Connect with us

Quốc tế

Chuyên gia bác bỏ thuyết âm mưu virus corona là sản phẩm của phòng thí nghiệm Vũ Hán

Các thuyết âm mưu đang lan truyền nhanh hơn chính coronavirus.

Published

on

Bệnh nhân đang được cứu chữa tại bệnh viên Chữ thập đỏ Vũ Hán, ngày 25/1/2020. Ảnh: Hector Retamal/Agence France-Presse — Getty Images.

Lược dịch từ bài “The Wuhan Virus Is Not a Lab-Made Bioweapon” đăng trên Foreign Policy ngày 29/1/2020.


Không có gì đáng ngạc nhiên khi sự bùng phát gần đây của loại virus corona mới và có khả năng gây tử vong ở Trung Quốc đã dẫn đến một loạt các thuyết âm mưu. 

Ngày 26/1, tờ Washington Times đã xuất bản một bài báo nói rằng sự bùng phát virus corona có thể có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm quân sự ở Vũ Hán.

Bài báo viết rằng một phòng thí nghiệm của chính phủ Trung Quốc, Viện Virus học Vũ Hán nhận được lệnh tạo ra 2019-nCoV như một loại vũ khí sinh học cho quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quá trình chế tạo, loại virus này đã bị rò rỉ ra ngoài phòng thí nghiệm và lây sang người.

Cơ sở duy nhất cho tuyên bố này là một trích dẫn của cựu sĩ quan tình báo Israel Dany Shoham, một chuyên gia về chiến tranh sinh học.

Tuy nhiên, Shoham nói với Washington Post rằng ông không muốn bình luận gì thêm. Trong bài viết cũng nêu rõ “không có bằng chứng hay dấu hiệu nào” cho thấy virus bị phát tán từ phòng thí nghiệm.

Trong khi không có câu nói nào của ông Shoham ủng hộ tuyên bố đưa ra trong câu chuyện rằng sự bùng phát virus corona bắt nguồn từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, truyền thông thế giới vẫn liên tục đăng tải các bài viết chạy theo nhận định trên, giả thuyết về vũ khí sinh học vẫn lan truyền rộng rãi từ mạng xã hội tới những trang web về thuyết âm mưu, thậm chí đăng lên cả những ấn phẩm tin tức quốc tế. 

Đài phát thanh KPRC của Texas cũng đã đăng câu chuyện lên chuyên trang của mình, cho thấy một số chuyên gia tình báo tin rằng cơ quan nghiên cứu vũ khí sinh học của quân đội Trung Quốc có thể phải chịu trách nhiệm. Nhà báo Candice Malcolm của tờ Toronto Sun đưa suy đoán của mình lên trên Youtube, đặt câu hỏi rằng: “Tại sao các phương tiện truyền thông chính thống không nói về nguồn gốc của loại virus chết người này? Liệu có phải virus corona là sản phẩm của chương trình chiến tranh sinh học Trung Quốc không?”

Tất cả những suy đoán trên chỉ dựa trên phỏng đoán của một người và đây không phải lần đầu tiên Shoham đưa ra thuyết âm mưu của mình. Năm 2017, ông đã lên Radio Sputnik, một cơ quan tuyên truyền đắc lực của chính phủ Nga, nói rằng Nhà nước Hồi giáo có khả năng đang cất giấu vũ khí hóa học tại các địa điểm bí mật ở phương Tây.

Tờ Great Game India, một tờ báo thuyết âm mưu lại cho rằng virus corona là do các nhà nghiên cứu Canada bán cho Trung Quốc. Tờ này cũng từng tung ra thuyết âm mưu cho rằng tình báo Anh phải chịu trách nhiệm cho vụ rơi máy bay Malaysia trên bầu trời Ukraine năm 2014.

Tờ Daily Mail của Anh là một trong những tờ báo đầu tiên nêu nghi vấn về mối liên hệ giữa nCoV và Phòng thí nghiệm An toàn sinh học Quốc gia Vũ Hán (WNBL) thuộc Viện Virus học Vũ Hán – thành phố khởi nguồn dịch viêm phổi cấp. Theo Daily Mail, phòng thí nghiệm mở cửa năm 2014 này từng gây lo ngại về an toàn trong quá khứ khi Trung Quốc từng có hồ sơ xấu về việc rò rỉ virus SARS từ phòng thí nghiệm ra ngoài. 

