Connect with us

ĐÃ DỪNG CẬP NHẬT

Điểm tin: Lần đầu tiên số ca nhiễm mới COVID-19 ở Hàn Quốc giảm xuống dưới 50

  • Các phiên cập nhật: 8:00 – 13:00 – 18:00 (giờ Việt Nam)
Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Một đường phố ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 3/4/2020. Ảnh: Reuters.
Một đường phố ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 3/4/2020. Ảnh: Reuters.

Cập nhật lúc: 18:00 – Giờ Việt Nam

Bộ Y tế: Hôm nay Việt Nam chưa có ca mới nào

Ảnh chụp màn hình website ncov.moh.gov.vn lúc 18:00 ngày 6/4/2020.
Ảnh chụp màn hình website ncov.moh.gov.vn lúc 18:00 ngày 6/4/2020.

Tính cho đến 18:00 hôm nay, Bộ Y tế chưa công bố thêm bất kỳ ca nhiễm COVID-19 mới nào, trong khi đó lại có thêm bốn ca bình phục.

Cập nhật lúc: 18:00 – Giờ Việt Nam

Tây Ban Nha chuẩn bị xét nghiệm cả những người không có triệu chứng của COVID-19

Một khu vực vắng vẻ ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, ngày 14/3/2020. Ảnh: Getty Images.
Một khu vực vắng vẻ ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, ngày 14/3/2020. Ảnh: Getty Images.

Hôm nay, chính phủ Tây Ban Nha thông báo họ đã lên kế hoạch mở rộng chương trình xét nghiệm coronavirus sang cả những người không có triệu chứng nhiễm bệnh, theo Reuters. Đây được coi là bước tiến mới của nước này trong việc dần dần dỡ bỏ tình trạng phong tỏa xã hội.

Số người nhiễm mới và người chết ở Tây Ban Nha cũng có xu hướng giảm dần trong những ngày gần đây, khiến nhiều người hy vọng rằng đỉnh dịch đã qua.

Hiện Tây Ban Nha có số người chết vì COVID-19 cao thứ hai thế giới, với 12.418 người tính tới Chủ nhật, 5/4.

Cập nhật lúc: 18:00 – Giờ Việt Nam

Hàn Quốc: Lần đầu tiên số ca mắc mới COVID-19 theo ngày giảm xuống dưới 50

Hôm nay, Hàn Quốc công bố lần đầu tiên số ca mới nhiễm COVID-19 ở nước này giảm xuống dưới 50 kể từ đỉnh dịch vào ngày 29/2, theo Reuters. Số ca nhiễm bệnh hàng ngày ở ổ dịch lớn nhất châu Á, ngoài Trung Quốc, đang tiếp tục có xu hướng giảm.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đã báo cáo 47 ca nhiễm mới trong ngày Chủ nhật, 5/4, so với 81 ca được ghi nhận trước đó một ngày, đưa tổng số ca nhiễm COVID-19 tại quốc gia này lên 10.284 ca.

Cũng trong ngày Chủ nhật, có thêm ba người chết, nâng tổng số người chết lên 186 người cho đến nay. Trong khi đó, 135 người khác đã được chữa khỏi, trên tổng số 6.598 người được chữa khỏi cho đến nay.

Cho đến nay, Hàn Quốc đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, với khoảng 100 trường hợp mắc mới mỗi ngày hoặc ít hơn, nhưng đây là lần đầu tiên số ca nhiễm virus trong một ngày  giảm xuống dưới 50.

Cập nhật lúc: 18:00 – Giờ Việt Nam

Chính quyền Trump không đặt mua các thiết bị y tế cho đến giữa tháng Ba dù đã được cảnh báo trước về dịch bệnh

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc hop báo. Ảnh: AP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc hop báo. Ảnh: AP.

Hôm Chủ nhật, hãng thông tấn Associated Press báo cáo rằng chính quyền Donald Trump đã không đặt hàng với số lượng lớn mặt nạ phòng độc, máy thở và các thiết bị y tế quan trọng khác dành cho những bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 cho đến tận giữa tháng Ba. Còn tờ Washington Post tường thuật rằng chính quyền Trump đã nhận được báo cáo đầu tiên về vụ dịch xảy ra ở Trung Quốc vào ngày 3 tháng 1.

