Connect with us

ĐANG CẬP NHẬT

Điểm tin: Đài Loan yêu cầu Tổng giám đốc WHO xin lỗi vì cáo buộc Đài Bắc phân biệt chủng tộc

  • Các phiên cập nhật: 8:00 – 13:00 – 18:00 (giờ Việt Nam)
Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ảnh: France24.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ảnh: France24.

Bạn đang đọc bài điểm tin hàng ngày của Luật Khoa. Bản tin này được cập nhật ba lần mỗi ngày, vào lúc 8:00, 13:00 và 18:00. Mọi ý tưởng, phản hồi xin gửi vào địa chỉ email bbt@luatkhoa.org.

Đài Loan yêu cầu Tổng giám đốc WHO xin lỗi vì vu khống Đài Bắc phân biệt chủng tộc

Bộ Ngoại giao Đài Loan hôm thứ Năm, 9/4 đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ các cáo buộc từ người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới rằng chính phủ nước này tham gia vào một chiến dịch có tổ chức nhằm công kích cá nhân và phân biệt chủng tộc đối với ông, The Washington Post đưa tin.

Trong thông cáo của mình, Bộ Ngoại giao Đài Loan bày tỏ “sự bất bình” với bài phát biểu của Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư. 

Cụ thể, ông Ghebreyesus nói: “Tôi có thể nói với các bạn rằng những đợt tấn công đã diễn ra hơn hai, ba tháng nay rồi. Những lời lẽ lăng mạ, hay phân biệt chủng tộc, gọi tôi là da đen hay mọi (Negro)”, ông nói.

“Ba tháng trước, cuộc tấn công này đến từ Đài Loan. Chúng tôi phải nói thật như thế. Hôm nay tôi sẽ nói thẳng. Từ Đài Loan.”

“Và Đài Loan, kể cả Bộ Ngoại giao nước này, họ biết chiến dịch [tấn công] này. Họ không tự tách ra khỏi [chiến dịch này]. Họ thậm chí bắt đầu chỉ trích tôi khi tôi đang hứng chịu những sự xúc phạm và gièm pha này. Nhưng tôi không quan tâm”, Tổng giám đốc WHO cho biết.

Bộ Ngoại Giao Đài Loan yêu cầu ông Tedros Adhanom Ghebreyesus ngay lập tức đính chính những cáo buộc vô căn cứ của mình, ngay lập tức làm rõ và xin lỗi đất nước 23 triệu dân này.

“Đài Loan chưa bao giờ khuyến khích công chúng công kích cá nhân nhằm vào Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hoặc đưa ra bất kỳ bình luận phân biệt chủng tộc nào”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan Joanne Ou nói với các phóng viên tại Đài Bắc hôm nay 9/4. “Chính quyền chúng tôi yêu cầu ông Tedros lập tức làm rõ và xin lỗi về hành vi vu khống vô trách nhiệm như vậy”.

Đài Loan từng giữ vai trò quan sát viên tại các hội nghị thường niên của WHO, tuy nhiên áp lực ngoại giao từ Bắc Kinh trong những năm gần đây đã đẩy Đài Loan khỏi những cơ quan quốc tế lớn, bao gồm WHO và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), hai tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc.

Quan hệ giữa WHO và Đài Loan xấu đi đáng kể từ khi đại dịch bùng phát, ngay cả khi các chuyên gia y tế quốc tế ca ngợi Đài Loan về cách phản ứng với dịch bệnh. Hòn đảo tự trị này đến nay chỉ ghi nhận 379 ca nhiễm, trong đó có năm trường hợp tử vong, dù có vị trí địa lý và quan hệ thương mại của họ rất gần gũi với Trung Quốc đại lục, nơi dịch bệnh khởi phát.

