Connect with us

ĐÃ DỪNG CẬP NHẬT

Điểm tin: Ấn Độ nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu thuốc trị sốt rét sau khi TT Trump dọa trả đũa

  • Các phiên cập nhật: 8:00 – 13:00 – 18:00 (giờ Việt Nam)
Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
v
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm cuối tháng Hai của ông Trump tới Ấn Độ. Ảnh: Reuters.

Bạn đang đọc bài điểm tin hàng ngày của Luật Khoa. Bản tin này được cập nhật ba lần mỗi ngày, vào lúc 8:00, 13:00 và 18:00. Mọi ý tưởng, phản hồi xin gửi vào địa chỉ email bbt@luatkhoa.org.

Cập nhật lúc: 18:00 – Giờ Việt Nam

Bộ Y tế: Việt Nam có thêm bốn ca nhiễm COVID-19

Ảnh chụp màn hình website ncov.moh.gov.vn lúc 18:00 ngày 7/4/2020.

Thông báo lúc 18:00 của Bộ Y tế cho thấy số ca nhiễm COVID-19 của Việt Nam đã tăng thêm bốn người, trong đó chưa có trường hợp tử vong nào.

Cập nhật lúc: 18:00 – Giờ Việt Nam

Thủ tướng Anh lâm bệnh, ai giữ mật mã hạt nhân?

Chính phủ Anh từ chối cung cấp thông tin cho báo giới về việc ai nắm giữ mật mã kích hoạt vũ khí hạt nhân của nước này khi Thủ tướng Boris Johnson đang nằm trong bệnh viện vì COVID-19.

Hiện nay, Ngoại trưởng Dominic Raab đang được giao quyền điều hành chính phủ sau khi Thủ tướng Johnson phải nhập viện tối qua do bệnh tình nặng thêm. Ông Johnson đã phải thở oxy tại khu điều trị tích cực của một bệnh viện, nơi điều trị những ca nặng nhất.

Anh là một trong năm nước chính thức sở hữu vũ khí hạt nhân, với khoảng 215 đầu đạn, trong đó có 120 đầu đạn có thể sẵn sàng kích hoạt. Chỉ thủ tướng Anh mới có quyền kích hoạt một cuộc tấn công hạt nhân.

Nhân viên nghĩa trang mặc đồ bảo hộ chôn cất một người ở nghĩa trang Vila Formosa, thành phố Sao Paulo, Brazil, ngày 1/4/2020. Ảnh: AP Photo/Andre Penner.

Cập nhật lúc: 18:00 – Giờ Việt Nam

Ấn Độ nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu thuốc trị sốt rét sau khi TT Trump dọa trả đũa

Hôm nay, Ấn Độ, nhà sản xuất thuốc generic lớn nhất thế giới, vừa phải nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu thuốc kí ninh trị sốt rét. Đây là loại thuốc Tổng thống Mỹ Donald Trump quảng cáo liên tục trong thời gian qua như một vũ khí tiềm năng để chống coronavirus.

Theo Reuters, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu loại thuốc này cùng với các loại thuốc giảm đau sau khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc và nhu cầu thế giới tăng cao.

Tuy vậy, cuối tuần trước, TT Trump đã nói chuyện với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đề nghị cung cấp thuốc. Đến thứ Hai tuần này, ông nói có thể trả đũa nếu Ấn Độ không dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu.

Cập nhật lúc: 18:00 – Giờ Việt Nam

Nhật tuyên bố tình trạng khẩn cấp, thông qua gói cứu trợ kinh tế gần 1.000 tỷ USD

Hôm nay, 7/4, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp để chống đại dịch COVID-19, đồng thời công bố một gói cứu trợ kinh tế 108 nghìn tỷ yen, tức khoảng 990 tỷ USD, tương đương 20% nền kinh tế nước này, Reuters đưa tin.

Tình trạng khẩn cấp kéo dài từ nay tới ngày 6/5, được áp dụng ở thủ đô Tokyo và sáu khu vực khác, bao trùm khoảng 44% dân số Nhật Bản. Chính phủ sẽ có nhiều quyền hạn hơn trong việc hạn chế người dân đi lại và đóng cửa các cơ sở kinh doanh. Bộ trưởng Nông nghiệp nước này cũng khuyến cáo người dân chỉ mua thực phẩm đủ dùng vì Nhật có đủ nguồn cung thực phẩm và chính phủ không có ý định can thiệp vào ngành này.

