Connect with us

Quốc tế

Phán quyết công nhận hôn nhân đồng giới của Toà Bảo hiến Đài Loan nói gì?

Published

on

Ông Chi Chia-wei. Ảnh: Sentinel Taiwan.

Hôm nay, 24/5/2017, Đài Loan đã trở thành quốc gia châu Á đầu tiên công nhận hôn nhân đồng giới.

Trong một án lệ lịch sử, Tòa Bảo hiến (constitutional court) của Đài Loan đã tuyên bố Điều 972 của Bộ luật Dân sự năm 1930 là vi hiến, vì chỉ cho phép đàn ông và phụ nữ đăng ký kết hôn một cách hợp pháp (legal marriage).

Hành trình tranh đấu 30 năm

Vụ việc bắt đầu từ đơn kiện của ông Chi Chia-wei, một nhà hoạt động cho quyền LGBT lâu năm tại Đài Loan, sau khi thành phố Đài Bắc từ chối cấp giấy đăng ký kết hôn cho ông Chi và người bạn đời vào năm 2013.

Ông Chi đã công khai việc mình là người đồng giới từ năm 1975 khi mới 15 tuổi. Trong thời kỳ độc tài và trước khi Đài Loan chuyển đổi sang dân chủ vào năm 1987, ông Chi đã là một nhà hoạt động cho quyền LGBT. Ông  đã từng phải đi tù nhiều lần cũng vì những hoạt động tranh đấu này.

Ngoài ra, tại Đài Bắc, trong vòng hai năm qua đã có hơn 300 đơn xin đăng ký kết hôn của những người đồng giới được nộp đến chính quyền thành phố. Điều này đã khiến cho phía chính phủ cũng đệ đơn yêu cầu Tòa Bảo hiến phải đưa ra phán quyết về việc có công nhận hôn nhân đồng giới hay không.

Do đó, Tòa Bảo hiến đã quyết định thụ lý hồ sơ của cả ông Chi lẫn chính quyền Đài Bắc, và cho phép một cuộc tranh tụng công khai giữa các bên được diễn ra vào ngày 24/3/2017, kéo dài 4 tiếng đồng hồ .

Tại cuộc tranh tụng này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Chiu Tai-san lập luận rằng, việc thay đổi luật đăng ký kết hôn nhằm cho phép hôn nhân đồng giới cần phải được thực hiện từng bước. Bộ trưởng Chiu đưa ra dẫn chứng về các điều luật cho phép những người đồng giới được đăng ký sống chung (domestic partnership) thay vì được kết hôn ở một số nước để bảo vệ quan điểm của mình.

Trái ngược với Bộ trưởng Chiu, người đại diện cho chính quyền thành phố Đài Bắc, giáo sư luật Bruce Liao lại cho rằng Bộ luật Dân sự đúng ra phải là cơ sở pháp lý dùng để bảo vệ quyền được kết hôn của người đồng giới dựa theo Hiến pháp. Và nếu nó không thể thực hiện được chức năng này thì nó cần phải được thay đổi.

Theo giáo sư Liao, định nghĩa về hôn nhân là một khái niệm thay đổi theo thời gian. Trước kia, một người đàn ông được kết hôn với nhiều người phụ nữ và có thể bỏ vợ nếu cô ấy không thể sinh con. Vậy thì hiện nay, một người đàn ông cũng có thể kết hôn với một người đàn ông nếu họ muốn.

Luật sư Victoria Hsu, người đại diện cho nhà hoạt động Chi Chia-wei thì cho rằng, người đồng giớinhư thân chủ của bà không đòi hỏi quyền lợi đặc biệt gì hoặc cầu xin sự thương hại từ tòa án. Mà họ chỉ yêu cầu được đối xử công bằng trước pháp luật.

Ông Chi Chia-wei. Ảnh: Sam Yeh/AFP – Getty Images.

‘Mọi người đều có quyền kết hôn, bất kể giới tính’

Sau đúng hai tháng nghị án, 12 đại thẩm phán (grand justice) của Tòa Bảo hiến đã đồng ý đưa ra phán quyết tuyên bố hôn nhân đồng giới là hợp pháp tại Đài Loan.