Trong khi đó, nhiều người, bao gồm cả quan chức cấp cao Mỹ, chỉ trích Tedros, cho rằng dưới sự lãnh đạo của ông, WHO quá thân thiết với Trung Quốc cũng như ca ngợi nỗ lực chống COVID-19 của Bắc Kinh.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng chỉ trích WHO, dọa sẽ cắt tiền tài trợ vì tổ chức này “nghiêng về phía Trung Quốc, cung cấp thông tin sai lệch về dịch COVID-19”.

Ông Tedros phủ nhận cáo buộc này, kêu gọi thế giới đoàn kết chống đại dịch và không chính trị hóa các vấn đề y tế toàn cầu. 

Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực. Sau khi lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn lên nắm quyền, Trung Quốc càng tăng cường nỗ lực cô lập hòn đảo do bà Thái không công nhận chính sách “Một Trung Quốc”.

Oxfam: Nửa tỷ người có thể bị coronavirus đẩy vào cảnh nghèo đói

Mọi người đang chờ đợi để xét nghiệm virus corona tại một khu ổ chuột ở Ấn Độ. Ngân hàng Thế giới dự báo ít nhất 24 triệu người ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương sẽ rơi vào cảnh nghèo đói do coronavirus. Ảnh: AP/Rajanish Kakade.
Người dân đang chờ đợi để xét nghiệm virus corona tại một khu ổ chuột ở Ấn Độ. Ngân hàng Thế giới dự báo ít nhất 24 triệu người ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương sẽ rơi vào cảnh nghèo đói do coronavirus. Ảnh: AP/Rajanish Kakade. 

Hơn nửa tỷ người có thể bị đẩy vào cảnh nghèo đói trong cơn bùng phát của virus corona, trừ khi thế giới có những biện pháp khẩn cấp cứu trợ các quốc gia đang bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế nghiêm trọng, tổ chức Quốc tế Oxfam cảnh báo hôm thứ Năm, 8/4, The Guardian đưa tin.

Oxfam cho biết việc đóng cửa các nền kinh tế để ngăn chặn sự lây lan của virus corona có thể dẫn đến nguy cơ tái diễn cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu trong một thập kỷ, thậm chí là 30 năm tới tại một số quốc gia ở vùng hạ Sahara – Châu Phi, Bắc Phi và Trung Đông.

Tổ chức nhân đạo này kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới nhất trí với “Gói Giải cứu Kinh tế cho Tất cả Mọi người” (“Economic Rescue Package for All“) để giúp các nước nghèo tiếp tục hoạt động và hỗ trợ công dân thông qua các khoản trợ cấp tiền mặt.

Oxfam là liên minh quốc tế của 17 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia trên toàn thế giới để tìm giải pháp lâu dài chống nghèo đói và bất công. Oxfam làm việc trực tiếp với các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và các liên minh lẫn cộng đồng để tìm cách gây ảnh hưởng đến các cường quốc nhằm đảm bảo rằng người nghèo có thể cải thiện cuộc sống và sinh kế của họ, cũng như có tiếng nói trong các quyết định có ảnh hưởng đến mình.

New York chính thức vượt qua Tây Ban Nha về số ca nhiễm

Reuters cho biết tính đến thứ Tư (8/4), bang New York đã chính thức vượt qua Tây Ban Nha về số ca nhiễm COVID-19, với 149.316 ca, so với con số 146.690 ca của Tây Ban Nha. 

Mỹ đang dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm chính thức, theo sau là Tây Ban Nha.

Số người nhiễm coronavirus tại Nga chính thức vượt quá 10.000 ca

Quảng trường Đỏ tại thủ đô Moscow, Nga. Ảnh: Alexander Shcherbak/TASS.
Quảng trường Đỏ tại thủ đô Moscow, Nga. Ảnh: Alexander Shcherbak/TASS. 

Chính phủ Nga đã xác nhận 1.459 ca mới nhiễm COVID-19 vào hôm thứ Năm, 9/4, đánh dấu mức tăng kỷ lục về số ca nhiễm trong một ngày, cũng như đưa số lượng người nhiễm chính thức lên tới 10.131 ca, The Moscow Times đưa tin.

