Connect with us

Tin tức

Nước Mỹ sẽ ra sao nếu áp dụng hệ thống bầu cử của Đức?

Published

on

Hoàng Thảo Anh (tổng hợp)

Trong khi nước Mỹ vẫn chưa hồi phục sau những bế tắc liên quan đến đảng phái và rối loạn chính trị, Đức đã một lần nữa thành lập một “đại liên minh” có sự quy tụ hai đảng phái chính là đảng trung-hữu và đảng trung-tả. Hai đảng này đã giành được tổng số phiếu bầu trên 70% trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 9 năm ngoái. Trở ngại chính lớn nhất  mà hai đảng này đã vượt qua? Tìm ra một cơ chế hữu hiệu hơn cả cho việc xác định và áp dụng mức lương tối thiểu trên toàn quốc.

Làm thế nào mà người Đức có thể tạo ra được sự hợp tác và đồng thuận cao đến vậy trong một hệ thống năm đảng phái – còn nước Mỹ sẽ ra sao nếu hệ thống đa đảng thắng thế trên chính trường?

Một phần của câu trả lời nằm ở cấu trúc phức tạp của quy trình bầu cử ở Đức. Vì một vài lý do lịch sử hiển nhiên sau thế chiến thứ II, quy trình này đã được thiết lập để phân cấp và phân tán quyền lực. Theo đó, thành viên của hạ viện (Bundestag – hay còn gọi là Quốc hội liên bang) được chọn lựa thông qua một quy trình mà qua đó mỗi công dân Đức có 2 lượt bỏ phiếu. Lượt thứ nhất giống như ở Mỹ, người dân bầu cho một cá nhân đại diện cho một khu vực bầu cử cụ thể. Lượt thứ hai, cũng là lượt cuối cùng và có tầm ảnh hưởng hơn, là lượt bầu trực tiếp cho một đảng phái chính trị nhằm quyết định thành phần các đảng phái ở trong chính phủ.

Việc sử dụng một hệ thống bầu cử đại diện theo tỷ lệ (proportional representation – tức đảng phái sẽ nhận được số ghế tương ứng với lượng phiếu bầu có được) cũng gần như chắc chắn đảm bảo rằng nước Đức sẽ vận hành theo cơ chế nhiều đảng. Nhưng để tránh những hỗn loạn chia rẽ khi có quá nhiều đảng phái phân mảng và gây khó khăn (như ở Ý), Nhà nước Đức đã áp dụng ngưỡng 5% đối với mỗi đảng nếu muốn vào Hạ viện. Về cơ bản, đảng nào không đạt được ít nhất 5% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử toàn quốc thì sẽ bị loại khỏi Quốc Hội.

Người dân Đức bỏ phiếu tại một điểm bầu cử. Ảnh: BBC

Người dân Đức bỏ phiếu tại một điểm bầu cử. Ảnh: BBC

Quy định này đã chứng minh tính hiệu quả trong việc thúc đẩy chủ nghĩa ôn hòa và tránh chủ nghĩa cực đoan, trong đó có đảng tân phát xít và tàn dư Đảng Cộng sản cũ của Đông Đức.

Điều gì sẽ xảy ra nếu áp dụng hệ thống bầu cử Đức tại Hoa Kỳ?

Tổng quát, hệ thống của Đức có xu hướng hiện diện khoảng 5 đảng phái chính trị trong quốc hội, gần như những gì mà hệ thống chính trị Mỹ có thể tạo ra nếu họ sử dụng những quy tắc tương đương.

(Hiện nay, gần như toàn bộ hệ thống bầu cử tại Hoa Kỳ đều áp dụng phương thức bầu cử đa số (plurality voting system – còn được biết đến với tên gọi “winner-take-it-all”) – tức đảng phái, cá nhân nào có số phiếu nhiều hơn so với các đảng phái, cá nhân còn lại đương nhiên thắng cử; tạo tiền đề cho yêu cầu xác nhập và tập hợp giữa những xu hướng vận động chính trị nhỏ lẻ để tạo đủ sức mạnh chính trị ảnh hưởng lên số lượng lớn cử tri. Hai Đảng lớn nhất Hoa Kỳ – Cộng Hòa và Dân Chủ cũng là kết quả của quá trình này – ND)