Báo cáo của AP dựa trên dữ liệu mua sắm của các cơ quan liên bang.

Vào ngày 12/3, một ngày trước khi Tổng thống Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do đại dịch, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (the Department of Health and Human Services) đặt đơn hàng mua khẩu trang N95 với số lượng lớn đầu tiên với Tập đoàn 3M, với tổng trị giá 4,8 triệu USD. Chín ngày sau, khi có hơn 30.000 trường hợp được xác nhận nhiễm virus corona trên khắp Hoa Kỳ, chính quyền Trump mới đặt đơn hàng thứ hai trị giá 173 triệu USD. 

Tuy nhiên, hãng AP báo cáo thêm, các hợp đồng được ký hồi giữa tháng Ba lại yêu cầu 3M bắt đầu giao khẩu trang vào cuối tháng Tư – tức là sau đỉnh dịch theo dự báo của chính Nhà Trắng.

Vào ngày 27 tháng Ba, Tổng thống Mỹ Trump đã cam kết đảm bảo 100.000 máy thở sẽ có sẵn trong vòng 100 ngày sau khi ông kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA) để tăng cường sản xuất máy thở trong bối cảnh số người mắc COVID-19 tăng kỷ lục trong khi kho dự trữ vật tư y tế cạn kiệt. Điều đó có nghĩa là các máy thở sẽ được giao cho chính phủ liên bang vào cuối tháng Sáu, thời điểm khi mà các chuyên gia dự đoán virus corona đã hoành hành vượt quá đỉnh ở Mỹ. Sự chậm trễ của chính quyền Trump trong phản ứng với báo cáo của cộng đồng tình báo Mỹ đã tạo ra những tình huống thảm khốc ở những nơi như bang New York, nơi đã trở thành tâm điểm của đại dịch với hơn 4.100 trường hợp tử vong và 122.000 ca coronavirus được xác nhận tính đến ngày 5/4.

Cập nhật lúc: 13:00 – Giờ Việt Nam

Số ca nhiễm COVID-19 tăng cao, Nhật Bản dự kiến tuyên bố tình trạng khẩn cấp đầu tiên trong lịch sử

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong phiên họp Thượng viện ngày 3/4/2020. ẢNh: Bloomberg.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong phiên họp Thượng viện ngày 3/4/2020. ẢNh: Bloomberg.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến công bố kế hoạch khẩn cấp trong hôm nay 6/4 và tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại các thành phố lớn như Tokyo, Osaka và tỉnh Hyogo sớm nhất vào ngày mai, 7/4, khi số ca nhiễm nCoV ở Nhật tăng vọt. Nếu được chính thức ban bố, đây sẽ là tình trạng khẩn cấp đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản.

Thông tin được đưa ra sau khi số ca nhiễm nCoV tại thủ đô Tokyo vượt 1.000 ca. Chính phủ Nhật đang chịu nhiều áp lực do bị chỉ trích là hành động chậm chạp so với nhiều quốc gia trên thế giới.

Nước này hiện ghi nhận hơn 3.600 người nhiễm nCoV, trong đó 85 người đã chết.

Một điều luật sửa đổi được Thượng viện Nhật bản thông qua hôm 13/3 cho phép Thủ tướng Abe tuyên bố tình trạng khẩn cấp nếu COVID-19 “đe dọa nghiêm trọng” tới mạng sống người dân và ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Tuy nhiên, cần lưu ý là ông Abe không được phép tuyên bố tình trạng khẩn cấp theo ý mình. Ông phải lấy ý kiến một ban cố vấn bao gồm các chuyên gia về y tế và sức khỏe cộng đồng. Họ sẽ xác định có cần phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp hay không.

Động thái này sẽ cho phép thống đốc ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi COVID-19 có thêm quyền hạn để yêu cầu người dân ở nhà, hủy bỏ các sự kiện đông người và đóng cửa trường học, các cơ sở công cộng khác.

Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cảnh báo nếu COVID-19 lây lan nhanh tại quốc gia có dân số già như Nhật Bản, cái giá phải trả sẽ rất đắt.

Cập nhật lúc: 13:00 – Giờ Việt Nam

Quan chức y tế Mỹ: Tuần này sẽ là thời gian đau buồn nhất trong suốt cuộc đời nhiều người Mỹ

Tổng Y sĩ Mỹ, ông Jerome Adams hôm 5/4 đưa ra lời cảnh báo rằng tuần này sẽ là giai đoạn “khó khăn nhất, đau thương nhất”, là “thời khắc Trân Châu Cảng” của nước Mỹ trong cuộc chiến chống COVID-19.

“Đó sẽ là thời khắc Trân Châu Cảng, thời khắc 11/9, nó không phải thời khắc của một địa phương cụ thể nào mà sẽ xảy ra ở khắp nước Mỹ và tôi muốn người Mỹ hiểu điều đó”, ông Adams nói.

“Tất cả phụ thuộc vào phương pháp phòng bệnh và y tế công cộng. Mọi người phải cùng nhau giữ gìn vệ sinh, ở trong nhà, làm những điều chúng tôi khuyến cáo để ngăn chặn dịch bệnh lây lan”, ông Adams nói.

Quan chức này cũng nhấn mạnh thêm, việc đeo khẩu trang theo khuyến cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) không thể thay thế cho biện pháp hạn chế tiếp xúc (social distancing) trong ngăn ngừa và làm chậm đà lây lan của COVID-19.

Cập nhật lúc: 13:00 – Giờ Việt Nam

Cựu Tổng Thanh tra Tình báo Mỹ: Trump sa thải tôi chỉ vì tôi trung thành thực thi nghĩa vụ pháp lý của mình

Ông Michael Atkinson, cựu tổng thanh tra tình báo Mỹ. Ảnh: J. Scott Applewhite/AP.
Ông Michael Atkinson, cựu tổng thanh tra tình báo Mỹ. Ảnh: J. Scott Applewhite/AP.

Cựu Tổng thanh tra Tình báo Mỹ Michael Atkinson hôm Chủ Nhật 5/4  đã lên tiếng trước việc ông bị Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải, Politico đưa tin.

Trong một tuyên bố, ông Atkinson nhấn mạnh: “Thật khó để không nghĩ rằng việc tổng thống mất niềm tin với tôi bắt nguồn từ việc tôi đã trung thành thực thi nghĩa vụ pháp lý của mình như một tổng thanh tra hoàn toàn độc lập và vô tư.”

Trước đó, Tổng thống Trump nói với báo giới rằng ông quyết định sa thải ông Michael Atkinson vì không còn niềm tin tuyệt đối vào ông này, liên quan đến việc ông Atkinson đã góp phần khiến ông bị luận tội hồi cuối năm ngoái. 

Atkinson là quan chức Mỹ đầu tiên thông báo cho Quốc hội về đơn tố giác của một viên chức giấu tên, trong đó cáo buộc Trump gây áp lực đòi Ukraine điều tra đối thủ chính trị Joe Biden qua một cuộc điện đàm hồi tháng Bảy năm ngoái. Tổng Thanh tra Tình báo gửi thư tới Quốc hội Mỹ hồi tháng Tám và tháng Chín năm ngoái, khẳng định rằng nội dung trong đơn tố giác Trump là “khẩn cấp và đáng tin cậy”.

“Là một tổng thanh tra, tôi có nghĩa vụ pháp lý phải đảm bảo cho những người tố giác có được những phương tiện hiệu quả và đúng thẩm quyền để tiết lộ những vấn đề cấp bách liên quan đến bí mật nhà nước cho các ủy ban tình báo của Quốc hội, và rằng khi họ được phép tố giác, danh tính của họ sẽ được bảo vệ như một cách chống trả thù”, ông viết trong tuyên bố của mình.

