Connect with us

Tin tức

Pop Law: Thoát xác đổi hồn và trách nhiệm hình sự nhìn từ ‘Your Name’

Published

on

Bộ phim anime ‘Your Name – Tên Cậu Là gì?’ (tên tiếng Nhật Kimi No Na Wa), vừa ra rạp ngày 13/01 tại Việt Nam, đã “làm mưa làm gió” trên các rạp chiếu phim trên thế giới nhiều tháng qua kể từ khi công chiếu hồi tháng 8 năm ngoái tại Nhật Bản.

Your Name hiện đã thu được 284 triệu USD trên thế giới, đứng thứ 2 trong danh sách những phim anime với doanh thu quốc tế cao nhất trong lịch sử. Bộ phim còn đoạt một loạt các giải thưởng quốc tế lớn về anime, và có khả năng được đề cử tranh giải Oscar phim hoạt hình năm 2017.

Bộ phim với chủ đề giả tưởng siêu nhiên này là tác phẩm phim dài thứ 5 trong sự nghiệp của đạo diễn hoạt hình trẻ Makoto Shinkai. Shinkai đã được biết đến với các tác phẩm mang phong cách rất riêng gây tiếng vang trong công chúng và được giới phê bình đón nhận như ‘5 Centimet trên giây’ và ‘Vườn Ngôn Từ’.

Your Name là một câu chuyện tình yêu niên thiếu giữa hai nhân vật chính: cô nữ sinh tỉnh lẻ Mitsuha Miyamizu và cậu học sinh thành thị Taki Tachibana. Mitsuha cầu mong được thoát khỏi cuộc sống buồn chán chốn thôn quê và được trở thành một cậu bé sống tại thủ đô Tokyo nhộn nhịp.

Và úm ba la hô biến, điều ước của cô bé trở thành sự thật một cách bí ẩn vào một ngày nọ! Mitsuha và Taki có thể hoán đổi thân xác cho nhau một cách ngẫu nhiên trong một ngày bất kì chỉ sau một đêm ngủ dậy.

Hết ngày đi ngủ, sáng hôm sau họ lại trở về thân xác cũ của mình. Vượt qua những bất ngờ và bỡ ngỡ ban đầu, Mitsuha dần quen với việc nhập vai Taki và ngược lại, đồng thời với cá tính sẵn có của mình, cả hai liên tục tạo ra những thay đổi lớn trong cuộc đời của nhau, trong khi tình cờ lúc đó có một ngôi sao chổi đang sắp bay ngang Trái đất.

Chàng và nàng (Ảnh: fastjapan.com)

Bên cạnh đồ họa tinh tế rực rỡ sắc màu và nhạc phim ngọt ngào đầy xúc cảm, Your Name còn cuốn hút và làm ám ảnh khán giả bằng cốt truyện nhiều tầng ý nghĩa, gợi lên những câu hỏi sâu xa về luật lệ cho những người có đầu óc pháp lý: chúng ta có nên tuân theo những truyền thống, lề thói phong tục truyền đời từ xa xưa cho dù chúng ta không hiểu vì sao có những truyền thống phong tục đó? Trong những tình huống ngặt nghèo, có nên vì lợi ích công cộng mà thực hiện các hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật? (có cả câu hỏi chính sách mang tính thời sự: loa phường, phát thanh khu vực có đúng là không cần thiết, phải bỏ?)

Trong các vấn đề pháp lý mà bộ phim gợi mở, vấn đề thú vị nhất có lẽ là: chúng ta có trách nhiệm pháp lý cho các hành vi được thực hiện khi thân xác ta lúc thực hiện các hành vi đó không thuộc kiểm soát của ta?

Tên cậu là… Actus Reus hay Mens Rea?

Rất may cho cả Mitsuha và Taki là họ hoàn đổi thân xác cho nhau và cả hai đều là những thiếu niên tinh nghịch nhưng hiền lành nhân hậu.