Gói cứu trợ kinh tế của Nhật tương đương 20% tổng sản phẩm quốc nội của nước này, cao hơn mức 11% của Mỹ và 5% của Đức, trong bối cảnh nợ công của Nhật đã là 200%.

Cập nhật lúc: 18:00 – Giờ Việt Nam

Cố vấn Nhà Trắng từng cảnh báo nguy cơ về đại dịch từ cuối tháng Một

Cố vấn thương mại của TT Donald Trump, Peter Navarro, trong một cuộc họp báo của nhóm đặc trách ứng phó với coronavirus. Ảnh: The New York Times.

Theo The New York Times, cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro hồi tháng 1/2020 đã cảnh báo COVID-19 nếu bùng phát ở Mỹ sẽ khiến hàng trăm nghìn người chết, thiệt hại hàng nghìn tỷ USD.

“Sự thiếu hụt khả năng miễn dịch, cũng như vaccine và thuốc điều trị có thể khiến người Mỹ thất thủ trong trường hợp COVID-19 bùng phát trên đất Mỹ. Điều này sẽ tăng nguy cơ COVID-19 gây ra đại dịch, đe dọa cuộc sống của hàng triệu người Mỹ”, Peter Navarro, cố vấn thương mại hàng đầu của Nhà Trắng, viết trong bản ghi nhớ gửi Hội đồng An ninh Quốc gia ngày 29/1.

Bản ghi nhớ sau đó được chuyển cho nhiều quan chức hàng đầu trong chính quyền Mỹ, trong đó có quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney. Tuy nhiên, chưa rõ liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump có biết đến tài liệu này hay không.

Trong bản ghi nhớ, Navarro cũng lưu ý rằng chính quyền Trump phải cân nhắc mức độ quyết liệt trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh; và thiệt hại về con người, kinh tế có thể tương đối thấp nếu COVID-19 có khả năng lây lan và gây tử vong tương tự cúm mùa. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh “không nên bỏ qua nguy cơ đại dịch tồi tệ nhất” dựa vào những dữ liệu do Trung Quốc công bố. Trong kịch bản tồi tệ nhất, ông cảnh báo hơn 500.000 người Mỹ có thể chết vì dịch bệnh.

Đây được cho là cảnh báo ở cấp cao và trực diện nhất từng lưu hành tại Nhà Trắng vào thời điểm TT Trump vẫn tỏ ra xem thường mối đe dọa của nCoV với nước Mỹ. Trump sau đó còn tuyên bố rằng không ai có thể dự đoán được mức độ thiệt hại có thể khủng khiếp như vậy.

Bản ghi nhớ được viết cùng ngày Tổng thống Trump thành lập nhóm đặc trách ứng phó COVID-19 tại Nhà Trắng, cũng như xem xét biện pháp cấm người nhập cảnh từ Trung Quốc do Navarro đề xuất. Ông chủ Nhà Trắng sau đó hạn chế đi lại với những người đến từ Trung Quốc, nhưng phải mất thêm vài tuần để áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn.

Những câu hỏi về cách xử lý khủng hoảng tại Mỹ, đặc biệt là trong giai đoạn đầu, nhiều khả năng sẽ quyết định khả năng tái đắc cử của Trump. Bản ghi nhớ của Navarro cho thấy một số quan chức cấp cao trong chính quyền Trump đã tính tới nguy cơ đại dịch bùng phát, gây thiệt hại nghiêm trọng hơn những gì Tổng thống Mỹ công bố trong hai tháng qua.

Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 367.600 ca nhiễm, trong đó gần 11.000 người đã chết. Mỹ đã trở thành một trong ba nước ghi nhận hơn 10.000 người chết do dịch bệnh, bên cạnh Italy và Tây Ban Nha.

Cập nhật lúc: 18:00 – Giờ Việt Nam

Số ca nhiễm virus corona tại Nga tăng kỷ lục trong ngày 7/4

Chính phủ Nga đã xác nhận 1.154 ca mới nhiễm coronavirus vào hôm nay, thứ Ba – 7/4, đánh dấu mức tăng kỷ lục số ca trong một ngày, nâng tổng số ca lên 7.497 người, The Moscow Times đưa tin.

