Connect with us

Bầu cử

Cơ chế bầu cử độc nhất vô nhị của Singapore

Published

on

Bích chương tranh cử của bốn đảng lớn nhất mùa bầu cử 2020. Ảnh: th.boell.org.
Bích chương tranh cử của bốn đảng lớn nhất mùa bầu cử 2020. Ảnh: th.boell.org.

Cộng hòa Singapore có một hệ thống chính quyền đại nghị, nơi người dân bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử để chọn các nghị sĩ của họ. Theo cơ chế “cán đích đầu tiên” (first past the post), người đắc cử của mỗi đơn vị bầu cử là ứng viên hoặc nhóm ứng viên có số phiếu bầu cao nhất (không cần đa số phiếu bầu). Đảng chính trị nắm giữ đa số ghế trong Nghị viện sẽ thành lập chính phủ.

Trong trường hợp của Singapore, đảng thắng cử luôn luôn là Đảng Nhân dân Hành động (PAP) – là đảng đã không thua một kỳ bầu cử nào kể từ khi lần đầu tiên được bầu và nắm quyền vào năm 1959 (khi Singapore vẫn còn là thuộc địa của Anh).

Trong khi Singapore có tổng thống là người đứng đầu nhà nước, thì thủ tướng là người đứng đầu chính phủ, nơi có quyền lực chính trị. Singapore chỉ có bầu cử cấp quốc gia, và không có bầu cử cấp địa phương.

Theo Hiến pháp, chính phủ quy định thời gian của các cuộc bầu cử. Chính phủ phải tổ chức bầu cử mỗi 5 năm, nhưng cũng có thể tùy ý tổ chức bầu cử trước thời điểm đó. Trong khi các cuộc bầu cử luôn ôn hòa và trật tự, tiến trình này thường bị chỉ trích vì thiên vị cho lực lượng cầm quyền.

Ai giám sát các cuộc bầu cử?

Singapore không có ủy ban bầu cử độc lập. Thay vào đó, Vụ Bầu cử thuộc Văn phòng Thủ tướng là cơ quan giám sát tất cả các quy trình bầu cử từ quản lý danh sách cử tri đến đào tạo các quan chức bầu cử. Bản thân điều này không đủ để chỉ ra bất kỳ hành vi sai trái hay gian lận nào trong các cuộc bầu cử, nhưng cái đáng chú ý là một cơ quan quan trọng như vậy lại có nhiệm vụ báo cáo với thủ tướng, cũng là lãnh đạo của đảng nắm quyền.

Trong Ngày Bầu cử, các đảng chính trị được phép triển khai các nhân viên giám sát bầu cử (khi cử tri đi bỏ phiếu) và các nhân viên giám sát kiểm phiếu (khi cuộc bỏ phiếu kết thúc và quan chức bầu cử bắt đầu kiểm phiếu) để theo dõi quá trình và đảm bảo rằng mọi thứ được thực hiện đúng quy cách. Thông thường, các nhân viên giám sát bầu cử và kiểm phiếu là những tình nguyện viên; những người Singapore quan tâm có thể làm tình nguyện viên cho các đảng chính trị để quan sát cả quá trình bỏ phiếu và kiểm phiếu.

Các đảng đối lập bị động về thời gian tranh cử

Thủ tướng Singapore có quyền ưu tiên kêu gọi bầu cử. Cho dù đây không phải là đặc thù của quốc gia thành bang này, nó lại trở thành một vấn đề ở Singapore vì thời gian vận động ngắn. Kể từ khi Singapore trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1965, chỉ có một lần duy nhất thời gian giữa việc giải tán Quốc hội và Ngày Bầu cử (khi mọi người đi bỏ phiếu) dài hơn 20 ngày.

Năm ứng cử viên nổi bật của mùa bầu cử 2020: Heng Swee Keat (PAP), Pritam Singh (WP), Dr Tan Cheng Bock (PSP), Jamus Lim (WP) and Paul Tambyah (SDP).
Năm ứng cử viên nổi bật của mùa bầu cử 2020: Heng Swee Keat (PAP), Pritam Singh (WP), Dr Tan Cheng Bock (PSP), Jamus Lim (WP) and Paul Tambyah (SDP).