Tòa Bảo hiến của Đài Loan vốn có 15 đại thẩm phán. Trong vụ án này, đại thẩm phán Huang Jui-ming đã chủ động xin không tham gia vì vợ của ông là một nhà lập pháp ủng hộ hôn nhân đồng giới. Hai đại thẩm phán Huang Horng-shya và Wu Chen-huan đã đưa ra ý kiến phản đối (dissenting opinion) quyết định công nhận hôn nhân đồng giới.

Đây cũng là lần đầu tiên Tòa Bảo hiến thụ lý và đồng ý đưa ra phán quyết về tính hợp pháp của hôn nhân đồng giới bằng việc diễn giải Hiến pháp.

Trong phán quyết, các vị đại thẩm phán đã nêu rõ, Điều 792 của Bộ luật Dân sự vi phạm quyền được tự do kết hôn (freedom of marriage) và quyền bình đẳng giới (gender equality) dựa trên Điều 22 và Điều 7 của Hiến pháp năm 1947, khi không công nhận tính hợp pháp của hai người đồng giới tính.

Trước hết, Điều 22 của Hiến pháp 1947 bảo đảm quyền được tự do kết hôn của công dân. Điều này có nghĩa là, mỗi công dân Đài Loan sau tuổi trưởng thành và còn độc thân đều có quyền quyết định hai việc: (1) họ muốn kết hôn hay không, và (2) họ muốn kết hôn với ai.

Tòa cho rằng việc một người muốn kết hôn với một người đồng giới không gây ra bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào đến xã hội và người khác. Ngược lại, ý nghĩa của hôn nhân đồng giới và dị tính là như nhau.

Đó là, mỗi người khi muốn kết hôn đều có ý định chung sống lâu dài với bạn đời, cùng tổ chức gia đình và hướng đến ổn định cuộc sống với nhau. Do vậy, nếu người đồng giới cũng có thể làm những việc này một cách hợp pháp, thì điều này càng khiến cho xã hội Đài Loan trở nên tốt đẹp và phát triển hơn.

Quyền được kết hôn cũng không liên quan đến việc hai người có thể sinh con cái hay không. Việc có thể sinh hay không sinh con không thể là cơ sở pháp lý để giới hạn quyền hiến định của người dân, cả dị tính lẫn đồng giới.

Do đó, các đại thẩm phán đã tuyên phán rằng, nếu Bộ luật Dân sự hiện hành chỉ cho phép người dị tính mới có thể đăng ký kết hôn thì vấn đề nằm ở phía chính phủ. Đây là lỗi của chính phủ khi đã không kịp thời tạo ra hành lang pháp lý nhằm đảm bảo quyền được kết hôn hợp pháp của người đồng giới.

Trên hết, đó chính là hành vi vi hiến, và vì thế Bộ luật Dân sự cần phải được sửa đổi để tất cả công dân Đài Loan đều có thể đăng ký kết hôn hợp pháp.

Ngoài ra, Điều 7 của Hiến pháp 1947 còn công nhận quyền bình đẳng trước pháp luật (equal justice before the law) của mọi công dân, bất kể họ thuộc “giới tính, tôn giáo, chủng tộc, giai cấp xã hội, thành phần chính trị” nào.

Dựa trên Điều 7, tòa tuyên bố rằng tinh thần của Hiến pháp 1947 không cho phép bất kỳ ai trong xã hội phải chịu cảnh bị đối xử bất công chỉ vì căn tính của họ, ví dụ như khuynh hướng tính dục (sexual orientation).

Cộng đồng LGBT tại Đài Loan vốn là một cộng đồng yếu thế và chịu nhiều bất công trong quá khứ. Họ bị kỳ thị và đối xử bất công khi những quyền công dân căn bản của họ đã bị từ chối chỉ vì họ chọn một khuynh hướng tính dục theo ý của mình.