Cũng tính đến 7/4, 58 người ở Nga đã tử vong vì virus corona, 11 người trong số họ đã chết trong 24 giờ qua.

Các con số báo cáo chính thức của Nga về số người nhiễm COVID-19 là thấp hơn nhiều so với hầu hết các nước châu Âu, khiến nhiều quốc gia và các tổ chức quan sát nghi ngờ. Nhiều cơ quan tình báo của các nước cảnh báo số lượng thực tế có thể lớn hơn nhiều.

Thủ đô Moscow của Nga là nơi có số bệnh nhân COVID-19 cao nhất, chiếm tới ⅔ số ca nhiễm trên toàn quốc.

Cập nhật lúc: 13:00 – Giờ Việt Nam

Hàng loạt cơ sở y tế Mỹ dùng thuốc kí ninh chữa COVID-19 nhưng không rõ hiệu quả

Một phóng sự đặc biệt của Reuters mới đăng hôm nay cho biết hàng loạt cơ sở y tế và dược phẩm ở New York, Louisiana, Massachusetts, Ohio, Washington và California đang sử dụng thuốc kí ninh hydroxychloroquine cho các bệnh nhân COVID-19.

Các cơ sở y tế này cho biết họ kê thuốc này dựa trên kết quả tích cực của một số nghiên cứu nhỏ. Một số thừa nhận họ dùng thuốc này do áp lực của bệnh nhân.

Tuy vậy, phác đồ điều trị bằng loại thuốc này lại khác nhau giữa các cơ sở y tế. Khi nào thì kê thuốc này, và nếu kê thì có dùng kèm với thuốc khác không là điều họ không thống nhất với nhau.

Nhiều bệnh nhân sử dụng thuốc kí ninh đang hồi phục tốt, nhưng các bác sĩ cho biết có quá nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới khả năng hồi phục nên họ không biết liệu thuốc kí ninh có hiệu quả hay không.

Thuốc kí ninh, thường được dùng để trị sốt rét, được Tổng thống Donald Trump liên tục khen ngợi trong thời gian gần đây, bất chấp thực tế là loại thuốc này mới chỉ đang được thử nghiệm lâm sàng và chưa có đủ bằng chứng chứng minh hiệu quả. Ngay cả các chuyên gia y tế của Nhà Trắng cũng khẳng định tương tự.

Cập nhật lúc: 13:00 – Giờ Việt Nam

Số ca nhiễm COVID-19 ở Indonesia tăng kỷ lục, 24 bác sĩ tử vong

Các nhân viên y tế mặc áo mưa dùng một lần như bộ đồ bảo hộ để phục vụ bệnh nhân trong bối cảnh đại dịch coronavirus (COVID-19) bùng phát tại một trung tâm y tế địa phương ở Aceh, Indonesia ngày 6 tháng Tư năm 2020. Ảnh: Antara Foto/Irwansyah Putra/Reuters.
Các nhân viên y tế mặc áo mưa dùng một lần như bộ đồ bảo hộ để phục vụ bệnh nhân trong bối cảnh đại dịch coronavirus (COVID-19) bùng phát tại một trung tâm y tế địa phương ở Aceh, Indonesia ngày 6 tháng Tư năm 2020. Ảnh: Antara Foto/Irwansyah Putra/Reuters. 

Hôm qua, 6/4, chính quyền Indonesia ghi nhận 218 trường hợp mới nhiễm COVID-19, đưa tổng số người nhiễm ở nước này lên 2.491, trong đó có 209 ca tử vong, theo Reuters.

Indonesia hiện là nước có số ca tử vong cao thứ ba châu Á, sau Trung Quốc và Iran.

“Tỷ lệ các bác sĩ tử vong đang gia tăng chóng mặt”, theo ông Halik Malik, phát ngôn viên của Hiệp hội Bác sĩ Indonesi, người xác nhận 24 bác sĩ đã qua đời vì COVID-19 trong lúc làm việc.

“Nguy cơ bị lây nhiễm của các nhân viên y tế luôn thường trực. Họ cần được bảo vệ bằng mọi cách”, Malik cho biết thêm.

Nhân viên y tế Indonesia đang đối mặt với tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ trầm trọng, một số bác sĩ phải mặc áo mưa và tự trang bị khẩu trang để bảo vệ bản thân. Đồng thời, số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh khiến các bệnh viện có nguy cơ quá tải.

