Connect with us

Quốc tế

Huyền thoại Donald Trump – Kỳ 10: Chia tách cổ phần

Published

on

Donald Trump và mẹ, Mary, cùng cha của mình. Đế chế sản nghiệp được tách ra giữa hai người cha và mẹ cùng các con để tạo ra ấn tượng rằng Fred Trump là chủ nhân chỉ sở hữu phần thiểu số, làm giảm giá trị của tài sản trên giấy tờ và giảm tối thiểu các khoản thuế. Ảnh: RTalensick/MediaPunch/Alamy.

Để ép xẹp hơn nữa giá trị của đế chế sản nghiệp, gia đình Trump đã tạo ra ấn tượng rằng Fred Trump chỉ nắm giữ 49,8% quyền sở hữu.

Với bản định giá 93,9 triệu có được từ Von Ancken, gia đình Trump tập trung vào việc làm xẹp hơn nữa con số này bằng cách thay đổi cấu trúc sở hữu đế chế của Fred Trump.

Sở Thuế vụ từ lâu đã chấp nhận suy nghĩ rằng quyền sở hữu với cổ phần kiểm soát có giá trị hơn là quyền sở hữu mà không nắm phần kiểm soát. Người có quyền kiểm soát của một tòa nhà có thể quyết định muốn bán hay không và khi nào sẽ bán, cách thức rao bán và mức giá nào chấp nhận được. Tuy nhiên, với một người chiếm giữ, ví dụ 10% của tòa nhà trị giá 100 triệu đô, không có quyền kiểm soát bất kỳ quyết định nào kể trên, Sở thuế vụ sẽ chấp nhận để anh ta khai phần tài sản có thể bị đánh thuế chỉ đáng giá khoảng 7 hoặc 8 triệu đô.

Nhưng Fred Trump trên thực tế đã kiểm soát toàn bộ hoạt động đế chế của mình trong suốt hơn bảy thập kỷ. Bỏ qua một số ngoại lệ hiếm hoi, ông đều sở hữu 100% các tòa nhà của mình. Vậy nên gia tộc Trump lên kế hoạch tạo ra một câu chuyện phi thực rằng Fred Trump chỉ là người sở hữu phần thiểu số (minority) các tài sản của mình. Họ chỉ cần phân tách lại cấu trúc sở hữu đế chế của ông. Kết quả là Fred và Mary Trump mỗi người nắm 49,8% các doanh nghiệp sở hữu những tòa nhà. Phần 0,4% được chia cho bốn người con.

Tách quyền sở hữu thành thiểu số là một thủ thuật được sử dụng rộng rãi để trốn thuế. Tuy vậy, có một trường hợp khi áp dụng thủ thuật này mà nhiều lúc bị xem là bất hợp pháp. Nó liên quan đến một khái niệm trong luật thuế được gọi là “nguyên tắc chuyển giao từng bước” (step transaction doctrine) – khi xác định được việc tái cấu trúc doanh nghiệp là một phần của một chuỗi chóng vánh các hành vi có vẻ tách biệt, nhưng thực chất được lên kế hoạch và thực hiện để trốn thuế. Vấn đề chính ở đây, theo các chuyên gia về thuế, là thời điểm – trong trường hợp của gia đình Trump, là liệu họ có tách quyền sở hữu đế chế của Fred Trump trước khi lập ra các quỹ GRAT hay không.

Tổng cộng gia đình Trump đã phân tách 12 thực thể doanh nghiệp để tạo nên hình ảnh chủ sở hữu phần thiểu số. Tờ New York Times không thể xác định được thời điểm phân tách của năm trong số 12 doanh nghiệp này. Nhưng các tư liệu có được tiết lộ rằng bảy doanh nghiệp còn lại được phân tách ngay trước khi họ lập ra các quỹ GRAT.

Đường đi nước bước hiện lên rõ ràng. Trong nhiều thập niên, Fred Trump là chủ sở hữu duy nhất của các công ty, mỗi công ty quản lý điều hành một tổ hợp căn hộ hoặc trung tâm mua sắm khác nhau. Vào tháng 9/1995, gia đình Trump lập ra thêm bảy công ty trách nhiệm hữu hạn (LLC) mới. Từ ngày 31/10 đến ngày 8/11/1995, họ chuyển giao giấy tờ sở hữu bảy bất động sản vào trong bảy công ty TNHH tương ứng đó. Vào ngày 21/11/1995, họ ghi nhận sáu phần chuyển giao giấy tờ sở hữu trong hồ sơ công khai về bất động sản. (Phần thứ bảy được ghi nhận vào ngày 24/11). Vào ngày 22/11/1995, họ chuyển 49,8% phần sở hữu từ bảy công ty TNHH này vào trong quỹ GRAT của Fred Trump và 49,8% vào trong quỹ GRAT của Mary Trump.

