dấu hiệu phạm tội “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” theo Điều 123 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, theo Khoản 2 của điều luật này, còn có một số tình tiết tăng nặng, như: Bên bắt lợi dụng chức vụ, quyền hạn; có tổ chức.

Thứ hai, Dư bị đánh dẫn đến chết trong quá trình bị tạm giam (theo chẩn đoán của cơ quan y tế một ngày trước khi Dư chết, thì Dư bị phù não, sưng gáy, tím thái dương, chứng tỏ đã bị đánh). Như vậy, tồn tại khả năng cơ quan quản lý trại giam không làm tròn trách nhiệm, phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 285 Bộ luật Hình sự).

Còn người hành hung, dẫn đến cái chết của Dư, có dấu hiệu phạm tội giết người hoặc cố ý gây thương tích. Nếu người đó lại chính là… cơ quan điều tra, thì khi ấy, trên nguyên tắc cũng vậy, điều tra viên thực hiện hành vi hoàn toàn có khả năng bị truy tố với tội danh giết người hoặc cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, thực tiễn pháp lý hình sự Việt Nam lại ưa thích dùng tội danh “dùng nhục hình”, “bức cung” (Điều 298-299 Bộ luật Hình sự) cho các đối tượng này.

(Độc giả có thể thấy sự phân biệt đối xử giữa cơ quan chức năng và người dân, theo hướng có lợi cho bên thi hành công vụ: Cùng gây hậu quả chết người, nhưng lực lượng thi hành công vụ lại hiếm khi bị xử lý vì các tội danh xâm phạm tính mạng hay sức khỏe).

5. Luật pháp Việt Nam quy định ra sao về quá trình khám nghiệm tử thi?

Theo Điều 151, Bộ luật Tố tụng Hình sự, “việc khám nghiệm tử thi do điều tra viên tiến hành có bác sĩ pháp y tham gia và phải có người chứng kiến”. Luật không quy định ai là người có đủ tư cách làm người chứng kiến.

6. Làm thế nào để quá trình khám nghiệm tử thi được khách quan?

Nguyên tắc chung của luật pháp là để đảm bảo tính khách quan trong bất cứ việc gì, cá nhân/ tổ chức thực hiện việc đó phải độc lập, không có quyền lợi liên quan.

Ở Việt Nam lâu nay, việc giám định, khám nghiệm v.v. thường do Viện Khoa học Hình sự (thuộc Bộ Công an), hoặc cơ quan pháp y quân đội, tiến hành. Chúng tôi cho rằng điều đó không đảm bảo khách quan, đặc biệt là trong các vụ việc mà chính cơ quan công an hay quân đội là đối tượng bị tình nghi phạm pháp.

7. Trong trường hợp chính cơ quan công an vi phạm thủ tục điều tra, tố tụng, thì cơ chế nào xử lý điều ấy?

Tại một số quốc gia như Hoa Kỳ hay Anh quốc, khi cảnh sát bị tình nghi giết người,  sẽ có các ủy ban tư pháp độc lập và/hoặc các tổ chức dân sự khác giám sát hoạt động của cảnh sát tiến hành điều tra để làm sáng tỏ sự thật.

Ngoài ra, và quan trọng nhất, hệ thống tư pháp phải độc lập khỏi hành pháp và lập pháp. Báo chí – quyền lực thứ tư – cũng độc lập, thậm chí còn có thể tiến hành các hoạt động điều tra riêng biệt. Điều này giúp hạn chế sự lạm quyền  của một số cơ quan công quyền nhằm bảo vệ các cá nhân vi phạm.

Thêm vào đó, để đảm bảo một nền tư pháp lành mạnh và sự độc lập của các phân đoạn điều tra, cơ quan điều tra thông thường tách biệt về cơ cấu tổ chức với cơ quan thực hành quyền giam giữ nhằm tránh hiện tượng bức cung, nhục hình.

Rõ ràng tại Việt Nam, cho đến nay, chưa có những cơ chế như vậy.

8. Các sai phạm của cơ quan công an trong vụ Đỗ Đăng Dư có vi phạm luật quốc tế về nhân quyền không?

Có. Cơ quan công an có dấu hiệu vi phạm:

– Công ước Quyền Trẻ em (đối tượng là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi), mà Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới ký kết, phê chuẩn (năm 1990).