Theo tìm hiểu, Phòng nghiên cứu an toàn sinh vật quốc gia thuộc Viện nghiên cứu khoa học Trung Quốc tại Vũ Hán chính thức vận hành vào đầu năm 2018 và được gọi tắt là P4, chuyên nghiên cứu nguyên thể virus nguy hiểm như SARS và Ebola, hơn nữa, phòng thí nghiệm này chỉ cách chợ hải sản Hoa Nam khoảng 32 km. 

Tuy nhiên, các chuyên gia nhanh chóng bác bỏ giả thuyết nCoV là sản phẩm của phòng thí nghiệm liên quan đến việc sản xuất vũ khí sinh học.

“Dựa trên bộ gen và đặc tính của virus, không có dấu hiệu nào cho thấy đây là chủng virus do con người tạo ra”, Richard Ebright, giáo sư sinh hóa tại Đại học Rutgers, Mỹ, cho biết.

Tim Trevan, chuyên gia an toàn sinh học tại bang Maryland, Mỹ, cũng giải thích rằng hầu hết quốc gia đã từ bỏ nghiên cứu vũ khí sinh học sau nhiều năm không thu được thành quả. 

“Phần lớn bệnh mới và khó xử lý đều xuất phát từ tự nhiên”, ông nói thêm.

Milton Leitenberg, chuyên gia về vũ khí hóa học tại Đại học Maryland, Mỹ, cho biết ông cùng các nhà phân tích khác khắp thế giới đã thảo luận về khả năng việc phát triển vũ khí tại phòng thí nghiệm Vũ Hán có thể đã dẫn tới lây lan nCoV, nhưng cuối cùng không ai tìm ra bằng chứng thuyết phục cho giả thuyết này.

“Tất nhiên, nếu họ đang nghiên cứu vũ khí sinh học thì việc đó sẽ bị che giấu”, Leitenberg trả lời phỏng vấn qua điện thoại, nhưng nói thêm rằng chính phủ Trung Quốc không có khả năng sử dụng cơ sở như vậy để sản xuất, hoặc thậm chí nghiên cứu và phát triển vũ khí sinh học.

Phòng thí nghiệm Vũ Hán khá nổi tiếng và tương đối cởi mở so với các cơ sở nghiên cứu khác của Trung Quốc. Nơi này có mối quan hệ chặt chẽ với Phòng thí nghiệm Quốc gia Galveston thuộc nhánh y khoa của Đại học Texas và từng được phát triển với sự hỗ trợ từ các kỹ sư Pháp. Giáo sư Ebright bổ sung rằng Viện Virus học Vũ Hán cũng là “cơ sở tầm cỡ thế giới”. 

Báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ năm ngoái cáo buộc Trung Quốc từng tiến hành các hoạt động sinh học có khả năng ứng dụng cho nhiều mục đích. Tuy nhiên, Elsa Kania, chuyên gia tại Trung Tâm An ninh Mỹ Mới, đánh giá  chủng virus corona không phải loại vũ khí hữu ích.

“Những tác động của vũ khí sinh học thường rất được chú trọng trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, từ khi dịch viêm phổi cấp bùng phát, nCoV lây lan nhanh chóng khắp Trung Quốc và trên toàn cầu”, bà Kania đề cập tới khả năng kiểm soát virus. 

Vipin Narang, giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts, cũng bác bỏ giả thuyết về vũ khí sinh học bằng cách giải thích rằng theo lý thuyết, vũ khí sinh học “gây tỷ lệ tử vong cao, nhưng khả năng lây truyền thấp”. Ba nói thêm rằng việc lan truyền tin đồn thất thiệt như vậy về dịch bệnh là “cực kỳ vô trách nhiệm”.

Sau khi dịch Ebola bùng phát năm 2014, nhiều “tin giả” cũng được lan truyền rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đã sản xuất loại virus này. Ở Liên Xô, các phòng thí nghiệm quân sự đã xem xét liệu virus có thể được sử dụng làm vũ khí hay không nhưng cuối cùng đã từ bỏ những hy vọng đó.

