Connect with us

Quan điểm

Tên virus và hai chiều tranh luận

Published

on

Ảnh: knowledge.insead.edu

Việc gọi tên virus và dịch bệnh là gì cũng lắm nhiêu khê và gây chia rẽ. Nên gọi tên tác nhân gây bệnh là “virus Vũ Hán”, “virus Trung Quốc” hay “SARS-CoV-2”? Nên gọi tên dịch bệnh là “cúm Tàu” hay “COVID-19”?

Phe ủng hộ gọi tên “virus Vũ Hán”, “virus Trung Quốc” và “cúm Tàu” có ba lập luận:

  • Thế giới đã có thông lệ gọi tên virus và dịch bệnh theo nơi khởi phát, chẳng hạn cúm Tây Ban Nha, viêm não Nhật Bản, Ebola. 
  • Việc gọi tên theo nơi khởi phát không có hàm ý phân biệt đối xử, mà chỉ đơn giản là gọi đúng sự thật.
  • Gọi tên theo nơi khởi phát là cần thiết vì Trung Quốc đang cố gắng phủi trách nhiệm trong việc để dịch bệnh lây lan, cũng như đổ thừa cho Mỹ đem virus này vào Trung Quốc.

Phe phản đối gọi tên  “virus Vũ Hán”, “virus Trung Quốc” và “cúm Tàu” thì chỉ có một lập luận duy nhất: phân biệt chủng tộc. Theo đó, có hai hậu quả sau:

  • Gắn tên virus và dịch bệnh với một vùng địa lý sẽ khiến người dân vùng đó bị phân biệt đối xử. Cụ thể, người Trung Quốc sẽ bị kỳ thị.
  • Người gốc Trung Quốc nói riêng và gốc Đông Á nói chung (có nhân dạng giống người Trung Quốc) tại các nước khác sẽ bị phân biệt đối xử. Chẳng hạn: không chỉ người gốc Hoa mà người gốc Việt, Đài, Hàn, Nhật ở Mỹ cũng bị kỳ thị. Du học sinh hay lao động từ các nước này mà đang sống ở Mỹ cũng vậy.

Cả hai phe đều có những lập luận rất vững chắc để bảo vệ quan điểm của mình. Từ góc quan sát của tôi, phe thứ nhất thường là người Việt Nam trong nước, phe thứ hai thường là người Việt Nam ở nước ngoài. Và đến đây, chúng ta có một vấn đề phải đặt ra: liệu chúng ta có đang cùng nói về một thứ?

Bối cảnh ở Mỹ

Khi phe thứ hai phản đối gắn tên virus và dịch bệnh với Trung Quốc, thứ họ quan tâm là nạn phân biệt chủng tộc, vốn là một thứ “dịch bệnh văn hóa” thâm căn cố đế ở phương Tây, nhất là Mỹ, nơi họ sinh sống. 

Là một cộng đồng thiểu số và đến sau, người Á Đông sống ở Mỹ từ lâu đã bị kỳ thị. Không chỉ riêng người Trung Quốc, mà người Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản đều là nạn nhân của nạn phân biệt đối xử nặng nề. Và không chỉ người Mỹ da trắng kỳ thị họ, mà người Mỹ da đen cũng kỳ thị họ. (Dĩ nhiên tôi không nói tất cả, không có gì trên đời là tuyệt đối.)

Và một nét văn hóa chính trị ở Mỹ mà tôi nghĩ là phần lớn người Việt Nam trong nước không biết, đó là bất kể quốc tịch, nguồn gốc của một người là gì, hễ là người tóc đen da vàng thì đều bị/được người Mỹ da trắng, da đen gộp chung vào một nhóm: Trung Quốc. Nếu người Trung Quốc bị kỳ thị, tất cả người Á Đông ở Mỹ đều bị kỳ thị theo.

Giờ đây, khi một dịch bệnh được gắn với Trung Quốc, dĩ nhiên không chỉ người Trung Quốc mà người Á Đông ở Mỹ đều đứng trước nguy cơ bị xa lánh, chửi bới, tấn công. Đó là lý do tại sao một bộ phận người dân và báo chí Mỹ phản ứng dữ dội đến vậy với việc Tổng thống Donald Trump gọi SARS-CoV-2 là “Chinese virus” (virus Trung Quốc). Ngay cả đài FoxNews, vốn rất thân với Tổng thống Trump, cũng dùng tên “coronavirus” và “COVID-19” chứ không phải “Chinese virus” hay “Wuhan virus” trong các bản tin của mình, mặc dù các bình luận gia của đài này không phản đối cách gọi của ông Trump. Trên thực tế, hàng loạt các vụ tấn công người gốc Á Đông đã diễn ra trong thời gian qua, hiện tượng kỳ thị người Á Đông cũng tăng mạnh.