Đầu tiên, xét tới đảng Dân chủ ở Mỹ, phe phái từ lâu đã trở thành một liên minh lỏng lẻo giữa những “cử tri lao động” cổ điển (những người có mối quan tâm sâu sắc đến các vấn đề như quyền lao động và mạng lưới an sinh xã hội) với những cử tri tự do xã hội (những người tập trung nhiều hơn vào các chủ đề về chủ nghĩa đa văn hóa và đa dạng xã hội). Gần đây, hai nhánh tư tưởng này có vẻ đã hợp tác với nhau tốt hơn. Tuy nhiên, những đường lối sai lầm cũ vẫn có thể lặp lại, như trong các cuộc tranh luận về nhập cư, khi mà một bên chủ yếu quan tâm đến sự cạnh tranh tiền lương trong nước và mối đe dọa việc làm; trong khi bên còn lại thì chú trọng các quyền công dân, bảo vệ quyền của các nhóm nhập cư bất hợp pháp, người thiểu số hơn. Không khó để hình dung phe Dân chủ lao độngphe Dân chủ xã hội sẽ hình thành nên 2 đảng riêng biệt từ nền tảng của Đảng Dân Chủ hiện nay nếu tiếp cận dưới góc độ đại diện theo tỷ lệ.

Đối với đảng Cộng hòa hiện nay, hiển nhiên tồn tại nhiều phân mảnh, bao gồm phần còn lại của nhóm “Đảng Cộng Hòa nguyên bản” (Establishment Republicans), các thành viên của phong trào Tea Party[1] với lý tưởng không đổi tập trung vào việc giảm quy mô của chính phủ, cũng như các nhóm chính trị tập trung vào quyền tôn giáo mà ưu tiên của nó là “những giá trị truyền thống”. Rõ ràng các nhóm nói trên đang chồng chéo lẫn nhau.

Trong một hệ thống đa đảng, những phe cánh khác nhau này có thể phân chia thành 3 đảng phái, và như thế, kết hợp với 2 đảng Dân chủ ở trên, ta có 5 đảng phái trên vũ đài chính trị như ở Đức.

Vấn đề của hai mô hình

Vào năm 2013 ở Đức, ngưỡng 5% đã dẫn đến việc loại trừ sân chơi dành cho Đảng Dân chủ Tự do, đảng từng là đối tác chính trong chính phủ liên hiệp lãnh đạo bởi bà Angela Merkel của Liên Minh Dân Chủ Cơ Đốc Giáo từ năm 2009. Điều này đã buộc bà Merkel phải chuyển hướng sang hợp tác với đảng Dân chủ Xã hội để đạt được chi phối đa số tại Quốc Hội.

Lẽ đương nhiên là đảng nào cũng muốn chi phối chính phủ một cách trọn vẹn, tuy vậy một liên minh cầm quyền giữa đảng trung hữu và đảng trung tả luôn xuất hiện; đây lại là tình huống rất phổ biến từ năm 2005 đến 2009, giai đoạn mà Đức đã vượt qua suy thoái kinh tế toàn cầu một cách vượt trội hơn nhiều so với các quốc gia khác. Trong khi hệ thống lưỡng đảng ở Mỹ tiếp tục dẫn đến sự phân cực sâu sắc, hệ thống đa đảng ở Đức đang dần tiến tới một sự điều tiết hợp lý và ổn thỏa hơn.

Chính phủ liên minh không phải là vạn năng. Đáng chú ý có thể kể đến là việc họ thường không có khả năng đưa ra những đề nghị vượt quá mức độ tiến bộ vừa phải cũng như có xu hướng rạn nứt dưới nhiều sức ép. Về lâu dài, việc không có một phe đối lập mạnh mẽ từ 1 đảng lớn ngoài chính phủ để kiểm tra chính phủ đương nhiệm sẽ trở thành một vấn đề lớn đối với hình thức chính phủ liên minh này.

Tuy nhiên, những dàn xếp như trên đã thúc đẩy sự đồng thuận rộng rãi và tăng cường tính ổn định của hệ thống chính trị, thể hiện qua việc đảng liên minh cầm quyền đã được ủng hộ với tỷ lệ 7/10 số phiếu bầu. Lần cuối cùng nước Mỹ có một hình thức liên minh lớn tương tự là vào giai đoạn 11/9, khi mà lãnh đạo của các đảng phái chấm dứt bất đồng và thống nhất ủng hộ Tổng thống George W. Bush. Đảng Dân chủ đã ít nỗ lực hơn trong việc sử dụng quyền đa số ở Thượng viện để chấm dứt bế tắc.