Khoảng thời gian cực kỳ ngắn này khiến các đảng đối lập ở thế bất lợi; trong khi họ có thể cố gắng trước thời kỳ bầu cử bằng cách bắt đầu vận động sớm và gặp gỡ càng nhiều cử tri càng tốt, luật bầu cử nói rằng các ứng cử viên chỉ được phép khởi động các chiến dịch của họ (bao gồm các hoạt động như in tài liệu bầu cử, dán áp phích và tổ chức mít-tinh) sau thời hạn đề cử. Sự thiếu thốn về thời gian này cũng có nghĩa là các đảng đối lập phải mau chóng in tài liệu, tổ chức các tình nguyện viên và sắp xếp hậu cần khi ngày bầu cử được công bố.

Điều này cũng có thể gây khó khăn cho các đảng có nguồn lực hạn chế trong việc tính toán công việc họ muốn làm trước thời hạn, vì nếu tiến hành quá sớm có thể có nguy cơ mất cân bằng hoặc vắt kiệt sức các tình nguyện viên trước khi cuộc vận động bắt đầu.

Đàn áp đối thủ

Luật pháp yêu cầu các ứng cử viên phải tự đi ghi danh tranh cử. Từ năm 1963 đến 1988, PAP thường xuyên bắt giữ các đối thủ chính trị của mình hoặc giam giữ họ mà không qua xét xử hoặc phải chịu một phiên xét xử dài trước các cuộc bầu cử để đảm bảo rằng họ không thể tranh cử hoặc quá mất tập trung để tranh cử có hiệu quả. Từ năm 1959 đến 1988, gần 1.000 chính trị gia và nhà hoạt động đã bị bắt và giam giữ mà không qua xét xử, với khoảng 1.500 người khác bị bắt và tạm giữ không chính thức.

Những chiến thuật này đã được biện minh là hành động chống cộng sản, chống người theo Marxist và các phần tử lật đổ. Khi Chiến tranh Lạnh sắp kết thúc, các chiến thuật này ngày càng trở nên khó để biện minh với thế giới nên chính phủ đã chuyển sang việc kiện các chính trị gia đối lập vì tội phỉ báng và khiến họ phải phá sản, kết quả là sau đó sẽ không đủ điều kiện để tranh cử. 

Chẳng hạn, lãnh đạo Đảng Công nhân, JB Jeyaretnam, đã bị Thủ tướng khi đó là Ngô Tác Đống và các lãnh đạo PAP khác kiện sau khi nói rằng một đồng nghiệp của ông đã tố cáo họ với cảnh sát. Trong khi điều ông nói là đúng thực tế, tòa án đã chấp nhận các lập luận của nguyên đơn rằng danh tiếng của họ đã bị tổn hại bởi các cáo buộc công khai. JB Jeyaretnam cuối cùng đã tuyên bố phá sản sau khi vật lộn với các khoản bồi thường thiệt hại phải trả, dẫn đến việc ông mất ghế nghị sĩ (xem bên dưới) và không thể tham gia cuộc tổng tuyển cử năm 2001.

Ông  J.B Jeyaretnam (Đảng Công nhân) trong một cuộc mít-tinh năm 1996. Ảnh: AFP.
Ông J.B Jeyaretnam (Đảng Công nhân) trong một cuộc mít-tinh năm 1996. Ảnh: AFP.

Kể từ những năm 1960, các đảng đối lập cũng thường bị sách nhiễu hoặc gây khó dễ trong khoảng thời gian bầu cử thông qua các chiến thuật như cản trở việc đặt chỗ trước ở các không gian công cộng cho các cuộc mít-tinh, hay cản trở việc cấp giấy phép của cảnh sát; đóng băng tài khoản ngân hàng của các tổ chức trực thuộc hoặc thậm chí giải thể các tổ chức này; gây áp lực cho các nhà in không in tài liệu cho các đảng đối lập; lan truyền và có thể không phản bác những tin đồn bất lợi cho các đảng đối lập; và những chiến dịch đe dọa, quấy rối liên tục đối với các ứng cử viên tự do. [1]