Phe thứ nhất, vốn hầu hết là người Việt Nam trong nước, không biết hoặc không hiểu rõ bối cảnh chính trị này của Mỹ và dường như không cảm thông với lý do mà người Việt Nam ở Mỹ phản đối cách gọi “cúm Tàu”, “virus Vũ Hán”. Bởi đơn giản, người trong nước không phải chịu rủi ro bị kỳ thị như người ở Mỹ. Khi mối đe dọa ở ngay trước mắt bạn thì bạn mới sợ.

Bên cạnh đó, nước Mỹ cũng đã trải qua những bài học đau đớn về kỳ thị một cộng đồng nào đó. Nhờ tự do ngôn luận mà những bài học đó được mổ xẻ và giúp người dân thay đổi nhận thức (điều này rất khác với Việt Nam).

Chẳng hạn, khi dịch HIV-AIDS mới bắt đầu bùng phát năm 1981 ở California, người Mỹ chưa gọi nó là AIDS (Hội chứng suy giảm miễn dịch), mà gọi là “gay cancer” (ung thư gay), hay “Gay-Related Immune Deficiency” (hội chứng suy giảm miễn dịch liên quan đến gay). Lý do là những ca bệnh đầu tiên được phát hiện là từ cộng đồng gay. Cộng đồng này, vốn đã chịu cái nhìn kỳ thị của xã hội còn nhiều định kiến cực kỳ nặng nề khi đó, lại chịu thêm một định kiến tày trời nữa: họ là nguồn lây nhiễm một căn bệnh chết người, vô phương cứu chữa. Khỏi cần nói họ đã sống khó khăn như thế nào cho đến khi những định kiến đó dần dần được gỡ bỏ.

Phe thứ nhất, theo quan sát của tôi, dường như không thừa nhận hoặc không coi trọng những hậu quả trực tiếp lẫn gián tiếp của việc gán Trung Quốc cho tên virus và dịch bệnh này gây ra cho những đồng bào mình ở Mỹ, người Hoa ở Việt Nam, và rộng hơn là cho người Á Đông thiểu số sinh sống rải rác khắp thế giới.

Bối cảnh ở Việt Nam

Tuy vậy, ở chiều ngược lại, nhóm thứ hai cũng không thừa nhận đúng mức các lập luận của nhóm thứ nhất. 

Thực tế là những ai gọi tên “virus Vũ Hán” hay “cúm Tàu” dường như không có ý kỳ thị người Trung Quốc thật, lại càng không có ý kỳ thị người Hoa ở Việt Nam. Điều này cũng giống như không ai kỳ thị người Nhật vì dịch “viêm não Nhật Bản”.

Và nếu có kỳ thị, người ta sẽ kỳ thị người bệnh, hoặc người có khả năng mang bệnh, chứ không kỳ thị riêng người Trung Quốc. Điều dễ thấy là thời gian qua, người Việt Nam chủ động xa lánh tất cả những ai có khả năng lây bệnh: người Trung Quốc, người Hàn, người Nhật, người châu Âu, thậm chí người Vĩnh Phúc, Việt kiều về nước, v.v.

Bên cạnh đó, xét từ khía cạnh người dân, ở Việt Nam dường như cũng không có hiện tượng kỳ thị người Hoa và gán người Hoa với Trung Quốc. Hoặc ít nhất là khi người ta nói “virus Vũ Hán” hay “cúm Tàu”, họ không có ý nhắm đến cộng đồng người Hoa ở bất kỳ đâu. Còn việc Đảng Cộng sản Việt Nam gây khó dễ, thậm chí từng đàn áp người Hoa thì lại là chuyện khác. 

Cái tên virus hay tên bệnh không làm cho người Việt Nam trong nước kỳ thị người Hoa hơn (nếu có kỳ thị), cũng không làm thay đổi thực tế là người kỳ thị thì kỳ thị bất kỳ ai có khả năng lây bệnh, chứ không riêng gì người Trung Quốc. 