Cơ quan tình báo của Indonesia vào tuần trước tiết lộ rằng họ dự kiến các trường hợp nhiễm coronavirus sẽ đạt đỉnh trong ba tháng tới, vượt qua mốc 100.000 trường hợp vào tháng Bảy.

Cập nhật lúc: 13:00 – Giờ Việt Nam

Bất chấp hồ sơ nhân quyền tồi tệ, Trung Quốc gia nhập Ủy ban Tư vấn của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc

Jiang Duan, trưởng Phái bộ Trung Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ được bổ nhiệm vào Nhóm tư vấn của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Ảnh: UN Watch. 

Trung Quốc đã được chỉ định vào một ủy ban trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, bất chấp hàng thập kỷ vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống và gần đây là những chỉ trích từ phía Hoa Kỳ rằng Trung Quốc đã che giấu dịch bệnh, gây ra đại dịch COVID-19. Fox News cho biết.

Ngày 2/4, ông Jiang Duan, trưởng Phái bộ Trung Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ đã được bổ nhiệm vào Nhóm tư vấn của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc với vai trò đại diện của các quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ông Jiang là một trong số năm đại diện của các khối trên thế giới tham gia vào nhóm tư vấn này.

Ngay lập tức, U.N. Watch, một cơ quan giám sát nhân quyền cũng có trụ sở tại Geneva, đã lên tiếng phản đối động thái này, nói rằng thật vô lý và vô đạo đức khi Liên Hợp Quốc cho phép chính quyền Trung Quốc đóng vai trò quan trọng như vậy trong việc lựa chọn các quan chức nhân quyền.

“Cho phép Trung Quốc, một chế độ áp bức và vô nhân đạo, được chọn lựa các nhà điều tra trên thế giới về quyền tự do ngôn luận, giam giữ tùy tiện và mất tích… giống như đưa một người mắc chứng cuồng phóng hỏa vào làm chỉ huy chữa cháy vậy,” ông Hillel Neuer, Giám đốc điều hành của U.N. Watch nói trước Liên Hợp Quốc.

Hiện nay, nhiều nhóm và tổ chức nhân quyền vẫn lên tiếng cáo buộc Trung Quốc giam giữ, tra tấn và tẩy não người Duy Ngô Nhĩ ở các trại cải tạo ở Tân Cương, mổ lấy nội tạng bất hợp pháp các tù nhân lương tâm – trong đó nổi bật là nhóm các học viên Pháp Luân Công, thảm sát Thiên An Môn hay đàn áp người Tây Tạng.

Trong đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã bị Mỹ và nhiều nước khác cáo buộc che giấu thông tin, trừng phạt những người lên tiếng, hạ thấp mức độ nghiêm trọng của virus, khiến thế giới gánh chịu tổn thất nặng nề.

Cập nhật lúc: 13:00 – Giờ Việt Nam

The National Interest: “Trung Quốc phải bồi thường cho thế giới vì đã nói dối về virus corona”

Nhà báo Gordon G. Chang, tác giả cuốn “Cuộc đấu tranh hạt nhân: Triều Tiên thách thức thế giới”, mới đây đã có bài bình luận trên tạp chí The National Interest, trong đó ông nói Trung Quốc phải bồi thường cho thế giới vì đại dịch COVID-19.

Ông cho rằng Trung Quốc đã che giấu dịch bệnh, nói dối Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng virus corona chủng mới không lây nhiễm từ người sang người, khiến các quốc gia khác trên thế giới không kịp phản ứng, dẫn đến bùng phát đại dịch COVID-19 hiện đang hoành hành trên toàn cầu khiến hơn 70.000 người thiệt mạng.

“Kết quả của những lời nói dối của Trung Quốc là hàng chục ngàn người chết, và nền kinh tế thế giới sụp đổ. Bắc Kinh phải trả giá cho những thiệt hại đã gây ra cho thế giới”, tác giả Gordon G. Chang viết.

Cập nhật lúc: 13:00 – Giờ Việt Nam

Thống đốc Ontario: Mỹ chặn xuất khẩu 3 triệu khẩu trang Canada đã đặt mua

Thống đốc Ontario, tỉnh lớn nhất của Canada, hôm thứ Hai cho biết Hoa Kỳ đã chặn việc xuất khẩu ba triệu khẩu trang mà nước này đã mua để đối phó với sự bùng phát của đại dịch coronavirus. Chính quyền Canada cho biết họ đang gây áp lực buộc Washington phải giải phóng lô hàng này, theo Reuters.