Tính đến thời điểm hiện tại, Nga đã có 76 người tử vong vì virus corona, trong đó 13 người đã chết trong 24 giờ qua.

Số liệu về các ca nhiễm COVID-19 tại Nga thấp hơn nhiều so với các nước châu Âu làm dấy lên sự nghi ngờ trong cộng đồng tình báo. Các nguồn tin từ các quốc gia khác cho thấy số lượng người nhiễm virus corona thực tế ở Nga có khả năng cao hơn rất nhiều.

Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh là ở Moscow. Kể từ ngày 30 tháng Ba, tất cả 12 triệu cư dân của thủ đô nước Nga đã được lệnh ở cách ly tại nhà, trừ một số trường hợp ngoại lệ hiếm hoi.

Số ca nhiễm virus corona tại Đức tiếp tục tăng, thêm 246 người tử vong trong ngày hôm nay 

Hoa anh đào nở rộ ở thành phố Bonn, nước Đức, ngày 8 tháng 4, 2020 giữa đại dịch virus corona. Ảnh: Reuters/Thilo Schmuelgen.
Hoa anh đào nở rộ ở thành phố Bonn, nước Đức, ngày 8 tháng 4, 2020 giữa đại dịch virus corona. Ảnh: Reuters/Thilo Schmuelgen.

Viện Robert Koch (RKI), cơ quan phụ trách kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Đức, hôm nay ghi nhận thêm 4.974 ca nhiễm virus corona trong 24 giờ qua và đã có thêm 246 người chết, nâng số ca tử vong tại nước này lên đến 2.107 trong hơn 108.000 ca nhiễm, Reuters đưa tin. 

Đức đã vượt qua Pháp và trở thành vùng dịch lớn thứ tư thế giới, lần lượt sau Mỹ, Tây Ban Nha và Italy.

Số người nhiễm virus corona mới tại Đức đã tăng trở lại trong ba ngày liên tiếp. Trước đó, số ca nhiễm mới giảm bốn ngày liên tục khiến giới chức Đức lạc quan về tình hình dịch bệnh, song Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo còn quá sớm để nới lỏng các biện pháp ứng phó.

Lệnh đóng cửa trường học và các cơ sở kinh doanh không thiết yếu, gồm nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim và các hoạt động giải trí tại Đức được kéo dài ít nhất đến ngày 20/4. Người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài nếu có lý do đặc biệt, bị cấm tập trung quá hai người và phải luôn giữ khoảng cách 1,5m với người khác. Những người vi phạm sẽ bị phạt tiền.

Số ca nhiễm virus corona tại Nhật tăng mạnh chỉ một ngày sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp

Người Nhật đi làm bằng tàu điện ngày 7 tháng 4 năm 2020, tại Tokyo. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho Tokyo và sáu quận khác vào đầu ngày Thứ Ba nhằm tăng cường các biện pháp chống lại đại dịch coronavirus. Ảnh AP/Jae C. Hong.
Người Nhật đi làm bằng tàu điện ngày 7 tháng 4 năm 2020, tại Tokyo. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho Tokyo và sáu quận khác vào đầu ngày Thứ Ba nhằm tăng cường các biện pháp chống lại đại dịch coronavirus. Ảnh AP/Jae C. Hong.

Đài truyền hình NHK của Nhật Bản hôm nay (9/4) đưa tin nước này đã có thêm 455 người nhiễm COVID-19, mức tăng cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này, và chỉ một ngày sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp, nâng tổng số ca nhiễm lên gần 4.900, theo The Japan Times.

Bộ Y tế Nhật Bản hôm qua (8/4) cho biết ít nhất 102 người đã tử vong vì virus corona.