Một vấn đề nữa là nhóm thứ nhất nhắm đến chính quyền Trung Quốc chứ không phải người dân Trung Quốc. Thực tế cho thấy dư luận Việt Nam đã cảm thương và căm phẫn trước cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng như thế nào, và đồng cảm với nỗi đau của người Trung Quốc ra sao.

Bên cạnh đó, nhóm thứ nhất cũng có một lý do hết sức chính đáng để gắn Trung Quốc với dịch bệnh này, đó là ngăn chặn khả năng chính quyền Trung Quốc đổi trắng thay đen, phủ nhận trách nhiệm của mình với thế giới và với ngay cả chính công dân của họ. Dù đồng ý với nhóm này không, ta cũng rất nên thừa nhận lý do này có tính hợp lý của nó.

Vì những lý do trên, mang yếu tố “phân biệt chủng tộc” ra để phản bác người Việt Nam trong nước thì quả thực chưa cân nhắc đầy đủ đến các yếu tố văn hóa chính trị trong nước.

***

Như thế, chúng ta thấy rằng, dù quan điểm đối nghịch nhau, cả hai phe đều có một điểm chung: không đặt mình vào không gian văn hóa chính trị của phe đối lập để hiểu và cảm thông. 

Với hai không gian khác nhau (Mỹ và Việt Nam), những lập luận sẽ có giá trị khác nhau. Hay nói cách khác, hai phe đang không cùng nói về một thứ. 

Theo quan sát của tôi, thứ mà người Việt Nam ở Mỹ nói đến là “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc” (racism), còn thứ mà người Việt Nam trong nước nói đến là “chủ nghĩa quốc gia/dân tộc” (nationalism). Người ở Mỹ đang lo ngại vấn đề kỳ thị người châu Á, còn người ở Việt Nam lo ngại mối đe dọa của chính quyền Trung Quốc.

Cái thứ gọi là “phân biệt chủng tộc” mà người Việt Nam ở Mỹ nói không phải là khái niệm “phân biệt chủng tộc” mà người Việt Nam trong nước hiểu. Cái rủi ro mà người Việt Nam ở Mỹ chịu cũng không phải là cái rủi ro mà người Việt Nam trong nước phải chịu.

Với hai bối cảnh khác nhau sâu sắc đến thế, muốn có một cuộc tranh luận lành mạnh và ý nghĩa, việc đầu tiên ta cần làm là thông hiểu cho lý do tại sao mỗi phe lại lựa chọn quan điểm như vậy. Khăng khăng rằng chỉ có mình mới đúng, theo tôi, là một cách tiếp cận không phù hợp. 

Sau cùng, không có lập luận nào có thể thỏa mãn được mọi người, hay có thể hợp lý với mọi không gian văn hóa chính trị. Thứ sau cùng ta phải lựa chọn là giữa những giải pháp không trọn vẹn, ta ưu tiên cái gì.

Mục đích của phe thứ nhất là quy trách nhiệm làm bùng phát dịch COVID-19 cho Trung Quốc, còn phương tiện của họ là gắn bằng được Trung Quốc với tên virus, tên dịch bệnh. Phương tiện này, vô hình trung, lại đẩy người Á Đông ở Mỹ và phương Tây, và rất có thể là cả người Hoa ở Việt Nam, vào thế bị kỳ thị sâu sắc hơn.

Bạn lựa chọn gì trong tình thế đó?

Tôi cũng có lựa chọn của riêng mình, nhưng ở bài viết này, xin dừng ở đây.


Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.

Bạn có biết...

... Luật Khoa là một tạp chí độc lập và phi lợi nhuận. Với mong muốn mang lại trải nghiệm đọc báo tốt nhất cho bạn đọc, chúng tôi không đặt quảng cáo và do đó không có doanh thu. Luật Khoa chi trả mọi chi phí bằng các khoản đóng góp của bạn đọc.

Mỗi ngày, các phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên của Luật Khoa đều tận tâm với từng con chữ và từng mối quan tâm của bạn đọc, nhằm mang lại cho bạn đọc cái nhìn mới mẻ và đa chiều về những vấn đề pháp luật, chính trị.

Nếu tất cả bạn đọc đều đóng góp cho Luật Khoa, dù là 20 nghìn đồng, tờ báo độc lập và khai phóng này của chúng ta sẽ hoạt động hiệu quả và bền vững hơn rất nhiều. Mỗi đồng bạn đóng góp đều giúp cho Việt Nam của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn, và bạn chỉ mất một phút để trở thành nhà tài trợ của Luật Khoa. Xin cảm ơn.





