Connect with us

ĐANG CẬP NHẬT

Điểm tin: Quyền Tư lệnh Hải quân Mỹ từ chức vì vụ sa thải hạm trưởng tàu USS Theodore Roosevelt

  • Các phiên cập nhật: 8:00 – 13:00 – 18:00 (giờ Việt Nam)
Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Quyền Tư lệnh Hải quân Mỹ, Thomas Modly. Ảnh: NBC News.
Quyền Tư lệnh Hải quân Mỹ, Thomas Modly. Ảnh: NBC News.

Bạn đang đọc bài điểm tin hàng ngày của Luật Khoa. Bản tin này được cập nhật ba lần mỗi ngày, vào lúc 8:00, 13:00 và 18:00. Mọi ý tưởng, phản hồi xin gửi vào địa chỉ email bbt@luatkhoa.org.

Quyền Tư lệnh Hải quân Mỹ từ chức vì vụ sa thải hạm trưởng tàu USS Theodore Roosevelt 

Quyền Tư lệnh Hải quân Mỹ Thomas Modly đã nộp đơn từ chức vào thứ Ba, 7/4 (giờ Mỹ), sau khi hứng chịu nhiều chỉ trích liên quan đến vụ ông tước quyền chỉ huy và chế giễu Hạm trưởng Brett Crozier của hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt cuối tuần trước, theo Reuters.

Ông sa thải hạm trưởng Crozier vì cho rằng ông này đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm lộ thông tin có dịch COVID-19 bùng phát trên hàng không mẫu hạm 5.000 thủy thủ do ông chỉ huy. Nguyên do là hạm trưởng Crozier gửi thư cho cấp trên, đề nghị sơ tán và cách ly thủy thủ đoàn để đảm bảo sức khỏe cho họ. 

Vụ sa thải trên vốn đã gây tranh cãi và bị thủy thủ đoàn phản đối, nhưng quyền tư lệnh hải quân còn đi xa hơn nữa. Ông trực tiếp đến Guam gặp thủy thủ đoàn, chế giễu cựu hạm trưởng Crozier là “ngu dốt” hoặc “quá ngây thơ” khi để lộ thông tin.

“Không chỉ tên lửa mới hạ gục được ta, ngôn từ cũng có thể làm được điều đó, nếu ta không cẩn thận với việc nói thế nào và nói khi nào”, ông Modly nói trong một thông điệp gửi thủy thủ đoàn sau khi từ chức.

“Lỗi của tôi. Tôi chịu.”

Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt đã ghé thăm Việt Nam từ ngày 5-9/3 vừa qua và đến nay đã có hơn 200 thủy thủ nhiễm COVID-19. Hiện thủy thủ đoàn đang được cách ly tại đảo Guam.

Google đang giúp các chính phủ giám sát người dân giữa đại dịch COVID-19

Tờ The National Interest đưa tin Google đang tạo ra các công cụ giúp các quan chức y tế theo dõi người dân nhằm xác định xem công dân có tuân thủ các nguyên tắc hạn chế tiếp xúc hay không. Website của Google cũng xác nhận thông tin này.

Tập đoàn công nghệ khổng lồ đang lên kế hoạch cập nhật thường xuyên cái gọi là “báo cáo về tình hình di chuyển của công dân”. Các báo cáo cho thấy sự thay đổi về số lượng những người đến thăm các khu vực công cộng như cửa hàng tạp hóa, công viên, nhà ở.

Các công cụ giám sát nói trên của Google dựa trên các tập dữ liệu ẩn danh mà công ty đã thu thập thông qua Google Maps và các ứng dụng khác trong suốt những năm qua.

Quyết định trên của Google được đưa ra sau khi tờ Wall Street Journal đưa tin vào tháng Ba rằng Palantir và Google đang giúp Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh triển khai công nghệ định vị địa lý như một trong những công cụ theo dõi sự bùng phát virus corona.

Palantir và các công ty khác đang cung cấp cho chính phủ dữ liệu định vị công dân thông qua điện thoại của họ, cũng như công nghệ nhận dạng khuôn mặt có thể hỗ trợ tìm kiếm những người tiếp xúc với những người dương tính với coronavirus.