Thủ đô Tokyo, nơi ghi nhận số ca nhiễm cao nhất nước Nhật đã xác nhận thêm 144 ca nhiễm, cao hơn kỷ lục ca nhiễm mới 143 hôm 5/4. Chính quyền Tokyo cho biết 95 trường hợp chưa thể xác định đường lây nhiễm. Tokyo hiện ghi nhận 1.338 ca nhiễm, trong đó 1.112 người phải nhập viện và 31 trường hợp đã tử vong.

Số liệu đáng lo ngại được công bố chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo, Osaka và năm tỉnh khác để ngăn COVID-19 lan rộng. Ông Abe kêu gọi giảm tiếp xúc giữa người với người 70-80% trong một tháng để hạn chế lây nhiễm.  

Tuy nhiên, chỉ một ngày sau khi tình trạng khẩn cấp được tuyên bố, người đi làm vẫn chật cứng trong các chuyến tàu ở Tokyo. Cảnh tượng nhộn nhịp ở Tokyo hoàn toàn tương phản với châu Âu, nơi cảnh sát tuần tra đường phố và sử dụng máy bay không người lái để giám sát việc thực thi các biện pháp phong tỏa. Tại Pháp, người dân thậm chí phải được cấp phép để ra ngoài và có thể bị phạt nặng nếu vi phạm quy tắc.

Kinh tế thế giới có thể mất hơn 5 nghìn tỷ USD và nhiều năm để hồi phục sau COVID-19

Tờ Bloomberg, dẫn nguồn tin từ các ngân hàng phố Wall, cho biết đại dịch COVID-19 có thể thổi bay hơn 5 nghìn tỷ USD trong hai năm tới, tức là lớn hơn cả GDP hàng năm của Nhật, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Kinh tế gia trưởng của CitiGroup dự báo mức 5 nghìn tỷ USD, còn JPMorgan Chase dự báo mức 5,5 nghìn tỷ USD.

Mặc dù suy thoái được dự báo là ngắn hạn, nhưng sẽ mất nhiều thời gian để các nền kinh tế khôi phục lại đà tăng trưởng. Kể cả các gói kích thích kinh tế lớn chưa từng có được tung ra, GDP của các nước sẽ khó mà trở lại mức trước đại dịch cho đến ít nhất là năm 2022.

Trong khi đó, Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) nói rằng một tỷ lao động trên thế giới đang gặp rủi ro cao là sẽ bị giảm lương hoặc mất việc làm.

Ngân hàng BIS cho rằng các chính phủ phải phối hợp với nhau, nếu không, làn sóng bùng phát dịch bệnh thứ hai sẽ diễn ra và GDP của Mỹ sẽ giảm 12% vào cuối năm nay. 

“Hậu quả sẽ kéo dài 5 năm, 10 năm nếu thế giới không cùng nhau giải quyết vấn đề này”, nghiên cứu viên trưởng về chính sách vĩ mô toàn cầu của State Street Global Advisors cho biết.

Virus corona: Singapore báo cáo mức tăng kỷ lục số người nhiễm trong một ngày

Sân bay Changi ở Singapore, ngày 27/2/2020. Ảnh: AFP/Getty Images.
Sân bay Changi ở Singapore, ngày 27/2/2020. Ảnh: AFP/Getty Images.

Hôm thứ Tư, 8/4, số người nhiễm virus corona tại Singapore đã đạt ngưỡng lớn nhất kể từ khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu với 142 ca nhiễm mới trong một ngày, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 tại đảo quốc sư tử lên tới 1.623, theo Bloomberg

Có thông tin rằng một công dân Ấn Độ tại Singapore đã tử vong trong khi chờ kết quả xét nghiệm. Các cuộc điều tra đang diễn ra để tìm nguyên nhân cái chết. Nếu được xác nhận, đây sẽ là trường hợp tử vong thứ bảy liên quan đến căn bệnh này.

Bộ Y tế Singapore cho biết khoảng một nửa trong số những ca nhiễm mới là ngoại nhập, trong khi số trường hợp còn lại diễn ra trong cộng đồng.