Bạn có biết...

... Luật Khoa là một tạp chí độc lập và phi lợi nhuận. Với mong muốn mang lại trải nghiệm đọc báo tốt nhất cho bạn đọc, chúng tôi không đặt quảng cáo và do đó không có doanh thu. Luật Khoa chi trả mọi chi phí bằng các khoản đóng góp của bạn đọc.

Mỗi ngày, các phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên của Luật Khoa đều tận tâm với từng con chữ và từng mối quan tâm của bạn đọc, nhằm mang lại cho bạn đọc cái nhìn mới mẻ và đa chiều về những vấn đề pháp luật, chính trị.

Nếu tất cả bạn đọc đều đóng góp cho Luật Khoa, dù là 20 nghìn đồng, tờ báo độc lập và khai phóng này của chúng ta sẽ hoạt động hiệu quả và bền vững hơn rất nhiều. Mỗi đồng bạn đóng góp đều giúp cho Việt Nam của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn, và bạn chỉ mất một phút để trở thành nhà tài trợ của Luật Khoa. Xin cảm ơn.





Đại dịch COVID-19

Minh họa: SCMP Minh họa: SCMP
Văn hóa chính trị9 hours ago

5 kỹ năng tiếp nhận thông tin mùa dịch

Trong những tuần sắp tới, thông tin về dịch COVID-19 và virus Vũ Hán sẽ tiếp tục đổ ập lên...

Quyền Tư lệnh Hải quân Mỹ, Thomas Modly. Ảnh: NBC News. Quyền Tư lệnh Hải quân Mỹ, Thomas Modly. Ảnh: NBC News.
Thời sự14 hours ago

Điểm tin: Quyền Tư lệnh Hải quân Mỹ từ chức vì vụ sa thải hạm trưởng tàu USS Theodore Roosevelt

Bạn đang đọc bài điểm tin hàng ngày của Luật Khoa. Bản tin này được cập nhật ba lần mỗi...

Một điểm phát thực phẩm hàng ngày ở Hà Nội. Ảnh: Báo Tổ quốc. Một điểm phát thực phẩm hàng ngày ở Hà Nội. Ảnh: Báo Tổ quốc.
Xã hội2 days ago

Xã hội dân sự đang “huy động vàng trong dân” vào lúc khủng hoảng như thế nào

Từ nhiều năm qua, câu chuyện “huy động vàng trong dân” ở Việt Nam như một món ăn nguội được...

Hà Nội đông đúc trở nên vắng vẻ vào giữa tháng 3/2020. Ảnh: VOV. Hà Nội đông đúc trở nên vắng vẻ vào giữa tháng 3/2020. Ảnh: VOV.
Xã hội2 days ago

Đại dịch: Cơ hội để con người thay đổi lối sống

Mỗi đại dịch đều để lại những thay đổi ít nhiều trong lịch sử. Trận dịch hạch kinh hoàng vào...

v v
Thời sự2 days ago

Điểm tin: Ấn Độ nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu thuốc trị sốt rét sau khi TT Trump dọa trả đũa

Bạn đang đọc bài điểm tin hàng ngày của Luật Khoa. Bản tin này được cập nhật ba lần mỗi...

Một đường phố ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 3/4/2020. Ảnh: Reuters. Một đường phố ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 3/4/2020. Ảnh: Reuters.
Thời sự3 days ago

Điểm tin: Lần đầu tiên số ca nhiễm mới COVID-19 ở Hàn Quốc giảm xuống dưới 50

Bạn có biết... ... Luật Khoa là một tạp chí độc lập và phi lợi nhuận. Với mong muốn mang...

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong cuộc phỏng vấn trên đài CNN ngày 29/3/2020. Ảnh: Bộ Truyền thông và Thông tin Singapore. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong cuộc phỏng vấn trên đài CNN ngày 29/3/2020. Ảnh: Bộ Truyền thông và Thông tin Singapore.
Thời sự4 days ago

Thủ tướng Singapore: Thế giới nên chuẩn bị chống dịch COVID-19 lâu dài, có thể là hàng năm

Bạn có biết... ... Luật Khoa là một tạp chí độc lập và phi lợi nhuận. Với mong muốn mang...

Bài đọc nhiều