Số lượng người nhiễm COVID-19 tại Nga tăng kỷ lục lên 1.175 ca trong ngày 8/4

Chính phủ Nga đã xác nhận 1.175 ca nhiễm virus corona chủng mới vào hôm thứ Tư, 8/4, đưa số người nhiễm COVID-19 tại nước này chính thức lên tới con số 8.672 ca, đánh dấu mức tăng kỷ lục mới trong một ngày về các ca nhiễm bệnh, The Moscow Times đưa tin.

63 người tại Nga đã tử vong vì virus corona, năm ca trong số đó xảy ra trong 24 giờ qua.

Số liệu về các ca nhiễm COVID-19 tại Nga thấp hơn nhiều so với các nước châu Âu làm dấy lên sự nghi ngờ trong cộng đồng tình báo. Các nguồn tin từ các quốc gia khác cho thấy số lượng người nhiễm virus corona thực tế ở Nga có khả năng cao hơn rất nhiều.

Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh là ở Moscow. Kể từ ngày 30 tháng Ba, tất cả 12 triệu cư dân của thủ đô nước Nga đã được lệnh ở cách ly tại nhà, trừ một số trường hợp ngoại lệ hiếm hoi.

Italy: Tỉnh Bologna ở trung tâm ổ dịch mang đến tia hy vọng hiếm hoi

Tỉnh Lodi, vùng Lombardy, là nơi đầu tiên ở Italy bị phong tỏa và giờ đây số ca nhiễm COVID-19 đang giảm, theo The Guardian.

Lodi trở thành tâm dịch của Ý ngày 21/2 khi ca nhiễm COVID-19 nội địa đầu tiên được phát hiện tại thị trấn Codogno. Codogno cùng 10 thị trấn khác của tỉnh Lodi, nằm ở phía nam thành phố Milan, lập tức bị phong tỏa vào hôm sau. Những cuộc gọi cấp cứu tại Lodi ngày 8/4 đã trở lại tần suất trước thời điểm bùng phát virus corona, mang đến tia hy vọng đại dịch đang qua và kết thúc phong tỏa cho tỉnh này lẫn cả nước Ý.

Với dân số khoảng 230.000 người, Lodi ghi nhận số ca nhiễm mới giảm trong nhiều tuần. Số ca nhiễm tại đây tính tới hôm nay là 2.321, tăng 43 ca so với hôm trước.

“Những ngày đầu tiên rất khủng khiếp với số lượng đáng kể bệnh nhân bị khó thở. Mọi thứ đang dần trở lại bình thường, chúng tôi vẫn phải chăm sóc một số bệnh nhân nhiễm COVID-19 song tình hình đang chuyển từ những mức báo động cao nhất về những mức độ bình thường hơn trong công tác quản lý”, theo Stefano Paglia, trưởng đơn vị cấp cứu phụ trách bệnh viện tại Codogno và Lodi.

“Những tín hiệu tích cực tại Lodi xuất hiện nhờ phong tỏa sớm, đã ngăn chặn, hoặc ít nhất hạn chế tối đa chuỗi lây lan của virus. Giờ chắc chắn áp lực đã vơi đi và nhờ đó các dịch vụ y tế có thể xử lý tình huống mà trong những ngày đầu phải dốc toàn lực để làm. Tuy nhiên, tôi dự đoán chúng ta vẫn cần thêm vài ngày nữa trước khi mọi thứ trở lại hoàn toàn bình thường”, cố vấn về COVID-19 của Bộ Y tế Italy Walter Ricciardi nói.

TT Trump tuyên bố ngưng tài trợ cho WHO, sau đó rút lời

Trong cuộc họp báo hàng ngày tại Nhà Trắng hôm thứ Ba, 7/4 (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ ngưng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ông cáo buộc tổ chức này đã phản ứng sai với đại dịch COVID-19 và o bế Trung Quốc quá đà, theo The New York TimesReuters

“Chúng ta sẽ cắt tiền chi cho WHO, chúng ta sẽ cắt rất mạnh tay và chúng ta sẽ xem”, ông Trump nói.