3 Comments

3 Comments

  1. Nguyen Mai

    23/03/2020 at 2:32 am

    1) Bạn Trịnh Hữu Long viết: “Phe phản đối gọi tên “virus Vũ Hán”, “virus Trung Quốc” và “cúm Tàu” thì chỉ có một lập luận duy nhất: phân biệt chủng tộc.” là sai:

    Thứ nhất, Hiệp hôi y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo không nên dùng “Chinese Virus” vì đã có tên chính thức “COVID-19”.

    Thứ hai, bạn có thấy ở đâu trên thế giới dùng từ “Chinese Virus” ngoài trừ Donald Trump và người Việt cuồng Trump?

    2) Bạn Trịnh Hữu Long viết: “thứ mà người Việt Nam trong nước nói đến là “chủ nghĩa quốc gia/dân tộc” (nationalism).”

    Tôi thấy chẳng có chủ nghĩa quốc gia/dân tộc gì ở đây. Giữa cái tên “Chinese Virus” và “Corona Virus” (hay Covid-19 Virus) thì có liên quan gì tới Việt Nam? Chẳng qua là người Việt ghét Tàu nên thích thú với cái tên “Chinese Virus”.

  2. TRUNG

    23/03/2020 at 9:32 pm

    Cảm ơn các anh chị em LK đã cố gắng tạo dựng một diễn đàn tự do cho người Việt trao đổi và hiểu nhau hơn.

    Tôi thông cảm và đồng ý với anh Long là ta phải lựa chọn “giữa những giải pháp không trọn vẹn, ta ưu tiên cái gì”.
    Trong bối cảnh phải đối phó với các thể chế độc tài đang tìm cách viết lại lịch sử và xóa nhòa sự thật, các bạn cần phải dùng từ “virus Vũ Hán” để chống lại.

    Tuy nhiên, cộng đồng y khoa thế giới và rất nhiều người Việt ngoài nước cũng sẽ phải chọn lựa tiếp tục dùng đúng tên khoa học của bệnh dịch, để tránh bị lôi cuốn và mất thời giờ một cách vô ich vào những tranh cải và nỗ lực đánh lạc hướng dư luận khác của một số người đang đập phá thể chế dân chủ từ bên trong nước Mỹ.

    Một chế độ độc tài và gia đình trị sẽ sẵn sàng bắt tay với Bắc Kinh và các chế độ độc tài khác khi có lợi cho nó và bức tử mọi nỗ lực dân chủ cho VN. Một chính quyền biết tôn trọng luật pháp sẽ tôn trọng nhân quyền tại VN hơn.

    Ngôn từ và những băn khoăn có khác nhau, nhưng dường như chúng ta có cùng mong muốn cho một tương lai tốt đẹp hơn cho con em mình và mọi dân tộc.

  3. Hòa

    25/03/2020 at 4:46 pm

    Cám ơn ông Trịnh Hữu Long đã viết bài này. Có vài điều tôi thấy cần phải nói rõ:

    Không biết những ngưởi khác nghĩ như thế nào, nhưng riêng tôi, tôi chưa từng gọi dịch Vũ Hán bằng “Chinese Virus” hay bất cứ tên nào khác hơn là “Virus Vũ Hán”. Lý do? Như đã được trình bầy trong comment ở bài trước của ông.

    Tôi không phải là người sống trong nước, hay mới sang Mỹ những năm gần đây, nên biết rất rõ là thời gian mà người thuộc mainstream không phân biệt nổi Việt, Tàu, Hàn, v.v. đã qua từ lâu rồi.

    Việc chọn tên virus Vũ Hán thật chẳng liên hệ gì đến Việt Nam, nhất là đối với thế hệ sinh trưởng ở Mỹ. Nhưng người khác đã nói đúng, chúng tôi gọi vì ghét bọn cộng sản Tàu. Lý do: vì những việc chúng đã làm đối với Việt Nam.

    Sau khi gã giám đốc WHO, Tedros Adhanom, cho thấy hắn đã nằm trong túi của Tàu thì lời khuyến cáo của WHO không mang chút giá trị nào đối với chúng tôi.