Singapore đã có những thành công bước đầu trong công tác kiểm soát sự bùng phát của virus corona. Tuy nhiên, từ khoảng giữa tháng Ba, đất nước đã chứng kiến sự gia tăng đột biến số ca nhiễm, trong bối cảnh nhiều người mang virus trở về từ nước ngoài.

Singapore trong tuần này đã cấm các buổi tụ họp công cộng và lẫn riêng tư ở bất kỳ quy mô nào. Chính phủ sẽ phạt tiền hoặc bỏ tù những người liên quan đến các cuộc gặp gỡ giữa bạn bè hoặc thành viên gia đình không sống cùng nhau. Đảo quốc cũng đã đóng cửa các công sở, ngoại trừ các dịch vụ thiết yếu và các ngành kinh tế quan trọng. Các trường học cũng đã chuyển sang giảng dạy online hoàn toàn tại nhà. 

Lệnh phong tỏa của Singapore sẽ kéo dài đến ngày 4/5. 

The Diplomat Magazine: Việt Nam hỗ trợ khẩu trang cho EU là điểm sáng trong quan hệ hai bên giữa đại dịch coronavirus 

Hôm 8/4, Prashanth Parameswaran, chuyên gia phân tích đồng thời là biên tập viên cao cấp tại tạp chí The Diplomat đã đăng một bài viết với tiêu đề “Việt Nam hỗ trợ khẩu trang cho EU là điểm sáng trong quan hệ hai bên giữa đại dịch coronavirus” (New Coronavirus Assistance Highlights Vietnam-EU Relations Amid COVID-19).

Trong bài viết, ông bình luận rằng việc Việt Nam trao tặng 550.000 khẩu trang vải kháng khuẩn chống giọt bắn tới các nước Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh để phòng chống dịch COVID-19 là một điểm sáng cho thấy Việt Nam coi trọng quan hệ với Liên minh Châu Âu (EU), thể hiện nước này luôn sẵn sàng phối hợp chặt chẽ, trao đổi kinh nghiệm đẩy lùi và khống chế đại dịch.

Theo chuyên gia Prashanth Parameswaran, những động thái này cho thấy Việt Nam đang sẵn sàng cho một chính sách đối ngoại rộng lớn hơn kể từ đại dịch COVID-19.

Ông cũng viết rằng mặc dù Việt Nam từ lâu đã có quan hệ với các quốc gia châu Âu, nhưng các mối quan hệ này thực sự được nâng tầm hơn chỉ trong vài năm qua, với Hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác Toàn diện Thỏa thuận được ký kết với Liên minh châu Âu năm 2012 và gần đây là Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU.

Prashanth Parameswaran nhận định quan hệ Việt Nam với các nước châu Âu rất may đã không bị COVID-19 ảnh hưởng, trong bối cảnh nhiều mối quan hệ quốc tế giữa các quốc gia đã bị ảnh hưởng tiêu cực, với các hạn chế về xuất khẩu và đi lại.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: Không muốn WHO mắc kẹt trong cuộc đối đầu Mỹ – Trung

Hãng thông tấn Reuters đưa tin Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Tư, 8/4, nói ông ủng hộ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong cuộc điện đàm với Tổng giám đốc tổ chức này. Động thái này diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chỉ trích WHO, dọa sẽ cắt tiền tài trợ vì tổ chức này “nghiêng về phía Trung Quốc, cung cấp thông tin sai lệch về dịch COVID-19”.

“Tổng thống Pháp đã tái khẳng định sự tin tưởng và ủng hộ của mình đối với WHO và không muốn tổ chức quốc tế này bị mắc kẹt trong cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ”, một quan chức Phủ Tổng thống Pháp nói với hãng tin Reuters.

