Xã luận
5 đối thoại về Dự luật Đặc khu
Trong một bài viết đăng trên Luật Khoa, tác giả đã liên tưởng Luật Đặc khu với hình ảnh của tô giới – một sản phẩm khét tiếng của chủ nghĩa thực dân. Và hiện nay, mô hình này dường như đang bị Trung Quốc – một kẻ tân thực dân – áp dụng lên rất nhiều quốc gia yếu thế khác. Đây không hẳn là ý tưởng mới, vì nó đã được rất nhiều chuyên gia quan hệ quốc tế và báo giới quốc tế cảnh báo.
Dẫu vậy, bài viết đã vấp phải nhiều phản biện. Dưới đây là 5 đối thoại dành cho những phản biện này.
Đối thoại 1: Đặc khu kinh tế không phải tô giới?
Đây là một trong những phản biện chính yếu của nhiều nhà quan sát. Họ cho rằng đặc khu vẫn có Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, vẫn có Hội đồng Nhân dân rút gọn, vẫn do nhà nước Việt Nam quản lý. Vậy nên đặc khu không liên quan gì đến tô giới cả.
Trong bài viết trước, tác giả không đề cập trực tiếp rằng dự thảo ‘Luật Đặc khu’ sẽ dẫn đến việc hình thành một thứ tô giới theo đúng ý nghĩa lịch sử, nhưng có ẩn dụ khả năng hình thành một thứ tô giới tân thực dân, đặc biệt với bài học từ Sri Lanka.
Một khái niệm, hiện tượng chính trị không dậm chân tại chỗ, chúng tiến hóa cho phù hợp với tình hình chính trị mới, môi trường xã hội mới. Trong luật học, sự tiến hóa của ngôn từ này thường được gọi là ‘Teleological Interpretation’ – ‘Trắc viễn giải nghĩa’.
Ví dụ, trong án lệ Ireland v UK vào những năm 1979 – 1980, Tòa án Nhân quyền Châu Âu từng cho rằng việc chính phủ Anh ép buộc những người Ireland bị bắt giữ phải nghe âm thanh cường độ cao trong thời gian dài không phải là đối xử phi nhân tính (‘inhuman treatment’), và lại càng không phải là hành vi tra tấn (‘torture’). Tuy nhiên đến nay, với sự phát triển của tiêu chuẩn sống và bảo vệ quyền con người cao, chính sách của thập niên 80 này bị đương nhiên xem là tra tấn. Cũng chỉ là một khái niệm, nhưng theo dòng phát triển lịch sử, chúng có nội hàm và hình thái thể hiện rất khác nhau. Đấy cũng là lý do chúng ta có những khái niệm tiến hóa như chủ nghĩa tân đế quốc, nô lệ hiện đại, v.v.
Trở lại với tô giới. Từ bỏ hoàn toàn chủ quyền quốc gia đối với một vùng đất cho ngoại bang thì mới được gọi là tô giới. Đúng, nhưng đó là trong câu chuyện 150 năm về trước.
Trong tình hình chính trị thế giới đương đại, việc một quốc gia chấp nhận giao đi vùng đất trọng yếu về chính trị hay có khả năng khai thác kinh tế cao nhưng không nhận lại được một lợi ích xác định cụ thể; giao đất nhằm xóa nợ, nhằm giải quyết lợi ích nhóm; đặc biệt cho những quốc gia mà tham vọng bành trướng khá rõ ràng; đặc biệt trong những mối ràng buộc pháp lý quốc tế hiện nay; thì giới quan sát có quyền gọi thẳng là khuất phục chủ quyền, là chủ nghĩa thực dân mới.
Không phải vô duyên vô cớ hầu hết chuyên gia trên thế giới đều e ngại dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc và cảnh báo về việc quá nhiều quốc gia đã rơi vào bẫy nợ của Bắc Kinh. Việt Nam không phải là ngoại lệ. Người dân Việt Nam lại càng không phải lo bò trắng răng.
Cân nhắc khả năng tập trung dân cư nước ngoài cao, tính tách biệt của các đặc khu, quyền tự trị lớn của đặc khu so với khả năng kiểm soát cư dân Việt Nam sinh sống bên ngoài và đặc biệt là kinh nghiệm của hàng chục ‘đặc khu’ tương tự do Trung Quốc kiểm soát mọc như nấm sau mưa, lo ngại rằng dự thảo Luật Đặc khu có thể trở thành nền tảng cho sự hình thành của một Tô giới mới (dù không mong muốn) là hoàn toàn có cơ sở.
Đối thoại 2: Dự thảo Luật làm gì có đề cập đến Trung Quốc?
Đây là câu hỏi đúng, nhưng cũng là câu hỏi sai. Câu hỏi phù hợp hơn cho tình cảnh nước ta hiện nay là: Sẽ còn ai khác ngoài Trung Quốc?
Các chuyên gia có nhiều hướng tiếp cận, nhưng nhìn chung lại có cùng đích đến.