Một số quan chức từng ra làm chứng trong các phiên điều trần luận tội TT Trump đã bị sa thải hoặc thuyên chuyển công tác gồm Gordon Sondland, Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU), Alexander Vindman, giám đốc các vấn đề châu Âu tại Hội đồng An ninh Quốc gia, và Marie Yovanovich, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine.

Cập nhật lúc: 8:00 – Giờ Việt Nam

Bộ Y tế công bố thêm một ca nhiễm COVID-19

Ảnh chụp màn hình lúc 07:50 này 6/4/2020.

Lúc 17:50 chiều qua (5/4), Bộ Y tế công bố thêm một ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 241.

Cập nhật lúc: 8:00 – Giờ Việt Nam

Thủ tướng Anh nhập viện để xét nghiệm coronavirus

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhập viện tối Chủ nhật (5/4), giờ Anh, để xét nghiệm coronavirus, theo Reuters.

Ông Johnson đã tự cách ly tại gia trong 10 ngày qua sau khi xét nghiệm dương tính với coronavirus lần đầu. Bác sĩ cho biết thân nhiệt ông vẫn cao và khuyên ông đi xét nghiệm lại.

Mặc dù vậy, ông vẫn tiếp tục điều hành quốc gia, văn phòng thủ tướng cho biết.

Cập nhật lúc: 8:00 – Giờ Việt Nam

Nữ hoàng Anh phát biểu trên truyền hình, trấn an tinh thần quốc dân

Nữ hoàng Anh Elizabeth phát biểu trên truyền hình tối Chủ nhật, 5/4/2020. Ảnh: BCC.
Nữ hoàng Anh Elizabeth phát biểu trên truyền hình tối Chủ nhật, 5/4/2020. Ảnh: BCC.

Trong một bài phát biểu hiếm hoi trên truyền hình tối Chủ nhật (5/4), giờ Anh, Nữ hoàng Elizabeth đã trấn an người dân khi đất nước bị cách ly và phong tỏa vì bệnh dịch, theo Reuters. Bà kỳ vọng rằng người dân Anh quốc sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này và chiến thắng cơn bệnh Corona. 

Đây là lần thứ năm trong 68 năm tại vị bà phát biểu trên truyền hình, mặc dù mỗi năm bà đều gửi lời chúc Giáng sinh tới toàn dân. Những lần trước là khi chiến tranh vùng Vịnh bùng nổ năm 1991, khi công nương Diana qua đời năm 1997, khi phụ mẫu của bà qua đời năm 2002, và vào năm 2012 nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày bà trở thành nữ hoàng.

Hiện Anh có 47.806 người Anh nhiễm bệnh – trong đó có Thái tử Charles và Thủ tướng Boris Johnson – và 4.934 người đã chết.

Bà đã tuyên dương Cục Y tế Quốc gia (National Health Service) khi cho phát hình ảnh y bác sĩ với trang bị đầy đủ để chống lại cơn dịch cùng với các quân nhân đang chuẩn bị cho những chiếc xe tải mang dụng cụ y tế. Nữ hoàng cũng không quên cảm ơn tất cả những người dân Anh đã tuân thủ lệnh cách ly và ở trong nhà để giảm nguy cơ lây lan. 

Bài diễn văn kết thúc bằng lời hứa hẹn rằng tất cả mọi người sẽ cùng nhau chống dịch bệnh và sẽ chiến thắng.

Cập nhật lúc: 8:00 – Giờ Việt Nam

Mỹ: Hạm trưởng vừa bị cho thôi việc, Brett Crozier, đã nhiễm coronavirus

Hạm trưởng Brett Crozier, người vừa bị tước quyền chỉ huy hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt, đã được xét nghiệm và có kết quả dương tính với coronavirus, theo The New York Times. Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt đã ghé thăm Việt Nam từ ngày 5-9/3 vừa qua và đã có 155 thủy thủ nhiễm COVID-19 trong số hơn nửa thành viên của tàu này đã được xét nghiệm. 

Quyền tư lệnh Hải quân Mỹ vẫn bảo vệ quyết định cho Brett Crozier thôi việc chỉ huy tàu Roosevelt và Tổng thống Trump cũng đồng ý.