Từ những năm 1980, PAP cũng đã công khai đe dọa sẽ trừng phạt các cử tri bầu cho các đảng đối lập bằng cách từ chối cung cấp dịch vụ công cho đến khi cử tri của PAP đã được phục vụ hết. Năm 1985, sau khi PAP mất hai ghế trong kỳ bầu cử năm 1984, Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc gia Teh Cheang Wan tuyên bố rằng PAP sẽ ưu tiên các cử tri của đảng này trong việc cung cấp các dịch vụ công [2]; thủ tướng tương lai Ngô Tác Đống tuyên bố rằng điều này sẽ khiến cử tri phải suy nghĩ kỹ hơn một chút trước khi họ bỏ phiếu. Ông nhắc lại điều này khi nắm quyền, gợi ý rằng cử tri của các đảng đối lập sẽ được xếp ở cuối “hàng” khi nói đến việc nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Do đó, từ năm 1968 đến năm 1984, không khó để thấy rằng nhiều ghế trong Nghị viện không cần tranh cử [vì không có ai dám ra thách thức ứng cử viên của PAP – ND]. Chẳng hạn, năm 1968, chỉ có 7 ghế trong số 58 ghế được tranh cử; vào năm 1980, chỉ có 38 trên 75; và vào năm 1984, 47 trên 77. Sau khi thành lập mô hình “vùng tranh cử nhóm” (GRC) vào năm 1988 (xem bên dưới), phe đối lập nhận thấy việc đề bạt các ứng viên trở nên khó khăn hơn. Các ứng viên PAP đã thắng ngay cả trước bầu cử từ năm 1991 đến 2001; trong khi năm 2006, chỉ có 47 trong số 82 ghế được tranh cử. Do đó, trong số 12 cuộc bầu cử sau khi Singapore giành độc lập, PAP chỉ phải đối mặt với các kỳ bầu cử mang tính cạnh tranh chỉ năm lần. Trong bốn lần khác, PAP đã giành chiến thắng ngay cả trước khi kỳ bầu cử được tiến hành, trong khi ở ba lần còn lại, chỉ ít hơn hai phần ba số ghế được tranh cử.

Trong khi những năm gần đây, PAP đã hạn chế hơn trong việc sử dụng các chiến thuật quá khích này thì theo thời gian, họ đã tạo ra một không khí sợ hãi, khiến mọi người sợ việc tranh cử vào các chức vụ chính trị. Mọi người nhận thức rộng rãi về việc họ sẽ bị chính phủ của PAP trừng phạt nếu phản đối, tuy nhiên PAP phủ nhận điều này.

Một sạp báo in ở Singapore. Ảnh: SPH.
Một sạp báo in ở Singapore. Ảnh: SPH.

PAP kiểm soát truyền thông

Theo luật, tất cả các phương tiện truyền thông in ấn và phát sóng ở Singapore được yêu cầu phải nộp đơn xin chính phủ cấp giấy phép nhưng có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào bởi bộ trưởng có liên quan. Các phương tiện truyền thông truyền thống bị hai tập đoàn lớn kiểm soát: Singapore Press Holdings và MediaCorp, cả hai đều được biết là chịu sự kiểm soát của chính phủ.

Các quy định cũng đã được ban bố để điều chỉnh các trang web tin tức; ngoài thời gian bầu cử, Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm yêu cầu các website gỡ bài trong một khoảng thời gian nhất định. Các phương tiện truyền thông ngoài luồng ở Singapore – vốn chỉ hoạt động trên mạng – thường thiếu vốn và nhân viên, do đó không thể cạnh tranh với nguồn nhân lực và tài chính của các cơ quan truyền thông chính thống.

Do đó, các kênh truyền thông chính thống ở Singapore thống trị mảng truyền thông bầu cử. Giới nhà báo thừa nhận rằng công việc của họ bị kiểm duyệt nặng nề, mang tính tuyên truyền, và thiên vị trong cách đưa tin. Truyền thông đưa tin về các cuộc bầu cử nghiêng về phía chính phủ.