Nếu Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh ghi nhận mục tiêu của ba đặc khu có hướng tới thu hút các ngành công nghệ cao 4.0; ông cũng bình luận rằng tư duy chính sách vẫn trong giới hạn 1.0 – tức cố tống thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bằng ưu đãi kịch trần, vượt khung.
Áp lực thu hút FDI dẫn đến việc chúng ta không ngần ngại tìm kiếm đầu tư đến từ casino, các loại hình dịch vụ thông thường (hay bất thường như mại dâm) và mua bán đất động sản. Điều này đồng nghĩa với việc không có gì bảo đảm ba đặc khu sẽ thật sự đóng góp vào việc chuyển giao công nghệ; đào tạo, hình thành một thế hệ lao động kỹ thuật cao ở hiện tại và lãnh đạo kỹ thuật cao trong tương lai.
Vậy nên, đất đai của cả ba đặc khu là mồi ngon cho giới đầu cơ đất đai Việt Nam, cho các doanh nghiệp Trung Quốc láng giềng theo dẫn dắt chính trị và nhu cầu giải tỏa gánh nặng dân số; hơn là một nơi có đủ nhân lực, hậu thuẫn chính sách để có thể chuyển mình thành một trung tâm công nghệ cao.
Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Quang Dy khẳng định: “Điều duy nhất mà nó [đặc khu] có chỉ đơn giản là thiết lập một không gian tự do kinh doanh trong một môi trường kinh doanh không tự do. Những ưu đãi đặc biệt thực ra chẳng có gì đặc biệt”.
Như vậy, nếu thật sự có một doanh nghiệp liên quan đến công nghiệp, công nghệ muốn đầu tư vào Việt Nam, liệu những ưu đãi kịch trần có hút được những doanh nghiệp này ra khỏi Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hai trung tâm công nghệ với nguồn nhân lực và hạ tầng sẵn có hay không? Họ có sẵn sàng đối mặt với giá mặt bằng sẽ leo thang bên trong đặc khu hay không? Ông Dy cho rằng mục đích thực sự của đặc khu kinh tế có lẽ không gì khác ngoài bất động sản, casino và những loại hình ăn chơi, giải trí, nhà ở khác. Những thứ có lẽ hiện nay chỉ người Trung Quốc là cần, và họ cũng ‘gần’ với các đặc khu nhất.
Cuối cùng, cân nhắc việc người Trung Quốc đang tràn lan tìm cách thâu gom đất đai tại các vùng ven biển như Nha Trang, Đà Nẵng – điều mà Luật Đất đai và Luật Nhà ở đã không thể ngăn cản – những vùng đất trọng yếu gần biển với tính tách biệt cao và khả năng tập trung dân số lớn, mô hình đặc khu chắc chắn là miếng mỡ được dâng đến miệng mèo đối với người Trung Quốc.
Đối thoại 3: 99 năm không phải vấn đề / 70 năm và 99 năm khác gì nhau?
Nhiều người phàn nàn về phong trào phản đối Luật Đặc khu cũng cho rằng từ xưa đến nay Luật Đầu tư cũng cho phép đầu tư 70 năm đó thôi, cũng ba thế hệ liên tiếp đó thôi. Câu hỏi này có thể dùng để hỏi ngược lại người hỏi? Nếu 70 năm và 99 năm không khác gì nhau, vậy cứ như luật đầu tư thông thường mà áp dụng, cần đặc khu để làm gì?
Hiển nhiên số năm không phải là vấn đề. Dự án Nhà máy Samsung được cấp phép đầu tư gần như không thời hạn mà vẫn được ủng hộ rộng rãi. Vì sao? Vì người dân Việt Nam biết rằng Samsung là một nhà đầu tư đến để đầu tư, không phải vì lý do khác. Samsung đầu tư tư bản, tạo hơn 130 nghìn việc làm, và đặc biệt hơn là đang chuẩn bị giúp Việt Nam một thế hệ nhân lực công nghệ mới. Người dân Việt Nam không dại mà phản đối họ.
Riêng đối với dự thảo Luật Đặc khu, ai cũng nhận ra rằng có vấn đề không minh bạch. Việc chuẩn bị khung hành lang pháp lý (mà đặc biệt là về quản lý hành chính) mới, tách bạch với môi trường bên ngoài cho toàn bộ đặc khu là ám muội đến kỳ lạ. Hệ quả là con số 99 năm trong một đơn vị hành chính khép kín có mối liên hệ khó giải thích với tô giới khét tiếng trong lịch sử. Tự thân 99 năm không phải là mối lo ngại của giới quan sát và người dân Việt Nam.
Đối thoại 4: Đặc khu là mô hình phát triển kinh tế thần tốc, không ủng hộ đặc khu là muốn Việt Nam sống trong nghèo đói?
Trước tiên, xét ở cấp độ quốc gia, chúng ta cần làm rõ là Việt Nam không quá lạ lẫm với các mô hình phát triển kinh tế theo cực thần tốc gần giống đặc khu.