Một cuộc biểu tình của cộng đồng LGBT ở Đài Bắc năm 2016. Ảnh: EPA.

Tòa còn cho rằng: “không có bất kỳ một tiêu chuẩn đạo đức nào có thể dùng để biện minh cho việc kỳ thị quyền được kết hôn của người đồng giới. Những giá trị của hôn nhân giữa người dị tính không hề bị ảnh hưởng chỉ vì những người đồng giới tính cũng được phép đăng ký kết hôn hợp pháp”.

Và hơn thế, giá trị đạo đức cũng không thể dùng làm lý do để từ chối những quyền con người mà Điều 7 của Hiến pháp 1947 đã bảo đảm cho mọi công dân Đài Loan.

Sau khi phán quyết được công bố, các nhà lập pháp và phía hành pháp của chính phủ có 2 năm để cải cách các bộ luật liên quan để người đồng giới có thể tiến hành đăng ký kết hôn. Họ có hai lựa chọn: hoặc sửa trực tiếp Bộ luật Dân sự, hoặc ban hành một đạo luật riêng về vấn đề này.

Nếu trong vòng 2 năm mà các điều luật cần thiết vẫn chưa được ban hành thì người đồng giới sẽ có thể nộp đơn đăng ký theo thủ tục hiện hành với sự chứng kiến của hai nhân chứng. Lúc ấy, chính phủ bắt buộc phải công nhận hôn nhân của họ là hợp pháp.

Từ lúc Tổng thống Tsai Ying-wen (Thái Anh Văn) nhậm chức vào năm 2016, một đạo luật về việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới đã được đệ trình tại Viện Lập pháp Đài Loan. Bà và đảng Dân Tiến (DPP) của bà đã giữ đúng lời hứa khi tranh cử vào năm 2016. Theo những nhà nghiên cứu pháp lý thì việc Tòa Bảo hiến đưa ra phán quyết ngày hôm nay đã góp phần thúc đẩy quá trình thông qua và ban hành đạo luật này.

Đài Loan là một trong những nước cởi mở nhất châu Á về vấn đề hôn nhân đồng giới. Hàng năm, cuộc diễu hành của người đồng giới ở Đài Loan lôi kéo hàng chục nghìn người tham gia.

Trong vòng 15 năm qua, đã có 21 nước khác công nhận hôn nhân đồng giới, bao gồm cả Canada, Colombi, Ireland, Brazil, Mỹ.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Văn hóa Đài Loan (Tweeter)
  2. Tòa Bảo hiến Đài Loan (judicial.gov.tw)
  3. Taiwan constitutional court hears debate on same-sex marriage (Focus Taiwan)
  4. Taiwan’s same-sex marriage ruling could cement its place as Asia’s liberal beacon (The Guardian)
  5. Taiwan Court Weighs Becoming First in Asia to Allow Gay Marriage (Bloomberg)
  6. Taiwan top court rules same-sex marriage legal, a first in Asia (Strait Times)

Bạn có biết...

... Luật Khoa là một tạp chí độc lập và phi lợi nhuận. Với mong muốn mang lại trải nghiệm đọc báo tốt nhất cho bạn đọc, chúng tôi không đặt quảng cáo và do đó không có doanh thu. Luật Khoa chi trả mọi chi phí bằng các khoản đóng góp của bạn đọc.

Mỗi ngày, các phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên của Luật Khoa đều tận tâm với từng con chữ và từng mối quan tâm của bạn đọc, nhằm mang lại cho bạn đọc cái nhìn mới mẻ và đa chiều về những vấn đề pháp luật, chính trị.

Nếu tất cả bạn đọc đều đóng góp cho Luật Khoa, dù là 20 nghìn đồng, tờ báo độc lập và khai phóng này của chúng ta sẽ hoạt động hiệu quả và bền vững hơn rất nhiều. Mỗi đồng bạn đóng góp đều giúp cho Việt Nam của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn, và bạn chỉ mất một phút để trở thành nhà tài trợ của Luật Khoa. Xin cảm ơn.





Bình luận