Ông Macron, một người bảo vệ mô hình các tổ chức đa phương, đã kịch liệt phản đối những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng các tổ chức quốc tế là vật cản, lãng phí và không cần thiết. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump cảm ơn Việt Nam đã giúp vận chuyển quần áo bảo hộ chống coronavirus

Hôm thứ Tư, 8/4 (giờ Mỹ), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thông báo trên Twitter rằng 450.000 bộ quần áo bảo hộ đã được chuyển đến bang Texas, gửi lời cảm ơn Việt Nam và các công ty tham gia vận chuyển.

“450.000 bộ quần áo bảo hộ đã tới thành phố Dallas, bang Texas sáng nay. Điều này trở thành hiện thực nhờ sự phối hợp của hai công ty Mỹ là DuPont và FedEx, cùng những người bạn của chúng ta ở Việt Nam. Xin cảm ơn”, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter hôm 8/4.

Đây là chuyến hàng thứ nhất trong số hai lô thiết bị bảo hộ, vật tư y tế được Việt Nam chuyển giao cho Mỹ. Bộ Y tế và Dịch vụ Dân sinh Mỹ trước đó ký hợp đồng với hãng chuyển phát nhanh FedEx để đẩy nhanh tốc độ chuyển hàng cho Kho Dự trữ Chiến lược Quốc gia Mỹ, nhằm giải quyết nhu cầu khẩn cấp của nhân viên y tế nước này, theo thông cáo hôm qua của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam.

“Chuyến hàng này sẽ giúp bảo vệ các nhân viên y tế làm việc trên tuyến đầu chống COVID-19 tại Mỹ và chứng minh cho sức mạnh của quan hệ đối tác Việt – Mỹ”, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nói.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders dừng tranh cử tổng thống

Sáng ngày thứ Tư 8/4/2020 (giờ Mỹ), Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đã tuyên bố dừng chiến dịch tranh cử tổng thống của mình. Ông là một trong hai ứng cử viên dẫn đầu cuộc đua giành tấm vé của Đảng Dân chủ.

Sau khi ông Sanders rút lui, cựu Phó Tổng thống Joseph R. Biden gần như chắc chắn sẽ là ứng cử viên của Đảng Dân chủ trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11/2020 để đối đầu với Tổng thống Donald Trump (mặc dù ông Trump cũng chưa chính thức được Đảng Cộng hòa đề cử).

Trong buổi livestream được phát ra, ông Sanders cho biết bản thân rút lui bởi vì ông “không thể đành lòng tiếp tục một cuộc tranh cử không những không thể thắng mà lại còn có thể ảnh hưởng đến một công cuộc quan trọng mà mọi người cần phải làm trong giờ khắc khó khăn lúc này.”

Mặc dù ông Sanders đã tuyên bố sẽ ủng hộ Biden cho chức vụ tổng thống, ông vẫn giữ nguyên tên mình trong những lá phiếu của cuộc bầu cử sơ bộ tại các tiểu bang sắp xảy ra. Lý do là vì ông muốn dùng những lá phiếu này để tiếp tục đấu tranh cho những chính sách ông ủng hộ.

Nhân chứng quan trọng trong vụ án luận tội Bill Clinton, Linda Tripp, qua đời ở tuổi 70

Bà Linda Tripp, người đã bí mật thâu âm lại những cuộc nói chuyện giữa mình và Monica Lewinsky về mối quan hệ giữa Lewinsky và Bill Clinton tại Nhà Trắng, vừa qua đời tại Mỹ,  CNN

Tất cả 20 tiếng đồng hồ của những cuộc nói chuyện của bà với Monica Lewinsky được ghi âm vào cuối năm 1997 đã được nộp cho công tố viên đặc biệt Kenneth Starr, và được dùng làm bằng chứng cho việc luận tội Tổng thống Bill Clinton. Vào năm 2003 khi được hỏi có ân hận về quyết định hợp tác với công tố viên đặc biệt để góp phần vào việc luận tội Clinton hay không, Linda Tripp khẳng định là không và sẽ hành động tương tự nếu bị đặt vào tình huống đó một lần nữa.

