Connect with us

Tư duy phê phán

Sao không làm việc đúng này mà lại làm việc đúng kia?

Published

on

Đồ họa: Luật Khoa.
Đồ họa: Luật Khoa.

Sau khi công bố bài “Hỏi nhanh đáp gọn về vụ Đồng Tâm” (ngày 15/6/2020), nhóm Bình dân Học vụ nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Trong đó, có một bài viết công kích, đăng trên blog Cánh Cò, ký tên Bảo An; độc giả có thể đọc để đối chiếu với bài của Bình dân Học vụ, tại đây.

Bài đăng trên Cánh Cò có một ý so sánh phản ứng của dư luận Việt Nam giữa hai vụ giết người: một viên cảnh sát Mỹ giết công dân George Floyd, và một lực lượng công an Việt Nam sát hại công dân Lê Đình Kình. 

Tác giả Bảo An nêu vấn đề: “… lạ kỳ thay, chẳng có ‘nhà dân chủ’ nào của Việt Nam lên án hành động của cảnh sát Mỹ, thậm chí, có không ít kẻ còn tiếp tục bao che, lật lọng sự việc…”, trong khi đó với vụ Đồng Tâm thì “những kẻ ‘dân chủ’ lại ngoác mồm vu khống chính quyền, bao biện cho tội ác”.

Với đoạn “có không ít kẻ còn tiếp tục bao che, lật lọng sự việc”, chúng tôi cho rằng tác giả đang nói đến những người đang tìm cách đổ tội cho nạn nhân George Floyd hoặc tìm các “thuyết âm mưu” khác để bao che cho viên cảnh sát Derek Chauvin. Chúng tôi chia sẻ đánh giá này của tác giả. 

Tuy nhiên, toàn bộ cách đặt vấn đề nêu trên có ít nhất hai sai lầm.

Sai sự thật

Cái sai thứ nhất là sai sự thật: Thực chất, dư luận Việt Nam tranh luận rất nhiều về vụ “cảnh sát Mỹ giết George Floyd”, ít nhất là như những gì được thể hiện trên mạng xã hội cho thấy. 

Có nhiều luồng ý kiến khác biệt, thậm chí đối nghịch nhau. Bên cạnh xu hướng (mà bài báo của Bảo An dùng để phản biện Bình dân Học vụ) lôi thành tích bất hảo của Floyd ra để để bào chữa cho viên cảnh sát, cũng tồn tại cả xu hướng lên án kịch liệt hành vi giết người của Chauvin, phản đối tệ phân biệt chủng tộc, hoặc đặt vấn đề phải xem xét lại toàn bộ hoạt động, cung cách vận hành của hệ thống cảnh sát ở Mỹ. 

Đó mới là sự thật khách quan, chứ không phải dư luận chỉ có một cách phản ứng phổ biến là “bao che, lật lọng sự việc”.

Lỗi tư duy

Cái sai thứ hai là sai về tư duy, thể hiện qua cách đặt một câu hỏi hàm ý: “Sao anh/chị không làm việc (đúng đắn) này, mà lại làm việc (đúng đắn) kia?”. Đó là câu hỏi mang tính đánh đố (và có thể khiêu khích) hơn là cách hỏi để tìm chân lý hay để xác định tính đúng đắn của hành động. 

Khi xem xét một hành động, điều quan trọng là xem xét tính hợp lý (đúng đắn), hợp tình (đúng lương tâm), và hợp pháp (không vi phạm pháp luật) của nó. 

Một vài ví dụ về câu hỏi theo dạng đánh đố – mà với những câu hỏi này, người bị hỏi thường không cần trả lời – là:

  • Sao không biểu tình vì cả Việt Nam xanh, mà chỉ vì Hà Nội xanh? Không lẽ Sài Gòn, Đà Nẵng… không cần xanh?
  • Sao không biểu tình đòi quyền sống cho mọi người, mà chỉ biểu tình “mạng người da đen quan trọng”? Không lẽ người da trắng, da vàng, da đỏ không cần sống sao?
  • Sao không biểu tình đòi đóng cửa tất cả các nhà máy gây ô nhiễm, mà chỉ biểu tình chống Formosa? Không lẽ Vedan, Mei Sheng, Tung Kwang… không gây ô nhiễm môi trường Việt Nam?
  • Sao không biểu tình chống công an ở Việt Nam mà lại sang New York biểu tình chống cảnh sát Mỹ? 

Nói chung, ở một thời điểm nhất định, vì những giới hạn về nhiều mặt (nguồn lực, thời gian, sức lực…), mỗi cá nhân chỉ có thể quan tâm một hoặc một vài vụ việc nào đó, và chỉ có thể hành động để theo đuổi một hay một vài vụ việc đó tùy theo hoàn cảnh cụ thể. Hỏi “tại sao lại chỉ quan tâm cái này mà không quan tâm cái kia?”, trong bối cảnh tất cả mọi người đều đang bị giới hạn về khả năng hành động, là cách hỏi sai về tư duy và, có thể, sai cả về thái độ (thách thức, đánh đố). 

* * *

Dĩ nhiên là vì sự gần gũi về địa lý, văn hoá, xã hội…, một diễn biến ở Việt Nam phải và cần được quan tâm nhiều hơn một câu chuyện bên Mỹ. Nhưng, trên bình diện lương tâm con người, thì cứ việc đúng là nên làm (đồng thời, việc sai thì không làm). Cả việc cảnh sát Mỹ giết người da đen trong tình huống không cần thiết lẫn công an Việt Nam giết dân trong một vụ tấn công có chủ ý và ngoài mục đích tự vệ, đều cần được lên tiếng, đáng bị lên án, ở bất cứ đâu. Nhưng, lên tiếng về vấn đề nào, bằng cách nào, như thế nào lại là lựa chọn của mỗi cá nhân – ta gọi đó là “quyền biểu đạt”. 