Tỉnh Ontario có đơn hàng gần bốn triệu khẩu trang y tế với tập đoàn 3M của Mỹ và một lô gần ba triệu khẩu trang đã bị đình lại, Thống đốc Ontario Doug Ford nói với các phóng viên.

“Vụ việc này là hoàn toàn không thể chấp nhận được”, ông Doug Ford nói.

Ông cũng cho biết thêm rằng sau khi chính quyền thành phố Ontario và chính phủ Canada khiếu nại, tỉnh của ông đã được phía Mỹ đảm bảo rằng 500.000 khẩu trang sẽ sớm được chuyển đến Canada.

Vào ngày 27 tháng Ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA) có từ thời chiến tranh Triều Tiên để cấm các công ty Mỹ xuất khẩu các thiết bị y tế ra nước ngoài, tăng cường sản xuất máy thở và khẩu trang phục vụ nước Mỹ trong bối cảnh số người mắc COVID-19 tăng kỷ lục và kho dự trữ vật tư y tế cạn kiệt. 

Thống đốc Ontario nói rằng việc miễn trừ cho Canada là điều “tối cần thiết” trong bối cảnh này và cho biết thêm là ông sẽ gọi điện cho Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer để yêu cầu Mỹ thực thi việc chuyển đơn hàng ba triệu khẩu trang đến Canada.

Cập nhật lúc: 8:00 – Giờ Việt Nam

Úc: Tòa trả tự do cho cựu hồng y từng bị kết án xâm hại tình dục trẻ em

Sáng nay (giờ Úc), Tòa thượng thẩm Australia đã lật ngược bản án kết tội cựu Hồng y George Pell của Tòa thánh Vatican về hành vi xâm hại tình dục trẻ em vào những năm 1990, theo Reuters.

Ông George , 78 tuổi, thụ án sáu năm tù từ năm 2018. Tòa tuyên ông được trả tự do ngay lập tức sau hơn 400 ngày bị giam giữ.

Ông từng là Bộ trưởng Ngân khố của Tòa thánh Vatican.

Cập nhật lúc: 8:00 – Giờ Việt Nam

Bệnh tình của Thủ tướng Anh Boris Johnson trở nặng

Theo AP, vào tối thứ Hai (giờ Anh), Thủ tướng Boris Johnson đã được đưa sang khu điều trị tích cực vì tình trạng bệnh COVID-19 của ông đã chuyển biến xấu hơn. Văn phòng Thủ tướng cho biết ông vẫn tỉnh táo và hiện không cần máy thở, nhưng ông đã được đưa đến khu điều trị tích cực.

Vì Anh quốc không có vị trí phó thủ tướng nên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Dominic Raab đã được chỉ định là người thay thế trong trường hợp Thủ tướng Johnson bị mất khả năng làm việc.

Bộ trưởng Raab cho biết “chính phủ vẫn vận hành bình thường” và Thủ tướng Johnson đã ủy quyền cho ông thực hiện những công việc cần thiết để chống dịch COVID-19.

Cập nhật lúc: 8:00 – Giờ Việt Nam

Mỹ: Bất chấp dịch bệnh, tòa án phán quyết bầu cử sơ bộ tại bang  Wisconsin sẽ vẫn tiếp tục vào ngày thứ Ba

Thống đốc bang Wisconsin Tony Evers đã ban hành một lệnh hoãn cuộc bầu cử sơ bộ của tiểu  bang này hai tháng vì lý do bệnh dịch Corona nhưng tòa án tiểu bang đã phủ quyết lệnh này. 

Ngày 7/4 (giờ Mỹ), cuộc bầu cử sơ bộ sẽ diễn ra tại Wisconsin trong khi tình hình bệnh Corona vẫn đang tăng tại Mỹ. Cử tri tại Wisconsin sẽ phải chọn lựa nên ở nhà phòng bệnh hay ra đường đi bầu. 

Lần bầu cử sơ bộ này có thể là cuộc sát hạch cho những cuộc bầu cử sơ bộ sắp xảy ra, và cả bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay khi dịch bệnh Corona đang hoành hành tại Mỹ. Đã có nhiều bang dời các cuộc bầu cử sơ bộ vốn được tổ chức vào tháng Ba và tháng Tư sang vài tháng sắp tới. Đại hội Đảng Dân chủ cũng được dời từ tháng Bảy sang tháng Tám.