“Tôi cho rằng việc ông ấy làm là một việc tồi tệ,” ông Trump nói trong một buổi họp báo ngày thứ Bảy tuần qua khi nhắc về việc Crozier đã viết thư yêu cầu sơ tán và cách ly thủy thủ trên tàu của ông khi có người bị nhiễm coronavirus.

Cập nhật lúc: 8:00 – Giờ Việt Nam

Mỹ: Ứng cử viên Biden nói Đảng Dân chủ có thể phải tổ chức đại hội online vì COVID-19

Ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ, ông Joe Biden. Photo: Scott Olson / Staff
Ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ, ông Joe Biden. Photo: Scott Olson / Staff

Ứng cử viên tổng thống tiềm năng của Đảng Dân chủ, Joe Biden, nói đảng này có thể buộc phải tổ chức đại hội online vào tháng Tám để chính thức đề cử đại diện ra tranh cử với Đảng Cộng hòa, Reuters cho biết.

“Chúng ta nên nghĩ đến việc này ngay. Chúng ta có thể không tập trung 10, 20, 30 nghìn người một nơi được”, ông nói.

Ông Biden hiện đang dẫn đầu cuộc đua giành vé ứng viên của Đảng Dân chủ. Nếu thắng vòng bầu cử sơ bộ, ông gần như chắc chắn sẽ đối mặt với đương kim tổng thống Donald Trump của Đảng Cộng hòa trong phần còn lại của mùa bầu cử.

Cập nhật lúc: 8:00 – Giờ Việt Nam

Đức Giáo hoàng Francis livestream Lễ Lá (Palm Sunday Mass)

Quang cảnh chuẩn bị livestream Lễ Lá. Ảnh: AP.

Nhà thờ Thánh Phê Rô Basicalla tại Rome hầu như vắng lặng trong ngày Chủ nhật Lễ Lá vừa qua. Hằng năm, thường có đến mười ngàn người tập trung vào ngày này, là một lễ bắt buộc với người Công giáo và được cử hành một tuần trước Lễ Phục sinh. Tuy nhiên, vì lý do cách ly, nên chỉ có một số ít người đi lễ và Đức Giáo hoàng Francis dâng lễ bằng hình thức livestream, theo NPR.

Giáo hoàng tập trung cầu nguyện và khuyên giáo dân hãy nghĩ đến những đau khổ của người khác vì bệnh COVID-19. 

“Tấn bi kịch mà chúng ta đang trải qua nhắc nhở mọi người phải chú tâm vào những việc quan trọng. Và chúng ta không nên lạc lối vào những chuyện không có giá trị; chúng ta nên tự tìm lại một cuộc sống mà nếu không giúp đỡ người khác thì cũng không đáng sống”, ông giảng.

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc đi lễ của người Công giáo ở khắp mọi nơi vì các lệnh cách ly. Xem lễ online là một cách duy nhất để mọi người giữ đạo của mình. 

Bạn có biết...

... Luật Khoa là một tạp chí độc lập và phi lợi nhuận. Với mong muốn mang lại trải nghiệm đọc báo tốt nhất cho bạn đọc, chúng tôi không đặt quảng cáo và do đó không có doanh thu. Luật Khoa chi trả mọi chi phí bằng các khoản đóng góp của bạn đọc.

Mỗi ngày, các phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên của Luật Khoa đều tận tâm với từng con chữ và từng mối quan tâm của bạn đọc, nhằm mang lại cho bạn đọc cái nhìn mới mẻ và đa chiều về những vấn đề pháp luật, chính trị.

Nếu tất cả bạn đọc đều đóng góp cho Luật Khoa, dù là 20 nghìn đồng, tờ báo độc lập và khai phóng này của chúng ta sẽ hoạt động hiệu quả và bền vững hơn rất nhiều. Mỗi đồng bạn đóng góp đều giúp cho Việt Nam của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn, và bạn chỉ mất một phút để trở thành nhà tài trợ của Luật Khoa. Xin cảm ơn.





HÔM NAY CÓ GÌ