Sau đó, khi phóng viên hỏi lại, ông Trump phủ nhận: “Tôi không nói là chúng ta sẽ làm vậy. Nhưng chúng ta sẽ xem xét việc đó”. Khi phóng viên lưu ý là ông quả thực đã nói sẽ cắt tài trợ, ông Trump quả quyết: “Không, tôi có nói vậy đâu. Tôi nói là chúng ta sẽ xem xét việc đó”.

Dự báo: Anh sẽ trở thành quốc gia chết chóc nhất châu Âu vì đại dịch COVID-19

Xe cứu thương bên ngoài bệnh viện NHS Nightingale tại Trung tâm Excel ở London. Ảnh: Matthew Childs/Reuters.
Xe cứu thương bên ngoài bệnh viện NHS Nightingale tại Trung tâm Excel ở London. Ảnh: Matthew Childs/Reuters.

Các nhà phân tích dữ liệu dịch bệnh hàng đầu thế giới đã dự đoán rằng Vương quốc Anh sẽ trở thành quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch coronavirus ở châu Âu, chiếm hơn 40% tổng số ca tử vong trên khắp lục địa già, The Guardian đưa tin.

Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) tại Seattle, Mỹ, vừa công bố nghiên cứu dự báo Anh sẽ có khoảng 66.000 ca tử vong do COVID-19 vào tháng Tám, với mức độ tử vong cao nhất là gần 3.000 người mỗi ngày.

Các nhà phân tích của IHME cho rằng các cuộc tranh luận về “miễn dịch cộng đồng” ở Anh đã khiến nước này chậm trễ đưa ra các biện pháp hạn chế tiếp xúc. Anh lần đầu áp lệnh phong tỏa toàn quốc hôm 23/3, khi đã ghi nhận trung bình khoảng 54 người chết virus corona mỗi ngày. Trong khi đó, Bồ Đào Nha đã nhanh chóng đưa ra những biện pháp quyết liệt ngay khi xuất hiện trường hợp tử vong đầu tiên.

IHME dự báo đến ngày 4/8, Anh sẽ ghi nhận 66.314 người chết do COVID-19, là con số giữa hai mức dự báo từ 14.572 đến 219.211 người tử vong.

Khi quan sát các biện pháp Anh đang áp dụng để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, viện nghiên cứu này cho rằng đỉnh dịch sẽ diễn ra vào ngày 17/4, thêm rằng Anh khi ấy sẽ cần hơn 102.000 giường bệnh. Nước này hiện chỉ có gần 18.000 giường bệnh, còn thiếu khoảng 85.000 giường so với tính toán của IHME.

Viện nghiên cứu này cũng dự đoán Anh sẽ cần 24.500 giường điều trị tích cực và gần 21.000 máy trợ thở cho các ca nguy kịch. IHME cho biết khi đỉnh dịch xảy ra, sẽ có 2.932 người chết mỗi ngày ở Anh.

Họ nhận định số ca tử vong ở các nước châu Âu khác sẽ thấp hơn Anh. IHME dự đoán Tây Ban Nha, Italy và Pháp sẽ lần lượt ghi nhận số người chết là 19.209, 20.300 và 15.058. Đây đều là ba quốc gia đã áp đặt các biện pháp phong tỏa quyết liệt hơn chính phủ Anh.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia London hồi tháng 3 cũng đưa ra dự đoán về mô hình phát triển dịch bệnh cho chính phủ Anh, trong đó cảnh báo nước này có thể ghi nhận 260.000 người chết nếu không hạn chế đi lại. Tuy nhiên, các chuyên gia Anh cho rằng con số này sẽ giảm xuống còn 20.000 nhờ các lệnh phong toả nghiêm ngặt.

Sáng nay, Bộ Y tế Việt Nam công bố 2 ca mới nhiễm COVID-19

6h sáng ngày 8/4, Bộ Y tế công bố thêm 2 ca nhiễm, gồm một người hàng xóm với “bệnh nhân 243”, một người điều trị tại bệnh viện ở Hà Nam, nâng tổng số ca bệnh lên 251.

Như vậy trong 24 giờ qua, Việt Nam đã có thêm sáu ca nhiễm mới.

Trước đó, hôm qua 7/4, 27 người được tuyên bố khỏi bệnh, đưa số bệnh nhân khỏi COVID-19 lên 122.