Nhân tiện, nếu đã so sánh thì so sánh cho trót. Đã nói đến sự tương đồng (cảnh sát giết dân) giữa hai sự việc trên, thì ta lại có thể đặt thêm vài câu hỏi:

  • Ở Việt Nam, nếu hàng ngàn người xuống đường đòi công lý cho ông Lê Đình Kình thì công an sẽ làm gì? Có công an nào nhảy múa, ca hát cùng người dân không? Có sĩ quan nào quỳ gối cùng các nhà hoạt động không?
  • Ở Mỹ, viên cảnh sát Derek Chauvin đã bị bắt và đang trong quá trình xét xử. Ở Việt Nam, liệu có chuyện đó không, sau hàng trăm, có thể là hàng ngàn vụ công an bạo hành, thậm chí đánh chết dân, mà bạn đã được nghe nói đến?
  • Ở Mỹ, việc xét xử là của tòa án (nhánh tư pháp), độc lập với nhánh hành pháp, không chịu sự chỉ đạo, phối hợp, điều phối hay định hướng nào từ phía cảnh sát. Còn ở Việt Nam, theo bạn, tòa án có “được phép” độc lập như thế không?

Trả lời được các câu hỏi trên, ta sẽ hiểu hơn về ý nghĩa của những khái niệm “tự do”, “dân chủ”, “tam quyền phân lập”…


“Bình dân Học vụ” là một nhóm viết được thành lập ngày 10/6/2020 với mục đích tập trung vào những bài viết cung cấp kiến thức căn bản, đơn giản nhất về logic, triết học, chính trị, pháp luật… cho người đọc Việt Nam. Phương châm của nhóm là phải bắt đầu mọi thứ từ điều cơ bản nhất: tập cách tư duy.

Bạn có biết...

... Luật Khoa là một tạp chí độc lập và phi lợi nhuận. Với mong muốn mang lại trải nghiệm đọc báo tốt nhất cho bạn đọc, chúng tôi không đặt quảng cáo và do đó không có doanh thu. Luật Khoa chi trả mọi chi phí bằng các khoản đóng góp của bạn đọc.

Mỗi ngày, các phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên của Luật Khoa đều tận tâm với từng con chữ và từng mối quan tâm của bạn đọc, nhằm mang lại cho bạn đọc cái nhìn mới mẻ và đa chiều về những vấn đề pháp luật, chính trị.

Nếu tất cả bạn đọc đều đóng góp cho Luật Khoa, dù là 20 nghìn đồng, tờ báo độc lập và khai phóng này của chúng ta sẽ hoạt động hiệu quả và bền vững hơn rất nhiều. Mỗi đồng bạn đóng góp đều giúp cho Việt Nam của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn, và bạn chỉ mất một phút để trở thành nhà tài trợ của Luật Khoa. Xin cảm ơn.





Click to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Đại dịch COVID-19

Ảnh: health.gaijinpot.com. Ảnh: health.gaijinpot.com.
Xã hội24 hours ago

COVID-19 – Chiếc đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài chủ nghĩa cá nhân?

Dịch từ bài “The world after Covid-19: Unless we are alert, the pandemic could become the last nail in individualism’s...

Hội trường Diên Hồng, Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Chưa rõ nguồn. Hội trường Diên Hồng, Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Thể chế2 months ago

Ba dự án luật cần trình Quốc hội ngay sau dịch viêm phổi Vũ Hán

Giữa đại dịch viêm phổi Vũ Hán, bản thân đời sống người dân vẫn còn vô định. Tương lai kinh...

Trung Quốc có thể tranh thủ COVID-19 để giành thêm được quyền lãnh đạo thế giới? Ảnh: FT. Trung Quốc có thể tranh thủ COVID-19 để giành thêm được quyền lãnh đạo thế giới? Ảnh: FT.
Quốc tế2 months ago

Trung Quốc muốn lãnh đạo, nhưng thế giới có đón nhận?

“Dịch bệnh corona lần này có thể là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng toàn cầu đầu tiên trong nhiều thập...

Thượng Hải, Trung Quốc, tháng 2/2020. Ảnh: Reuters. Thượng Hải, Trung Quốc, tháng 2/2020. Ảnh: Reuters.
Quốc tế2 months ago

4 trở ngại khi kiện đòi bồi thường Trung Quốc vì coronavirus

Kể từ tháng Ba năm 2020, nhiều cá nhân, các nhóm hoạt động và các công ty luật lớn của...

Điểm tin2 months ago

Điểm tin: Indonesia trở thành nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao thứ hai châu Á

Bạn đang đọc bài điểm tin hàng ngày của Luật Khoa. Bản tin này được cập nhật ba lần mỗi...

Trụ sở của WHO tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 8/4/2019. Ảnh: AP. Trụ sở của WHO tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 8/4/2019. Ảnh: AP.
Quốc tế2 months ago

5 điều bạn cần biết về WHO

Việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tạm ngừng tài trợ cho WHO dẫn đến nhiều tranh cãi về sự...

Bà Melinda Gates và chồng, Bill Gates. Ảnh: CBS. Bà Melinda Gates và chồng, Bill Gates. Ảnh: CBS.
Thời sự2 months ago

Melinda Gates: Tăng tài trợ cho WHO lên 250 triệu USD, nói Trump cắt tài trợ là “phi lý”

Bà Melinda Gates cho rằng việc cắt tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là nguy hiểm...

Bài đọc nhiều