Liên Hiệp Quốc dự đoán COVID-19 sẽ khiến 195 triệu người thất nghiệp 

Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), một cơ quan của Liên Hiệp Quốc, đã dự đoán sẽ có 195 triệu người làm việc toàn thời gian – khoảng 48 tiếng trong một tuần – sẽ mất việc làm vì dịch bệnh COVID-19. 

Vào tháng 3/2020, cơ quan này chỉ dự đoán sẽ có 25 triệu người mất việc làm vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc cho rằng con số người bị mất việc làm sẽ tăng lên rất nhiều vì tình hình dịch bệnh lây nhiễm nhiều và nặng hơn so với lúc ILO đưa ra công bố vào tháng trước. Từ khi ILO công bố dự đoán vào tháng trước, số người bị nhiễm bệnh COVID-19 đã tăng gấp sáu lần. 

Trung Quốc dỡ lệnh phong thành Vũ Hán, nhưng một thành phố khác đã bị phong tỏa vì COVID-19

Thị trấn Tuy Phần Hà thuộc tỉnh Hắc Long Giang và cũng là cửa khẩu với Nga đã có lệnh phong thành, yêu cầu người dân ở nhà và chỉ đi ra ngoài ba ngày một lần khi cần thiết, Reuters dẫn lời báo chí Trung Quốc cho biết. Lệnh cấm này rất có thể để phòng chống người nhập cảnh từ Nga vì con số người nhiễm bệnh COVID-19 tại Nga hiện đang gia tăng. 

Lệnh cấm này đã được ban hành sau khi có 25 người nhiễm bệnh trong ngày thứ Ba được cho là trở về từ Nga.

Mỹ: Tổng thống Trump mong muốn kinh tế sẽ “bùng nổ” sau khi vượt qua COVID-19

Trong buổi họp báo của Nhà Trắng ngày thứ Tư, 8/4/2020, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ mở cửa lại nền kinh tế Mỹ với một “cú nổ lớn”. Tuy nhiên, con số người bị bệnh và tử vong vì COVID-19 tại Mỹ phải giảm xuống trước khi cú nổ đó xảy ra. 

Bob Redfield, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết họ sẽ đưa ra một bản hướng dẫn mới để đảm bảo người lao động trong các lĩnh vực hạ tầng thiết yếu có thể trở lại làm việc sau khi tiếp xúc với virus.

Trump cũng không cho biết lúc nào kinh tế Mỹ có thể mở cửa trở lại, nhưng trưởng ban cố vấn kinh tế của ông, Larry Kudlow, đã cho biết vào thứ Ba tuần này là điều đó có thể xảy ra trong vòng từ bốn đến tám tuần tới. 

Cuộc tổng tuyển cử cho chức vụ tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 3/11/2020 và một nền kinh tế vững mạnh sẽ là một điều kiện rất tốt cho tổng thống đương nhiệm.

Bạn có biết...

... Luật Khoa là một tạp chí độc lập và phi lợi nhuận. Với mong muốn mang lại trải nghiệm đọc báo tốt nhất cho bạn đọc, chúng tôi không đặt quảng cáo và do đó không có doanh thu. Luật Khoa chi trả mọi chi phí bằng các khoản đóng góp của bạn đọc.

Mỗi ngày, các phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên của Luật Khoa đều tận tâm với từng con chữ và từng mối quan tâm của bạn đọc, nhằm mang lại cho bạn đọc cái nhìn mới mẻ và đa chiều về những vấn đề pháp luật, chính trị.

Nếu tất cả bạn đọc đều đóng góp cho Luật Khoa, dù là 20 nghìn đồng, tờ báo độc lập và khai phóng này của chúng ta sẽ hoạt động hiệu quả và bền vững hơn rất nhiều. Mỗi đồng bạn đóng góp đều giúp cho Việt Nam của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn, và bạn chỉ mất một phút để trở thành nhà tài trợ của Luật Khoa. Xin cảm ơn.