TT Trump cách chức viên tổng thanh tra giám sát khoản chi tiêu 2,3 nghìn tỷ USD đối phó với đại dịch COVID-19

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa cách chức Tổng Thanh tra của Bộ Quốc phòng phụ trách giám sát việc chi tiêu gói cứu trợ 2,3 nghìn tỷ USD mà chính quyền đưa ra cách đây không lâu, theo Reuters.

Viên tổng thanh tra, ông Glenn Fine, là người vừa tiếp nhận chức vụ này một tuần trước.

Đây là động thái tiếp theo của TT Trump sau khi cách chức Tổng Thanh tra Tình báo – người góp phần châm ngòi cho cuộc luận tội ông hồi cuối năm ngoái, và đả kích Tổng Thanh tra Bộ Y tế – người đưa ra bản báo cáo cho biết Mỹ đang thiếu hụt nghiêm trọng trang thiết bị và vật tư y tế để chống COVID-19.

Trung Quốc công bố thêm 62 ca nhiễm coronavirus, gấp đôi so với số ca nhiễm hôm qua

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay, 8/4, thông báo nước này ghi nhận 62 ca mới nhiễm COVID-19 gồm 59 ca ngoại nhập, tăng gần gấp đôi so với 32 ca công bố ngày hôm qua và là mức tăng cao nhất kể từ ngày 25/3. Nước này cũng công bố thêm hai ca tử vong, nâng số người chết lên 3.333 trong số 81.802 ca nhiễm.

Số ca nhiễm không triệu chứng tăng gấp bốn lần với 137 trường hợp, trong đó người trở về từ nước ngoài chiếm 102 trường hợp. Giới chức Trung Quốc không tính ca nhiễm không triệu chứng vào tổng số ca nhiễm được xác nhận cho đến khi bệnh nhân có triệu chứng như sốt hoặc ho.

Số ca nhiễm mới gia tăng trong bối cảnh Trung Quốc vừa dỡ lệnh phong tỏa Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân đã chịu các hạn chế nghiêm ngặt trong 76 ngày qua. Thủ phủ tỉnh Hồ Bắc chỉ ghi nhận hai ca nhiễm mới trong 15 ngày qua. Theo số liệu chính thức, Vũ Hán ghi nhận hơn 50.000 ca nhiễm và hơn 2.500 ca tử vong.

Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) bỏ hướng dẫn dùng thuốc kí ninh 

Một phụ nữ cầm lọ thuốc kí ninh ở bang Washington, Mỹ, ngày 31/3/2020. Ảnh: Reuters.
Một phụ nữ cầm lọ thuốc kí ninh ở bang Washington, Mỹ, ngày 31/3/2020. Ảnh: Reuters.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) vừa bỏ hướng dẫn dùng thuốc kí ninh trên website của mình, thay bằng thông báo hiện chưa có thuốc được phê duyệt để điều trị hay phòng ngừa COVID-19, theo Reuters.

Ở hướng dẫn cũ, CDC nói: “Mặc dù chưa biết liều lượng và khoảng thời gian tốt nhất để dùng thuốc kí ninh (hydroxychloroquine) để điều trị COVID-19, một số bác sĩ có đề cập đến” một số cách kê đơn thuốc cho COVID-19.

Trong hướng dẫn mới cập nhật, CDC đã bỏ thông tin trên, thay vào đó nói rằng: “Không có thuốc hay liệu pháp nào được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phê duyệt để điều trị hay phòng ngừa COVID-19”.

CDC cũng bổ sung: “Hydroxychloroquine và chloroquine đang được nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng” cho điều trị bệnh nhân coronavirus. 

Hai loại thuốc trên liên tục được Tổng thống Mỹ Donald Trump khen ngợi và quảng cáo trong thời gian qua như một vũ khí tiềm năng và một đột phá y học để điều trị COVID-19.

Vũ Hán dỡ lệnh phong thành

Hôm nay, 8/4, thành phố Vũ Hán bắt đầu cho phép người dân đi lại tự do sang các nơi khác, sau 76 ngày phong thành để dập dịch COVID-19, bất chấp lo ngại về một đợt dịch thứ hai có thể bùng phát, Reuters cho biết.