– Công ước về Các Quyền Dân sự và Chính trị (Việt Nam gia nhập năm 1982).

– Công ước Chống Tra tấn (Việt Nam phê chuẩn năm 2014).

Bạn có biết...

... Luật Khoa là một tạp chí độc lập và phi lợi nhuận. Với mong muốn mang lại trải nghiệm đọc báo tốt nhất cho bạn đọc, chúng tôi không đặt quảng cáo và do đó không có doanh thu. Luật Khoa chi trả mọi chi phí bằng các khoản đóng góp của bạn đọc.

Mỗi ngày, các phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên của Luật Khoa đều tận tâm với từng con chữ và từng mối quan tâm của bạn đọc, nhằm mang lại cho bạn đọc cái nhìn mới mẻ và đa chiều về những vấn đề pháp luật, chính trị.

Nếu tất cả bạn đọc đều đóng góp cho Luật Khoa, dù là 20 nghìn đồng, tờ báo độc lập và khai phóng này của chúng ta sẽ hoạt động hiệu quả và bền vững hơn rất nhiều. Mỗi đồng bạn đóng góp đều giúp cho Việt Nam của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn, và bạn chỉ mất một phút để trở thành nhà tài trợ của Luật Khoa. Xin cảm ơn.





Bình luận

13 Comments

13 Comments

  1. Nguyễn Anh Tú

    12/10/2015 at 2:21 pm

    Cảm ơn người viết bài!

  2. Luongthien2111

    12/10/2015 at 2:35 pm

    Mot lucluong ngoni bang chiem dong chia chac da tan ac nhu cac dong chi cong an nay.’

  3. Thanh Hoàng

    12/10/2015 at 6:19 pm

    dự là trang web của các bạn sẽ bị bộ 4T rờ đến hoặc cùng lắm là bị block vì phổ biến quá nhiều thứ mà họ không muốn dân ngu quyền được biết quá nhiều vì đụng đến lực lượng công an nòng cốt tấm khiên lá chắn thanh gươm của đảng , hầu như các báo đăng bài này đều cấm comment nên tôi buộc comment trên trang các bạn để bày tỏ chính kiến .

    Good Luck

  4. H Dũng

    12/10/2015 at 9:46 pm

    Cái sai của việc phán đoán nầy là cho rằng Đỗ Đăng Dư chỉ trộm 2 triệu lần đầu. Thực tế e này đã thực hiện hơn 5 vụ trộm nên có thể coi là nghiêm trọng. Do đó mục 1 và 2 chỉ mang tính chất suy đoán. Việc gia đình bảo ko biết là vô lý khi họ đã đề nghị đưa e vào trại giáo dưỡng. Chỉ sơ sơ đã thấy tác giả khi nắm thông tin hơi phiến diện.

    • Hoàng Thành

      12/10/2015 at 11:59 pm

      Tất cả mọi thứ trên bài viết đều dựa vào luật để diễn giải, bạn có hiểu vấn đề không vậy?

      Theo cách nói của bạn thì nếu như ăn cắp 5 lần, mỗi lần 50.000đ cũng là nghiêm trọng?

    • Luật Khoa tạp chí

      13/10/2015 at 6:52 am

      Chào bạn,

      Rất cảm ơn bạn đã dành thời gian đặt câu hỏi cho Luật Khoa.

      Chúng tôi xin được giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

      1) Khái niệm tội nghiêm trọng là một khái niệm pháp lý, nên chúng ta không thể xem là “có thể” hay không. Nếu bạn cho rằng, đây là tội nghiêm trọng, sẽ cần phải xem xét các trường hợp thuộc khoản 2, Điều 138, Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự. Bạn cho rằng đây đã là lần thứ 6 em Dư phạm tội, vậy liệu em đã bị kết tội hình sự này trước đó, hoặc cơ quan điều tra đã làm rõ hành vi của em này có tính chất chuyên nghiệp hay không?
      Do thực tế các thông tin về việc bắt giam chỉ ghi nhận về 2 triệu đồng em đánh cắp trong lần này, và em cũng không phải cá nhân có tiền án, tiền sự, việc bạn cho rằng em “có thể” phạm tội nghiêm trọng là lập luận thiếu căn cứ hơn so với bài viết của nhóm tác giả.

      2) Khi gia đình đề nghị đưa em Dư vào trường giáo dưỡng thì tại sao em lại chết trong trại tạm giam?