Bằng cách này gia đình Trump đã cắt cụt phần định giá của ông Von Ancken theo cách thức mập mờ về mặt pháp lý. Họ khai báo rằng vì Fred và Mary Trump chỉ là những người sở hữu thiểu số, cộng thêm việc các tòa nhà không thể được bán dễ như bán cổ phiếu, họ được phép cắt bớt 45% phần định giá 93,9 triệu đô của Von Ancken. Lập luận này, cộng thêm khoản 18,3 triệu đô được cắt giảm theo tiêu chuẩn, đã hoàn tất quá trình phù phép biến những bất động sản mà không lâu sau đó sẽ được định giá gần 900 triệu đô, vào thời điểm đó được khai báo chỉ ở mức 41,4 triệu đô.

Theo các chuyên gia về thuế, vào thời điểm trên, lập luận yêu cầu cắt giảm 45% đã là chuyện đáng nghi vấn. So với hiện tại, nó càng cao hơn mức 20 đến 30% cắt giảm mà Sở Thuế vụ sẽ cho phép.

Trên thực tế, các quỹ GRAT của nhà Trump không hoàn toàn chui tọt khỏi lưới truy vấn của Sở Thuế vụ. Các tài liệu New York Times thu thập được tiết lộ Sở Thuế vụ đã kiểm toán bản khai thuế quà tặng của Fred Trump vào năm 1995 và kết luận Fred cùng vợ ông đã định giá thấp hơn thực tế rất nhiều các tài sản được chuyển vào quỹ GRAT của họ.

Sở Thuế vụ xác định giá trị các tài sản của gia đình Trump ở mức 57,1 triệu đô, cao hơn 38% so với con số hai vợ chồng ông khai báo. Đối với một nhân viên kiểm toán thuế vụ, tìm ra được thêm 5 triệu đô doanh thu có thể được xem là bắt được con cá to, đủ cho một ngày làm việc. Đối với gia tộc Trump, có thể khiến Sở Thuế vụ đồng ý rằng tổng số tài sản của Fred Trump chỉ đáng giá 57,1 triệu đô giống như trúng được một mẻ lưới khổng lồ.

Trong thông cáo của mình, ông Harder, luật sư của tổng thống, đã bình luận “tất cả những vấn đề liên quan đến bất động sản (của gia đình Tổng thống) đều được các luật sư có chứng chỉ, các kế toán viên công chứng được cấp phép, và các chuyên viên thẩm định bất động sản có chứng nhận xử lý và tuân thủ nghiêm túc tất cả các luật lệ”.

Theo tìm hiểu của New York Times, đến cuối cùng, việc chuyển giao đế chế của gia tộc Trump khiến Fred và Mary Trump tốn 20,5 triệu đô thuế quà tặng, các con họ tốn 21 triệu đô tiền chi trả hàng năm (annuity). So với giá trị thực trên thị trường của gia sản này, họ đã lách được hàng trăm triệu đô la tiền thuế.

Đối với những đứa trẻ nhà Trump, họ thực chất không phải trả một xu nào tiền túi của mình cho thương vụ này. Họ đơn giản dùng đế chế của Fred Trump làm thế chấp để vay tiền từ ngân hàng M&T Bank, vay toàn bộ 21 triệu đô để chi cho dòng tiền chi trả hàng năm (annuity), và rồi dùng doanh thu có được từ đế chế kinh doanh của cha mình để trả lại tiền vay ngân hàng.

Vào ngày mà các đứa con nhà Trump chính thức nhận lấy toàn bộ quyền sở hữu sản nghiệp của cha mình, tài sản ròng của Donald Trump ngay lập tức tăng thêm hàng chục triệu đô la. Kể từ đó, lợi nhuận từ các đế chế của người cha chảy trực tiếp vào túi ông và các anh chị em.

Dòng suối tài sản từ trên trời này rót xuống chỉ vài tuần sau khi Donald Trump xuất bản quyển sách “Nghệ thuật của sự Trở lại.” (The Art of the Comeback)

“Tôi đã học được rất nhiều điều về bản thân mình trong suốt những thời điểm khó khăn,” ông nói trong sách. “Tôi đã học cách đương đầu giải quyết áp lực. Tôi đã tập trung, bắt tay vào việc, trở về nắm lấy những thứ cơ bản nhất, mà biến mọi việc trơn tru. Tôi đã làm việc chăm chỉ hơn rất nhiều, tôi tập trung, và tôi tự mình thoát ra khỏi những lối mòn trong suy nghĩ”.

Trong suốt 244 trang sách, ông không hề đả động gì về việc mình đang được trao cho gần 25% đế chế kinh doanh của người cha.