Chỉ có ở Singapore: Vùng tranh cử nhóm (GRC)

Phương pháp bầu cử “cán đích đầu tiên” được cho là sẽ tạo ra kết quả đại diện không công bằng: Bên chiến thắng có thể giành được mỗi ghế với thiểu số phiếu bầu nhưng cuối cùng có thể giành được tất cả các ghế, trong khi bên thua có thể giành được rất nhiều phiếu nhưng cuối cùng không được ghế nào. PAP đã giành được 72,5% số ghế trong cuộc bầu cử năm 1963 chỉ với 46,9% số phiếu; từ năm 1968 đến 1984, họ giành được 100% số ghế chỉ với 70-80% phiếu bầu (như đã lưu ý ở trên, với nhiều khu vực cử tri không có ứng viên đối lập ra tranh cử, nhiều người Singapore đã không có cơ hội bỏ phiếu).

Từ năm 1988, một tinh chỉnh mới đối với hệ thống “cán đích đầu tiên” được ban hành: Vùng tranh cử nhóm (Group Representation Constituency, thường được gọi là GRC).

Bản đồ các đơn vị bầu cử của Singapore năm 2015. Ảnh: The Straits Times.
Bản đồ các đơn vị bầu cử của Singapore năm 2015. Ảnh: The Straits Times.

Hệ thống GRC được ban hành để đảm bảo tính đại diện đầy đủ cho các sắc dân thiểu số ở Singapore trong Quốc hội. Theo hệ thống này, các ứng cử viên tranh cử theo nhóm gồm ba, bốn, năm hoặc thậm chí sáu thành viên tranh cử ở một đơn vị bầu cử lớn. Ít nhất một thành viên của nhóm phải đến từ một sắc dân thiểu số được chỉ định (người Mã Lai, Ấn Độ, hoặc các nhóm khác). Để được chấp nhận là thành viên của nhóm thiểu số, họ phải nộp đơn cho một ủy ban do chính phủ chỉ định để được công nhận là thành viên của nhóm thiểu số đó. Không thể dùng thẻ căn cước của bạn để đăng ký làm thành viên của nhóm.

Nguyên tắc đảm bảo đại diện của các sắc dân thiểu số tự nó không phải là một vấn đề – mặc dù người ta nghi ngờ những lời khẳng định rằng người Singapore bỏ phiếu theo sắc tộc – nhưng hệ thống GRC bị chỉ trích vì nó tiếp tục thiên vị PAP.

Các đảng đối lập nhỏ hơn với nguồn vốn và nhân lực hạn chế có thể gặp khó khăn để tìm đủ ứng cử viên để thành lập một nhóm và tranh cử tại GRC. Tranh cử trong GRC cũng có thể đặc biệt tốn kém, vì mỗi ứng cử viên được yêu cầu đặt cọc một khoản tiền, việc ra tranh cử tại GRC có nghĩa là phải đặt cọc một khoản tiền cho ba đến sáu thành viên (tùy thuộc vào đơn vị bầu cử). Trong cuộc bầu cử gần nhất vào năm 2015, số tiền ký gửi được yêu cầu là 14.500 đô-la Singapore cho mỗi ứng cử viên [tương đương khoảng 241 triệu đồng – ND].

Là đảng chính trị duy nhất trong cả nước có nguồn lực và khả năng tranh cử trong mọi đơn vị bầu cử – dù là GRC hay đơn vị bầu cử đơn ghế (Single Member Constituency – SMC) – tạo cho PAP một số lợi thế. Chẳng hạn, hệ thống này đã giúp nhóm dễ dàng “thay máu mới”. Với việc các nhà lãnh đạo nổi tiếng của PAP “chống lưng” cho các nhóm GRC, các ứng cử viên mới có thể được đưa vào Quốc hội mà không phải tự ra tranh cử.

Vào năm 2006, Bộ trưởng cấp cao lúc đó là Ngô Tác Đống đã thừa nhận lợi ích này của hệ thống GRC đối với PAP: “Nếu không có sự đảm bảo về cơ hội chiến thắng ít nhất là trong lần tranh cử đầu tiên, nhiều người Singapore trẻ và thành công có thể sẽ không mạo hiểm sự nghiệp của họ để tham gia chính trị.”