Tuy nhiên, nếu đặt vào một hoàn cảnh kém tươi sáng hơn, ví dụ nếu họ phải hoán đổi thân xác với những kẻ ác độc, phá phách, lợi dụng thân xác của họ để làm những điều xằng bậy thì sao?

Luật hình sự Nhật Bản cũng giống với luật hình sự nhiều nước khác trên thế giới trong việc phân chia ra hai yếu tố cấu thành tội phạm: yếu tố khách quan (hay vật chất, ngoại vi) và yếu tố chủ quan (hay tinh thần, nội tại) của hành vi vi phạm hình sự.

Yếu tố khách quan là hành vi phạm tội, hay được nhắc đến tại các nước theo thông luật (common law) là actus reus (tiếng Latin cho “hành vi phạm tội”). Yếu tố chủ quan là ý thức phạm tội, tức mens rea (“ý chí phạm tội”).

Luật hình sự Việt Nam, vốn theo trường phái pháp luật xã hội chủ nghĩa, không ‘chia hai nửa vầng trăng’ actus reus và mens rea như thế, nhưng cũng có sự nhìn nhận hai khía cạnh khách quan và chủ quan của hành vi vi phạm hình sự.

Luật hình sự Việt Nam xác định bốn yếu tố cấu thành tội phạm bao gồm: khách thể của tội phạm, mặt khách quan của tội phạm, chủ thể của tội phạm và mặt chủ quan của tội phạm.

Hành vi và ý thức (Ảnh: mrdlaw12.files.wordpress.com)

Bộ luật hình sự hiện hành của Nhật đã có từ năm 1907, được soạn thảo với nhiều ảnh hưởng về nội dung tư tưởng từ luật hình sự Đức.

Bộ luật hình sự 1907 liệt kê các actus reus tức là các hành vi phạm tội cần xử lý. Trong khi đó, điều 38 của bộ luật này xác định yếu tố tiên quyết để chứng minh và trừng phạt tội phạm là ishi (ý thức, ý chí) của thủ phạm. Điều này cũng ghi là các hình vi được thực hiện mà không có ý thức phạm tội thì không bị xử phạt trừ phi có các quy định đặc biệt khác theo luật.

Bộ luật không định nghĩa rõ ràng ishi là gì nhưng nhìn chung từ thực tế xử án tại Nhật, ishi chỉ được chứng minh là tồn tại khi có bằng chứng cho thấy thủ phạm có nhận thức về thực tế khách quan của hành vi phạm tội, và công nhận thực tế khách quan đó.

Như vậy nguyên tắc chung là phải có mens rea đi cùng actus reus thì mới cấu thành tội phạm. Phải có ý thức về hành vi của bản thân đi kèm với việc thực hiện hành vi đó thì mới cấu thành hành vi phạm tội.

Nếu khi hoán đổi thân xác, kẻ làm chủ thân xác của Mitsuha đi cướp nhà băng, hay kẻ làm chủ thân xác của Taki đi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người quen, thì hoàn toàn có thể nói theo luật rằng: đúng là các hành vi cướp nhà băng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản là các actus reus đã diễn ra, đã được thực hiện bởi thân xác của Mitsuha và Taki, nhưng khi các hành vi đó diễn ra không hiện diện mens rea của Mitsuha và Taki.

Ý thức phạm tội, mens rea, nếu có, là của những kẻ đang làm chủ thân xác của Mitsuha và Taki khi hành vi vi phạm pháp luật diễn ra.

Giả xử việc hoán đổi thân xác là điều có thể xảy ra trong đời thực, vấn đề thực tiễn chính là rất khó khăn để chứng minh một cách khách quan rằng sự hoán đổi thân xác đã diễn ra tại một thời điểm nào đấy trước khi diễn ra các hành vi phạm pháp. Theo đó, rất khó để có thể chứng minh sự tách bạch giữa mens rea của kẻ làm chủ thân xác với ý thức của người bị mất kiểm soát xác mình (trừ phi có các thiết bị đo đạc, định tính định lượng phần hồn con người – oh la la!). Vậy Mitsuha và Taki phải làm gì để tự bào chữa?