Năm 1979, Việt Nam đã từng có đặc khu kinh tế mang tên “Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo”. Nhưng đặc khu này nhanh chóng lặng lẽ đóng cửa vì không có đóng góp gì đặc biệt (và cũng may mắn là không để lại tổn thất gì đặc biệt).
Nhưng càng về sau, nhiều mô hình tương tự như đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng, khu khai thác bauxite Tân Rai & Nhân Cơ (Tây Nguyên), khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam, 2003), khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi, 2005), khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định, 2005), khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (Thừa Thiên, 2006), khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa, 2006), khu kinh tế Phú Yên (Phú Yên, 2008).v.v. đều không đạt kỳ vọng mong muốn, hay nói thẳng ra là phần nhiều trong số đó đều thất bại.
Xét ở cấp độ quốc tế, Thâm Quyến thường được viện dẫn như là một thành quả đương nhiên mà Việt Nam sẽ đạt được. Tuy nhiên, cần nhớ Thâm Quyến là một đặc khu theo định hướng công nghiệp nặng và công nghiệp tiêu dùng, thu hút đầu tư nhưng tạo ra sự tự thân vận động của nền công nghiệp Trung Quốc nói chung.
Ở thời gian đầu, Thâm Quyến chỉ được coi là “thiên đường sao chép”, là công xưởng sản xuất toàn cầu với những mặt hàng có giá trị thấp. Nhưng quá trình này giúp tích lũy kinh nghiệm công nghệ, kinh nghiệm quản trị và tư bản. Đến khoảng những năm 2000, Thâm Quyến đã chuyển sang sản xuất các mặt hàng có giá trị lớn hơn và đến nay là một trung tâm công nghệ thông tin với những ông lớn như Tencent, ZTE và Huawei.
Trong khi đó, theo chuyên gia Vũ Quang Việt, các quy định trong dự luật về đặc khu chủ yếu nhằm vào thị trường địa ốc (property) và đánh bạc (casino) chứ không nhằm thu hút đầu tư công nghệ cao. Vì vậy, nếu muốn so sánh, các đặc khu tại Việt Nam cùng lắm sẽ chỉ có thể so sánh với tỉnh Sihanoukville của Cambodia. Đây là nơi hàng chục casino do Trung Quốc đầu tư, phục vụ người Trung Quốc, mọc lên cũng chỉ… thuê người Trung Quốc, từ xây dựng đến cung cấp dịch vụ. Cái lợi cho người dân địa phương gần như là con số không. Đấy là chưa tính đến việc tỉnh Sihanoukville không hề thành lập đơn vị hành chính biệt lập gì với dân cư của tỉnh cả.
Đối thoại 5: Nếu có vấn đề an ninh thì thu hồi đất, di tản dân, việc gì phải lo ngại?
Đây cũng lại một nhận định có phần bất cần đời, đặc biệt là cách họ xem xét việc di dời khu dân cư dễ như chuyện trở bàn tay. 50, 70 và 99 năm, ít nhất cũng là hai thế hệ kế tiếp, nhiều nhất là năm thế hệ kế tiếp nhau. Đất họ sinh sống không còn giá trị là đất thuê nữa, mà là đất cha ông họ để lại.
Về mặt nhân quyền, quyền tài sản và quyền cư trú truyền thống của những nhóm dân cư cũng cần được tôn trọng không kém bất kỳ quyền nào khác. Nếu mật độ tập trung dân số trong các đặc khu cao và số lượng dân cư đủ lớn, cả ba đặc khu là những ổ kiến lửa về khả năng khủng hoảng nhân đạo trong trường hợp Việt Nam thật sự mắc phải xung đột an ninh với Trung Quốc.
Cách đây không lâu, chúng ta còn nhớ rằng thế giới giận dữ thế nào khi quân đội Myanmar mở chiến dịch bố ráp người Hồi giáo Rohingya và đẩy họ sang phía biên giới Bangladesh. Bất kể lý do quốc phòng an ninh, bất kể lý do chiến tranh, ép buộc tái định cư (forced displacement) luôn nằm trong danh sách các tội ác chiến tranh được Tòa Hình sự Quốc tế ghi nhận.
***
Với tất cả những thông tin từ phía các chuyên gia kinh tế, kinh nghiệm tự thân của Việt Nam, các hiện tượng toàn cầu và quan điểm của giới quan sát trên thế giới, có nhiều lý do để lo ngại về dự thảo Luật Đặc khu và tương lai của nó.
Tính đến nay, Quốc hội đã luôn luôn gật đầu với tất cả những gì chính phủ đưa cho mình. Một lần thử chữ Không, chắc chắn sẽ tạo tiền lệ quan trọng cho các dự án luật và quyết sách trong tương lai. Đã đến lúc chính phủ, Đảng phải thuyết phục Quốc hội; không phải ra lệnh cho Quốc hội.
Bình luận