Hệ thống GRC cũng làm chênh lệch thêm tỷ lệ đại diện cho mỗi đảng trong Nghị viện, vì đảng nào chiếm đa số trong một GRC – ngay cả khi chỉ là đa số mỏng manh – thì sẽ giành được tất cả số ghế của GRC đó, tức là từ ba đến sáu ghế (tùy thuộc vào quy mô của GRC) trong Quốc hội. Chẳng hạn, trong cuộc tổng tuyển cử năm 2011, PAP đã giành được 81 trên tổng số 87 ghế được bầu, mặc dù họ chỉ nhận được 60,1% số phiếu phổ thông. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015, PAP đã nhận được khoảng 70% số phiếu phổ thông và giành được 83 trên 89 ghế được bầu.

Thay đổi địa giới đơn vị bầu cử trước mọi kỳ bầu cử

Không giống như các quốc gia khác, nơi địa giới đơn vị bầu cử chỉ được xem xét thay đổi mỗi 10 năm hoặc có thể lâu hơn (hoặc bất cứ khi nào có sự thay đổi dân số lớn), địa giới đơn vị bầu cử của Singapore được xem xét và thay đổi trước mỗi cuộc bầu cử. Năm 2015, một phần năm cử tri Singapore đã phải thay đổi đơn vị bầu cử, mặc dù địa chỉ của họ vẫn vậy.

Bản đồ thể hiện sự thay đổi địa giới khu vực bầu cử ở Singapore qua các thời kỳ. Ảnh: New Naratif.
Bản đồ thể hiện sự thay đổi địa giới đơn vị bầu cử ở Singapore qua các thời kỳ. Ảnh: New Naratif.

Những địa giới thay đổi liên tục này là một vấn đề đau đầu đối với các đảng đối lập, nhất là khi họ không có đủ nguồn lực để tranh cử ở mọi đơn vị bầu cử. Họ có thể cố gắng tiến hành vận động sớm để rồi phát hiện ra rằng địa giới đã được vẽ lại và các cử tri mà họ từng đến thăm không còn nằm trong đơn vị bầu cử mà họ ra tranh cử nữa. Trong một số trường hợp đáng chú ý hơn, các chính trị gia đối lập đang tranh cử trong một đơn vị bầu cử đơn ghế tự dưng nhận ra khu vực của họ biến mất hoàn toàn, vì được sáp nhập vào một GRC lớn hơn.

Nghị sĩ không do dân bầu

Ngoài các nghị sĩ do dân bầu của Nghị viện, Singapore còn có các nghị sĩ không do dân bầu.

Nhóm thứ nhất, được gọi là Các nghị sĩ không theo đơn vị bầu cử của Nghị viện (Non-Constituency Members of Parliament – NCMPs), là những người thua cuộc may mắn nhất trong kỳ bầu cử. Cơ chế này được ban bố vào năm 1984 để đáp lại yêu cầu của công chúng về một chính phủ có trách nhiệm giải trình cao hơn. Theo hệ thống của Singapore, các nghị sĩ không do dân bầu được đưa vào khi có ít hơn chín nghị sĩ đối lập được bầu vào Nghị viện. Những người thua cuộc may mắn nhất này sau đó được đề nghị giữ ghế trong Nghị viện để bù vào những ghế còn trống. Chẳng hạn, năm 2015, Đảng Công nhân (đối lập) giành được sáu ghế. Để bù đắp số lượng, ba thành viên khác của Đảng Công nhân – những người thua cuộc với khoảng cách sít sao nhất – được đề nghị giữ các ghế NCMP.

Nhóm thứ hai là Các nghị sĩ được đề cử của Quốc hội (NMP), hiện có chín thành viên. Đây là những cá nhân không thuộc đảng nào nộp đơn ứng tuyển vào vị trí đại diện cho các nhóm lợi ích cụ thể (ví dụ: khoa học, kinh doanh, công nghiệp, dịch vụ xã hội hoặc cộng đồng, phong trào lao động, v.v.) và được chỉ định theo đề nghị của một ủy ban trong Nghị viện. NMP được bổ nhiệm cho nhiệm kỳ mỗi hai năm rưỡi.