(Còn nữa)

Bài tóm tắt: Huyền thoại về ‘tỉ phú tự thân’ Donald Trump
Kỳ 1: Vén màn đế chế gia tộc Trump
Kỳ 2: Cha giàu và triệu phú 8 tuổi
Kỳ 3: Fred Trump nhận trợ cấp chính phủ để gây dựng gia tài
Kỳ 4: Fred Trump và nỗ lực gây dựng hình ảnh tỉ phú tự thân cho con trai
Kỳ 5: Khủng hoảng và tấm lưới an toàn của cha
Kỳ 6: Thổi phồng và bóp xẹp giá trị tài sản
Kỳ 7: Khi Donald muốn sửa di chúc của cha
Kỳ 8: Dòng tiền chảy qua lỗ hổng thuế quan
Kỳ 9: Phù phép giá trị bất động sản


Bài viết này nằm trong loạt bài giới thiệu phóng sự điều tra đặc biệt của tờ New York Times về quá trình làm giàu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây là phóng sự dựa trên hơn 100.000 tài liệu, hồ sơ, sổ sách tài chính liên quan đến hoạt động kinh doanh của gia đình Trump từ những năm 1970. Bên cạnh đó, New York Times cũng tiến hành phỏng vấn hàng loạt nhân viên cũ của công ty gia đình Trump và các học giả, chuyên gia về thuế. Tổng thống Trump từ chối đề nghị phỏng vấn của tờ Times, còn luật sư của ông thì bác bỏ toàn bộ cáo buộc gian lận thuế và trốn thuế mà phóng sự nêu ra. 

Bạn có biết...

... Luật Khoa là một tạp chí độc lập và phi lợi nhuận. Với mong muốn mang lại trải nghiệm đọc báo tốt nhất cho bạn đọc, chúng tôi không đặt quảng cáo và do đó không có doanh thu. Luật Khoa chi trả mọi chi phí bằng các khoản đóng góp của bạn đọc.

Mỗi ngày, các phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên của Luật Khoa đều tận tâm với từng con chữ và từng mối quan tâm của bạn đọc, nhằm mang lại cho bạn đọc cái nhìn mới mẻ và đa chiều về những vấn đề pháp luật, chính trị.

Nếu tất cả bạn đọc đều đóng góp cho Luật Khoa, dù là 20 nghìn đồng, tờ báo độc lập và khai phóng này của chúng ta sẽ hoạt động hiệu quả và bền vững hơn rất nhiều. Mỗi đồng bạn đóng góp đều giúp cho Việt Nam của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn, và bạn chỉ mất một phút để trở thành nhà tài trợ của Luật Khoa. Xin cảm ơn.





Đại dịch COVID-19

Minh họa: SCMP Minh họa: SCMP
Văn hóa chính trị9 hours ago

5 kỹ năng tiếp nhận thông tin mùa dịch

Trong những tuần sắp tới, thông tin về dịch COVID-19 và virus Vũ Hán sẽ tiếp tục đổ ập lên...

Quyền Tư lệnh Hải quân Mỹ, Thomas Modly. Ảnh: NBC News. Quyền Tư lệnh Hải quân Mỹ, Thomas Modly. Ảnh: NBC News.
Thời sự15 hours ago

Điểm tin: Quyền Tư lệnh Hải quân Mỹ từ chức vì vụ sa thải hạm trưởng tàu USS Theodore Roosevelt

Bạn đang đọc bài điểm tin hàng ngày của Luật Khoa. Bản tin này được cập nhật ba lần mỗi...

Một điểm phát thực phẩm hàng ngày ở Hà Nội. Ảnh: Báo Tổ quốc. Một điểm phát thực phẩm hàng ngày ở Hà Nội. Ảnh: Báo Tổ quốc.
Xã hội2 days ago

Xã hội dân sự đang “huy động vàng trong dân” vào lúc khủng hoảng như thế nào

Từ nhiều năm qua, câu chuyện “huy động vàng trong dân” ở Việt Nam như một món ăn nguội được...

Hà Nội đông đúc trở nên vắng vẻ vào giữa tháng 3/2020. Ảnh: VOV. Hà Nội đông đúc trở nên vắng vẻ vào giữa tháng 3/2020. Ảnh: VOV.
Xã hội2 days ago

Đại dịch: Cơ hội để con người thay đổi lối sống

Mỗi đại dịch đều để lại những thay đổi ít nhiều trong lịch sử. Trận dịch hạch kinh hoàng vào...

v v
Thời sự2 days ago

Điểm tin: Ấn Độ nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu thuốc trị sốt rét sau khi TT Trump dọa trả đũa

Bạn đang đọc bài điểm tin hàng ngày của Luật Khoa. Bản tin này được cập nhật ba lần mỗi...

Một đường phố ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 3/4/2020. Ảnh: Reuters. Một đường phố ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 3/4/2020. Ảnh: Reuters.
Thời sự3 days ago

Điểm tin: Lần đầu tiên số ca nhiễm mới COVID-19 ở Hàn Quốc giảm xuống dưới 50

Bạn có biết... ... Luật Khoa là một tạp chí độc lập và phi lợi nhuận. Với mong muốn mang...

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong cuộc phỏng vấn trên đài CNN ngày 29/3/2020. Ảnh: Bộ Truyền thông và Thông tin Singapore. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong cuộc phỏng vấn trên đài CNN ngày 29/3/2020. Ảnh: Bộ Truyền thông và Thông tin Singapore.
Thời sự4 days ago

Thủ tướng Singapore: Thế giới nên chuẩn bị chống dịch COVID-19 lâu dài, có thể là hàng năm

Bạn có biết... ... Luật Khoa là một tạp chí độc lập và phi lợi nhuận. Với mong muốn mang...

Bài đọc nhiều