      Đó là một số chia sẻ của Luật Khoa, hy vọng giải đáp được thắc mắc của bạn.

  5. Phạm Tuấn Đạt

    13/10/2015 at 10:15 am

    Cám ơn Luật Khoa tạp chí, có nhiều thông tin bổ ích cho mọi người.

  6. xuân hiệp

    14/10/2015 at 7:26 am

    cảm ơn tác giả bài viết

  7. Ngô Linh

    14/10/2015 at 8:48 am

    CHÀO LUẬT SƯ !

    Tôi là một học viên Pháp Luân Công tại Việt NAm. Thưa luật sư tại Việt Nam không có cấm tập môn này, tuy nhiên vài tỉnh thành khi tập ngoài trời do công an, dân phòng địa phương o hiểu lại cưỡng chế bắt về đồn.
    Xin hỏi họ phạm tội gì?

    Ngoài ra báo chí Việt Nam một số đài tuyên truyền sai sự thật về môn tập này và người sáng lập?

    Xin hỏi họ phạm tội gì?

    Ngoài ra nhiều nơi ngăn cản cho người dân biết thông tin ĐCS Trung Quốc đã mổ sống cướp nội tang hơn 2 triệu hv Pháp Luân CÔng, nếu VN ngăn cản thì có phải công an Việt Nam đang đồng phạm che giấu tội ác diệt chủng hay o?

    Mong luật sư có thời gian chia sẽ, ở VN nhiều văn bản mật và chỉ thị miệng gây oan ức cho dân nhưng họ o biết luật, hơn nữa o muốn dây dưa chính quyền nên họ ngại dẫn đến thiệt mạng.

    MINHHUE.NET

  8. bpq

    24/10/2015 at 8:19 pm

    Tại khoản 1 Điều 8 BLHS có nêu khái niệm về tội phạm:

    “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.”

    “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”.

    Tội trộm cắp tài sản có khung hình phạt cao nhất đến 7 năm tù . Vậy đó là ít nghiêm trọng hay nghiêm trọng ?

    • Luật Khoa

      24/10/2015 at 9:44 pm

      Chào bạn,

      Rất cám ơn bạn đã nghiên cứu pháp luật và đặt câu hỏi cho Luật Khoa.

      Chúng tôi nghĩ rằng bạn đã bỏ quên Khoản 1, Điều 138 – Về tội trộm cắp tài sản với khung tối đa ba năm tù.

  9. bpq

    25/10/2015 at 12:29 am

    – Tội trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 138 Bộ luật Hình sự

    A phạm tội này nếu A có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của công ty. Căn cứ khoản 3 Điều 8 Bộ luật Hình sự, đây là tội nghiêm trọng (mức cao nhất của khung hình phạt đến 7 năm tù)

    http://moj.gov.vn/hoidappl/Lists/DanhSachCauHoi/View_Detail.aspx?ItemID=15822

    Đây là trả lời của Bộ Tư Pháp CH XHCN Việt Nam :

    Tội trộm cắp tài sản là tội nghiêm trọng

    • Luật Khoa tạp chí

      25/10/2015 at 7:34 am

      Vâng như chúng tôi đã cố gắng giải thích nhưng bạn đọc không có thiện ý tìm hiểu.
      Trong trường hợp mà Bộ Tư Pháp trả lời, giá trị tài sản này đến 80 triệu đồng, tức thuộc vào khoản 2 Điều 138, với khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù.

      Trong trường hợp này, Dư trộm cắp 2 triệu đồng, dưới 50 triệu đồng, tức thuộc phạm vi khoản 1 Điều 138, khung hình phạt tối đa 3 năm tù – tội ít nghiêm trọng.

      Chúng tôi khuyến khích sự tham gia của các độc giả để làm rõ vấn đề pháp lý. Tuy nhiên, bạn đọc cũng nên tìm hiểu và tiếp thu hơn là cố gắng bao biện cho hành vi sai phạm của cơ quan điều tra. Đằng sau Luật Khoa là các Luật sư lâu năm nên chúng tôi không nghĩ tác giả có thể phạm phải lỗi sơ đẳng như vậy.

      Đây là khoản 1 Điều 138 để bạn đọc tham khảo nếu bạn nhất quyết không muốn đọc luật:

      “1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”

You must be logged in to post a comment Login