Cả hai hệ thống NCMP và NMP đều được áp dụng để mang đến nhiều tiếng nói khác nhau cho Nghị viện. Tuy nhiên, chúng bị chỉ trích là không dân chủ vì các nghị sĩ này không được người dân bầu ra, và cũng chỉ là cách để đảng cầm quyền PAP trấn an người Singapore rằng sẽ có những tiếng nói đối lập với PAP ngay cả khi họ không bỏ phiếu cho đảng đối lập, nhờ vậy mà loại bỏ được tính cấp thiết của việc bầu cho các đảng khác. Hai hệ thống cũng đã bị chỉ trích vì sẽ cho một số cá nhân và nhóm lợi ích nhất định hai phiếu: một từ nghị sĩ (MP) được bầu và một từ NMP hoặc NCMP không được bầu chính thức của họ.

Tuy nhiên, một số thành viên NMPs và NCMPs cũng đã được cho là có giá trị trong Nghị viện trong việc đặt ra những câu hỏi hóc búa, có những phát biểu mạnh mẽ về các vấn đề quan trọng và thay mặt công dân Singapore gửi các đơn kiến ​​nghị cho Nghị viện.

Tổng kết

Đảng Nhân dân Hành động tại Singapore đã định hình quá trình bầu cử để tối ưu hóa kết quả cho mình. Trong khi việc bỏ phiếu là tự do, nó lại không công bằng. Dù họ (PAP) được đánh giá cao về hệ thống quản trị hiệu quả và trong sạch, nhưng người ta không thể không nhìn vào sự thật rằng hệ thống chính trị ở Singapore thiên vị đảng cầm quyền, do đó hạn chế sự phát triển và cơ hội của các đảng đối lập. Kết quả là, họ đã liên tục giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử và dự kiến ​​sẽ lại chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu ngày 10/7/2020.

***

Kirsten Han đóng góp bài viết này cho Luật Khoa theo dự án hợp tác giữa Luật Khoa và tạp chí New Naratif của Singapore.

Kirsten Han là một nhà báo tự do người Singapore và là người quản lý thư tin We, The Citizens. Cô nhận được Giải thưởng Danh dự của tổ chức World Justice Project cho hạng mục Báo chí Pháp quyền Đặc biệt năm 2018, và Giải thưởng Báo chí Nhân quyền (Human Rights Press Award) cho các tác phẩm chính luận của cô về “tin giả” và tự do biểu đạt năm 2019. Tiểu luận của cô, “The Silhouette of Oppression”, được Epigram Books xuất bản thành sách năm 2019. Kirsten cũng là sáng lập viên của We Believe in Second Chances, một tổ chức vận động bãi bỏ án tử hình ở Singapore.

Hoang Nguyen dịch bài viết gốc của Kirsten Han (tiếng Anh) sang tiếng Việt.

Chú thích:

[1]  TJS George, “Lee Kuan Yew’s Singapore” (1984), pg 66-68.
[2] Far Eastern Economic Review, 11 April 1985.

Bạn có biết...

... Luật Khoa là một tạp chí độc lập và phi lợi nhuận. Với mong muốn mang lại trải nghiệm đọc báo tốt nhất cho bạn đọc, chúng tôi không đặt quảng cáo và do đó không có doanh thu. Luật Khoa chi trả mọi chi phí bằng các khoản đóng góp của bạn đọc.

Mỗi ngày, các phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên của Luật Khoa đều tận tâm với từng con chữ và từng mối quan tâm của bạn đọc, nhằm mang lại cho bạn đọc cái nhìn mới mẻ và đa chiều về những vấn đề pháp luật, chính trị.

Nếu tất cả bạn đọc đều đóng góp cho Luật Khoa, dù là 20 nghìn đồng, tờ báo độc lập và khai phóng này của chúng ta sẽ hoạt động hiệu quả và bền vững hơn rất nhiều. Mỗi đồng bạn đóng góp đều giúp cho Việt Nam của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn, và bạn chỉ mất một phút để trở thành nhà tài trợ của Luật Khoa. Xin cảm ơn.





Click to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bài đọc nhiều