    Việc gọi virus Vũ Hán bằng cái unformal/ unscientific name chằng liên hệ gì đến chuyện ủng hộ hay chống đối Tổng Thống Donald Trump. Và vì tôi tôn trọng sự chọn lựa của người khác nên dĩ nhiên, chuyện bị lôi cuốn vào những cuộc tranh luận, là điều chẳng thể xảy ra.

    Sau hết, nhân quyền ở Việt Nam phải do chính người dân trong nước đứng lên đòi hỏi. Không ai có thể ban phát hay đòi dùm. Ngày nào mà đại đa số người trong nước còn chọn thái độ thờ ơ với tiền đồ dân tộc Việt, còn tỏ ra lãnh đạm đối với sự mất mát, đau khổ của đồng bào cùng sống chung trên một mảnh đất, như chúng ta đã và đang thấy, thì ngày đó, nhân quyền, tự do, vẫn chỉ là ước mơ ngoài tầm tay với. Đừng trông đợi nước Mỹ làm gì cho mình khi chính mình, vì cầu an, không chịu lên tiếng đòi hỏi.

    Nhưng ông đã nói đúng, mỗi chúng ta đều có sự chọn lựa của riêng mình. Và từ chối trở thành lá bài trong tay bọn Trung Cộng là chọn lựa của tôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Đại dịch COVID-19

Minh họa: SCMP Minh họa: SCMP
Văn hóa chính trị8 hours ago

5 kỹ năng tiếp nhận thông tin mùa dịch

Trong những tuần sắp tới, thông tin về dịch COVID-19 và virus Vũ Hán sẽ tiếp tục đổ ập lên...

Quyền Tư lệnh Hải quân Mỹ, Thomas Modly. Ảnh: NBC News. Quyền Tư lệnh Hải quân Mỹ, Thomas Modly. Ảnh: NBC News.
Thời sự14 hours ago

Điểm tin: Quyền Tư lệnh Hải quân Mỹ từ chức vì vụ sa thải hạm trưởng tàu USS Theodore Roosevelt

Bạn đang đọc bài điểm tin hàng ngày của Luật Khoa. Bản tin này được cập nhật ba lần mỗi...

Một điểm phát thực phẩm hàng ngày ở Hà Nội. Ảnh: Báo Tổ quốc. Một điểm phát thực phẩm hàng ngày ở Hà Nội. Ảnh: Báo Tổ quốc.
Xã hội2 days ago

Xã hội dân sự đang “huy động vàng trong dân” vào lúc khủng hoảng như thế nào

Từ nhiều năm qua, câu chuyện “huy động vàng trong dân” ở Việt Nam như một món ăn nguội được...

Hà Nội đông đúc trở nên vắng vẻ vào giữa tháng 3/2020. Ảnh: VOV. Hà Nội đông đúc trở nên vắng vẻ vào giữa tháng 3/2020. Ảnh: VOV.
Xã hội2 days ago

Đại dịch: Cơ hội để con người thay đổi lối sống

Mỗi đại dịch đều để lại những thay đổi ít nhiều trong lịch sử. Trận dịch hạch kinh hoàng vào...

v v
Thời sự2 days ago

Điểm tin: Ấn Độ nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu thuốc trị sốt rét sau khi TT Trump dọa trả đũa

Bạn đang đọc bài điểm tin hàng ngày của Luật Khoa. Bản tin này được cập nhật ba lần mỗi...

Một đường phố ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 3/4/2020. Ảnh: Reuters. Một đường phố ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 3/4/2020. Ảnh: Reuters.
Thời sự3 days ago

Điểm tin: Lần đầu tiên số ca nhiễm mới COVID-19 ở Hàn Quốc giảm xuống dưới 50

Bạn có biết... ... Luật Khoa là một tạp chí độc lập và phi lợi nhuận. Với mong muốn mang...

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong cuộc phỏng vấn trên đài CNN ngày 29/3/2020. Ảnh: Bộ Truyền thông và Thông tin Singapore. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong cuộc phỏng vấn trên đài CNN ngày 29/3/2020. Ảnh: Bộ Truyền thông và Thông tin Singapore.
Thời sự4 days ago

Thủ tướng Singapore: Thế giới nên chuẩn bị chống dịch COVID-19 lâu dài, có thể là hàng năm

Bạn có biết... ... Luật Khoa là một tạp chí độc lập và phi lợi nhuận. Với mong muốn mang...

Bài đọc nhiều