Cập nhật lúc: 8:00 – Giờ Việt Nam

Mỹ: Tổng thống Trump và ứng cử viên Biden nói chuyện điện thoại về COVID-19

Trong buổi họp báo ngày 6/4/2020 tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết ông và ứng cử viên đảng Dân chủ, Joe Biden, đã có một cuộc điện thoại “rất thân thiện” để bàn về bệnh dịch coronavirus tại Mỹ, theo AP.

Mặc dù nội dung chi tiết của cuộc điện thoại không được công bố, nhưng ông Trump đã xác nhận thông tin được đưa ra từ Ban vận động tranh cử của Biden là đảng Dân chủ đề xuất một số giải pháp để chống dịch COVID-19. Ông Joe Biden cũng chia sẻ với Trump về những kinh nghiệm khi ông còn là phó tổng thống và cũng từng đối phó với các dịch bệnh khác. Tuy nhiên, TT Trump cũng nói thêm rằng “điều này cũng không có nghĩa là tôi đồng ý với các đề xuất (của đảng Dân chủ).” 

Tuần trước, ông Joe Biden từng nói mình rất mong muốn nói chuyện với TT Trump vì khi ông làm việc dưới thời Obama, ông cũng từng phải đối phó với dịch bệnh. “Chúng tôi cũng đã từng trải qua việc này mặc dù có thể khác trong quá khứ. Tôi hy vọng họ có thể học được những điều chúng tôi đã làm đúng, và có thể là học từ cả những cái chúng tôi đã làm sai.”

Cập nhật lúc: 8:00 – Giờ Việt Nam

Quyền Tư lệnh Hải quân Mỹ: Hạm trưởng Crozier “quá ngây thơ hoặc quá ngu dốt”

Quyền Tư lệnh Hải quân Mỹ, ông Thomas B. Modly mới có chuyến thăm tới hàng không mẫu hạm USS. Theodore Roosevelt vào thứ Hai (6/4) và phát biểu qua loa phóng thanh với thủy thủ trên tàu. The New York Times thu thập được một bản ghi âm bài phát biểu này, cho thấy ông Modly tỏ ra tức giận và lên án cựu hạm trưởng Brett E. Crozier một cách khá nặng nề.

Ông Modly là người đã tước quyền chỉ huy hàng không mẫu hạm của ông Crozier hồi cuối tuần trước sau khi ông Crozier gửi thư cho cấp trên đề nghị sơ tán và cách ly thủy thủ trên tàu do phát hiện nhiều thủy thủ dương tính với coronavirus. Bức thư này sau đó đã bị rò rỉ ra giới truyền thông.

Ông Modly nói ông Croizer “quá ngây thơ hoặc quá ngu dốt để làm chỉ huy” nếu ông ấy nghĩ rằng bức thư nói trên sẽ không bị rò rỉ ra ngoài. “Hoặc là ông ấy làm như vậy một cách có chủ đích”, ông nói thêm.

Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt đã ghé thăm Việt Nam từ ngày 5 – 9/3 vừa qua.

Bạn có biết...

... Luật Khoa là một tạp chí độc lập và phi lợi nhuận. Với mong muốn mang lại trải nghiệm đọc báo tốt nhất cho bạn đọc, chúng tôi không đặt quảng cáo và do đó không có doanh thu. Luật Khoa chi trả mọi chi phí bằng các khoản đóng góp của bạn đọc.

Mỗi ngày, các phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên của Luật Khoa đều tận tâm với từng con chữ và từng mối quan tâm của bạn đọc, nhằm mang lại cho bạn đọc cái nhìn mới mẻ và đa chiều về những vấn đề pháp luật, chính trị.

Nếu tất cả bạn đọc đều đóng góp cho Luật Khoa, dù là 20 nghìn đồng, tờ báo độc lập và khai phóng này của chúng ta sẽ hoạt động hiệu quả và bền vững hơn rất nhiều. Mỗi đồng bạn đóng góp đều giúp cho Việt Nam của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn, và bạn chỉ mất một phút để trở thành nhà tài trợ của Luật Khoa. Xin cảm ơn.





HÔM NAY CÓ GÌ