Vũ Hán bắt đầu phong thành từ ngày 23/1, ngăn 11 triệu cư dân rời khỏi thành phố. Theo số liệu của chính phủ Trung Quốc, có khoảng hơn 50 nghìn người ở đây đã nhiễm bệnh, với 2.571 người chết, chiếm tổng số 80% số ca tử vong ở nước này.

TT Trump đả kích thanh tra y tế về báo cáo kết luận thiếu hụt trang thiết bị y tế ở Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc hop báo. Ảnh: AP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc hop báo. Ảnh: AP.

Vào thứ Ba, 7/4 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump đả kích Tổng Thanh tra của Bộ Y tế về một báo cáo nêu lên thực trạng thiếu hụt trầm trọng trang thiết bị và vật tư y tế để đối phó với COVID-19 ở các bệnh viện trên khắp nước Mỹ, theo Reuters.

“Lại một báo cáo láo”, ông tweet.

Ông Trump cho rằng báo cáo này có động cơ chính trị và chất vấn tại sao Tổng Thanh tra Y tế không phỏng vấn phó tổng thống, các tướng lĩnh và những người có thẩm quyền khác trước khi làm báo cáo này.

Người phát ngôn của Văn phòng Tổng Thanh tra Y tế nói họ “thực hiện khảo sát này với cùng những tiêu chuẩn về liêm chính và chất lượng đã được áp dụng ở những khảo sát trước đây”, và rằng họ đã phỏng vấn “những chuyên viên có hiểu biết về vấn đề này ở 320 bệnh viện tại 46 tiểu bang”.

Hoa Kỳ cáo buộc Nga và Qatar hối lộ FIFA để giành quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022

Sau nhiều năm điều tra, Hoa Kỳ cho biết họ đã có bằng chứng rõ ràng là những người đại diện cho Nga và Qatar đã hối lộ Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) để có được quyền đăng cai các giải đá bóng quốc tế nam, tờ The New York Times cho biết.

Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố vào thứ Hai tuần này một bản cáo trạng đưa ra chi tiết về các khoản tiền rất lớn đã được trả cho năm người trong hội đồng cao nhất tại FIFA để có được phiếu bầu của họ cho nơi được đăng cai là Nga và Qatar. Ngoài ra, hơn nửa số các nhân viên cấp cao của FIFA, trong đó có cựu chủ tịch Sepp Blatter, là những người có liên quan đến hai lần bỏ phiếu bầu cho nơi đăng cai của năm 2018 và 2022, cũng bị cho là đã phạm sai lầm nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bản cáo trạng còn buộc tội ba giám đốc điều hành truyền thông và một công ty tiếp thị thể thao với các tội gian lận chuyển khoản (wire fraud) và rửa tiền (money laundering) để giành bản quyền truyền hình và quyền tiếp thị các giải bóng đá quốc tế. Những người này bị cho là liên quan đến việc Nga và Qatar hối lộ khi giành quyền đăng cai World Cup vào năm 2018 và 2022. 

Bạn có biết...

... Luật Khoa là một tạp chí độc lập và phi lợi nhuận. Với mong muốn mang lại trải nghiệm đọc báo tốt nhất cho bạn đọc, chúng tôi không đặt quảng cáo và do đó không có doanh thu. Luật Khoa chi trả mọi chi phí bằng các khoản đóng góp của bạn đọc.

Mỗi ngày, các phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên của Luật Khoa đều tận tâm với từng con chữ và từng mối quan tâm của bạn đọc, nhằm mang lại cho bạn đọc cái nhìn mới mẻ và đa chiều về những vấn đề pháp luật, chính trị.

Nếu tất cả bạn đọc đều đóng góp cho Luật Khoa, dù là 20 nghìn đồng, tờ báo độc lập và khai phóng này của chúng ta sẽ hoạt động hiệu quả và bền vững hơn rất nhiều. Mỗi đồng bạn đóng góp đều giúp cho Việt Nam của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn, và bạn chỉ mất một phút để trở thành nhà tài trợ của Luật Khoa. Xin cảm ơn.