11 tiếng đồng hồ bỏ phiếu vào ngày 18/10/2013 để tái mở cửa chính phủ liên bang Hoa kì và ngăn chặn một thảm họa vỡ nợ đã phác họa sơ bộ cái nhìn về một liên minh cầm quyền theo đường lối ôn hòa. Đối sách đã được Thượng viện thông qua với 81 thuận -18 chống , Hạ viện với 285 thuận – 144 chống, cùng với sự ủng hộ của lãnh đạo các đảng ở cả Thượng viện lẫn Hạ viện và Tổng thống. Thỏa thuận ngân sách gần đây của ông Ryan và bà Murray cũng đã thể hiện triển vọng của những thỏa hiệp chính trị hợp lý hợp lý hơn.

Điều này trở nên thú vị khi tưởng tượng về những gì mà chính phủ Mỹ có thể thực hiện với 4 năm, trong đó chính trị và các hoạch định chính sách được thực hiện theo hướng khôn ngoan, ôn hòa như diễn ra ở Đức nhờ vào (ít nhất một phần) hệ thống bầu cử bổ trợ sự tồn tại đa đảng của quốc gia này./.

Chú giải của người dịch

[1] Một phong trào ở Mỹ. Năm 1773, khi 13 tiểu bang đầu tiên còn là thuộc địa của Anh Quốc, chính phủ Hoàng Gia Anh ban hành đạo luật tăng thuế (Tea Act), điều này gây ra sự phản đối mạnh mẽ của những cư dân thuộc địa. Họ không đồng tình việc tăng thuế trong khi không có đại diện trong nghị viện Anh để bảo vệ quyền lợi cho 13 tiểu bang. Vì thế một nhóm tập hợp những người chống lại chính quyền mẫu quốc ra đời tại Boston với tên gọi: Boston Tea Party và giương cao khẩu ngữ trước đó ‘’No Taxation without Representation’’ (không đóng thuế nếu không có đại diện). Nhóm người này đã cùng nhau hành động bằng cách lên tàu và đem vứt hết tất cả những bao trà nhập cảng từ Anh vào Mỹ (một trong những sự kiện khởi đầu cho phong trào đấu tranh giành thuộc địa của 13 tiểu bang).

Ngày nay, Tea Party được hiểu như một phong trào tập hợp những người dân Mỹ có xu hướng bảo hiến, bất mãn chính quyền đương nhiệm và phản kháng lại sự can thiệp quá nhiều của chính quyền vào đời sống nhân dân trong các lĩnh vực khác nhau như kinh tế, y tế, giáo dục etc . Họ chống lại việc tăng thuế , chi tiêu của chính phủ, và chống đối một chính quyền liên bang quá mạnh, a big government (liên hệ đến nguyên nhân thành lập Tea Party).

Tư liệu

What If the US Had a Multiparty System Like Germany’s?

Bạn có biết...

... Luật Khoa là một tạp chí độc lập và phi lợi nhuận. Với mong muốn mang lại trải nghiệm đọc báo tốt nhất cho bạn đọc, chúng tôi không đặt quảng cáo và do đó không có doanh thu. Luật Khoa chi trả mọi chi phí bằng các khoản đóng góp của bạn đọc.

Mỗi ngày, các phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên của Luật Khoa đều tận tâm với từng con chữ và từng mối quan tâm của bạn đọc, nhằm mang lại cho bạn đọc cái nhìn mới mẻ và đa chiều về những vấn đề pháp luật, chính trị.

Nếu tất cả bạn đọc đều đóng góp cho Luật Khoa, dù là 20 nghìn đồng, tờ báo độc lập và khai phóng này của chúng ta sẽ hoạt động hiệu quả và bền vững hơn rất nhiều. Mỗi đồng bạn đóng góp đều giúp cho Việt Nam của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn, và bạn chỉ mất một phút để trở thành nhà tài trợ của Luật Khoa. Xin cảm ơn.





Bình luận