Bào chữa cho “thoát xác đổi hồn”?

Trong điều kiện không làm chủ thân xác của mình, Mitsuha và Taki hoàn toàn có thể được xem là ‘mất năng lực hành vi’, và theo đó có thể tự bào chữa dựa vào điều 39 Bộ luật Hình sự 1907. Điều này gần tương tự với điều 21 trong Bộ luật Hình sự Việt Nam 2015:

Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Nhưng riêng việc tìm cách để chứng minh sự ‘mất năng lực hành vi’ cũng đã là một thử thách pháp lý khôn cùng khác! Chỉ bằng lời khai của Mitsuha hay Taki rằng “tôi không nhớ”, “tôi không biết” thôi thì không đủ.

Còn cần rất nhiều bằng chứng từ người thân gia đình của Mitsuha và Taki để chứng minh bản chất khác thường, các biểu hiện bất thường và ‘tâm thần’ từ hành vi của Mitsuha hay Taki trong ngày diễn ra hành vi phạm tội. Cần cả các bằng chứng y khoa, tâm lý học để xác định tình trạng không bình thường của Mitsuha và Taki trong những ngày ‘thoát xác đổi hồn’ và sau đó.

Nếu việc ‘thoát xác đổi hồn’ tiếp tục diễn ra thì việc chứng minh này không khó, tuy nhiên nếu việc thoát xác đổi hồn chấm dứt ngay sau ngày có hành vi phạm tội thì quả là một bi kịch cho Mitsuha hay Taki!

Tài liệu tham khảo:

 

Luật Khoa tạp chí xin trân trọng giới thiệu một chuyên mục mới: Pop Law

Chuyên mục Pop Law nhìn vào các vấn đề luật pháp xuất hiện trong các tác phẩm văn hóa đại chúng nổi bật, từ tiểu thuyết, truyện tranh manga, nhạc pop US-UK cho đến phim điện ảnh Hollywood và anime Nhật Bản.

Qua các bài viết của mình, Pop Law muốn nhìn thấy luật pháp, hay tư duy về luật pháp, tại nhiều nơi chốn, không nhất thiết chỉ tại những cuốn sách khô khan kinh viện hay các phiên tòa xám xịt nghẹt thở. Một trí tưởng tượng phong phú luôn có thể là một người bạn song hành thú vị của một bộ óc pháp lý sắc bén.

Hy vọng chuyên mục này sẽ giúp mang đến những phút giây vừa thư giãn vừa xoắn não bổ ích cho các bạn độc giả yêu thích pháp luật.

Bạn có biết...

... Luật Khoa là một tạp chí độc lập và phi lợi nhuận. Với mong muốn mang lại trải nghiệm đọc báo tốt nhất cho bạn đọc, chúng tôi không đặt quảng cáo và do đó không có doanh thu. Luật Khoa chi trả mọi chi phí bằng các khoản đóng góp của bạn đọc.

Mỗi ngày, các phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên của Luật Khoa đều tận tâm với từng con chữ và từng mối quan tâm của bạn đọc, nhằm mang lại cho bạn đọc cái nhìn mới mẻ và đa chiều về những vấn đề pháp luật, chính trị.

Nếu tất cả bạn đọc đều đóng góp cho Luật Khoa, dù là 20 nghìn đồng, tờ báo độc lập và khai phóng này của chúng ta sẽ hoạt động hiệu quả và bền vững hơn rất nhiều. Mỗi đồng bạn đóng góp đều giúp cho Việt Nam của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn, và bạn chỉ mất một phút để trở thành nhà tài trợ của Luật Khoa. Xin cảm ơn.





Bình luận