Connect with us

Tin Luật Khoa

Thư tháng Năm: Luật Khoa sao không viết về luật mà lại viết về chính trị?

Published

on

Đó là câu hỏi chúng tôi thường xuyên nhận được từ độc giả. 

Cái tên “Luật Khoa” kỳ thực gắn liền với ấn tượng của nhóm sáng lập về Đại học Luật Khoa Sài Gòn của miền Nam xưa, nơi tập trung của những cái tên sáng giá nhất của nền luật học Việt Nam hiện đại.

“Luật Khoa” cũng gắn với chuyên môn của nhóm sáng lập: 3/4 thành viên học luật ra, người còn lại thì từng làm báo… pháp luật.

Và trên hết, nhóm sáng lập có ý định rất rõ ràng về việc phổ biến kiến thức pháp luật cho độc giả Việt Nam. 

Vậy thì tại sao Luật Khoa lại viết nhiều về chính trị, cả chính trị trong nước lẫn chính trị nước ngoài như vậy?

Trước hết, chúng tôi nghĩ nhiều độc giả hiểu về khái niệm “luật” khác với cách hiểu của chúng tôi. 

Nhiều độc giả kỳ vọng Luật Khoa sẽ giải đáp những thắc mắc cụ thể về những quy định pháp luật cụ thể của Việt Nam. Đây là việc chúng tôi có làm, nhưng không đầu tư nhiều nguồn lực, bởi “luật” không chỉ là những điều khoản, văn bản khô khan. Đằng sau những quy định, những vấn đề pháp lý là những nguyên tắc pháp luật, lý thuyết pháp luật, hay gọi bằng cái tên xa lạ hơn một chút là triết học pháp luật. 

Triết học pháp luật giải quyết những vấn đề bản chất của pháp luật, đụng chạm đến những khái niệm công lý, tự do, bình đẳng, giới hạn của quyền lực nhà nước, v.v. Ở đó, người ta không đối chiếu quy định nọ với quy định kia nữa, người ta đối chiếu chúng với cái gọi là lẽ thường (common sense), xem chúng có hợp lý hay không và lý do tại sao chúng ta nên đặt ra luật như thế này mà không phải là thế kia. Tất cả những thứ đó đều đụng chạm đến chính trị. Không có thứ pháp luật nào nằm ngoài chính trị. Pháp luật là sản phẩm của một tiến trình chính trị, việc áp dụng pháp luật cũng lại là một tiến trình đậm màu chính trị nữa. 

Nói đơn giản, ngày nay, bạn thậm chí còn không thể bàn về độ an toàn của đĩa rau muống bạn ăn nếu không bàn về chính trị.

Nếu độc giả muốn tìm lời giải đáp về các quy định cụ thể, Luật Khoa có lẽ không thể đóng được vai trò đó tốt như các trang tư vấn pháp luật vốn rất dễ tìm trên Internet hiện nay. 

Cái chúng tôi thấy cần bàn hơn, nhưng lại ít ai bàn, là thứ ẩn đằng sau các điều luật và các hiện tượng pháp luật. Thông thường, nó sẽ đụng chạm đến rất nhiều thứ bị cho là nhạy cảm về mặt chính trị và khiến cho nhiều độc giả không thích. Xã hội chúng ta là nơi mà chính quyền không khuyến khích những cuộc thảo luận về bản chất của pháp luật, bởi nó sẽ trực tiếp thách thức quyền lực chính trị của lực lượng cầm quyền. Và đó là lý do mà Luật Khoa ra đời: góp phần lấp vào khoảng trống mênh mông của tri thức pháp luật ở nước ta. Chúng tôi chỉ viết những gì chưa ai viết, và nếu có ai đó đã viết rồi, chúng tôi cố gắng làm tốt hơn.

Cái chúng tôi muốn nhìn thấy ở Việt Nam là tinh thần công dân, thứ phân biệt công dân với thần dân; thứ giúp công dân đặt mình ở địa vị làm chủ xã hội và biết nghi ngờ, phê phán nhà nước khi cần; và là thứ giúp công dân hợp tác với nhau để xây dựng những quy tắc sống chung trong một cộng đồng xã hội. Để làm được điều đó, ta cần biết nhiều thứ hơn rất nhiều so với việc đọc hiểu các điều luật. Những thứ này vốn là tri thức phổ thông ở các nước phát triển, nhưng ở ta, rất tiếc, lại bị cho là nhạy cảm.

Thứ hai, một tờ báo có cái tên gắn với pháp luật không đồng nghĩa với việc nội dung của nó chỉ là về pháp luật. Chúng tôi không tự trói chân trói tay mình. Nếu tờ The Economist của Anh không chỉ viết về kinh tế, tờ Foreign Policy của Mỹ không chỉ viết về quan hệ bang giao, thì Luật Khoa cũng không chỉ viết về luật. Và nếu để ý, ta sẽ thấy báo Nhân Dân thường chỉ viết về đảng, còn báo Tuổi Trẻ thì rất hay viết về những vấn đề của tuổi già. 

Luật Khoa đầu tư rất nhiều vào các chủ đề chính trị, quan hệ quốc tế và môi trường, là những vấn đề đặc biệt quan trọng với sự tồn vong và phát triển của một quốc gia. Chúng tôi chọn làm một cánh cửa thông tin và tri thức hữu ích cho độc giả, đặc biệt khi những tri thức đó bị kiểm duyệt, chứ không cứng nhắc giữ khư khư tấm áo luật gia của mình. 

Vài lời chia sẻ như vậy, mong rằng vấn đề từ nay đã tỏ tường.


Mỗi thứ Bảy đầu tiên của tháng, Luật Khoa sẽ gửi một thư tòa soạn tới quý độc giả để chia sẻ công việc hậu trường, công bố sản phẩm mới, cũng như giải thích các thắc mắc của độc giả về tạp chí. Mọi góp ý xin gửi vào địa chỉ bbt@luatkhoa.org.

Bạn có biết...

... Luật Khoa là một tạp chí độc lập và phi lợi nhuận. Với mong muốn mang lại trải nghiệm đọc báo tốt nhất cho bạn đọc, chúng tôi không đặt quảng cáo và do đó không có doanh thu. Luật Khoa chi trả mọi chi phí bằng các khoản đóng góp của bạn đọc.

Mỗi ngày, các phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên của Luật Khoa đều tận tâm với từng con chữ và từng mối quan tâm của bạn đọc, nhằm mang lại cho bạn đọc cái nhìn mới mẻ và đa chiều về những vấn đề pháp luật, chính trị.

Nếu tất cả bạn đọc đều đóng góp cho Luật Khoa, dù là 20 nghìn đồng, tờ báo độc lập và khai phóng này của chúng ta sẽ hoạt động hiệu quả và bền vững hơn rất nhiều. Mỗi đồng bạn đóng góp đều giúp cho Việt Nam của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn, và bạn chỉ mất một phút để trở thành nhà tài trợ của Luật Khoa. Xin cảm ơn.





Click to comment

Đại dịch COVID-19

Trung Quốc có thể tranh thủ COVID-19 để giành thêm được quyền lãnh đạo thế giới? Ảnh: FT. Trung Quốc có thể tranh thủ COVID-19 để giành thêm được quyền lãnh đạo thế giới? Ảnh: FT.
Quốc tế11 hours ago

Trung Quốc muốn lãnh đạo, nhưng thế giới có đón nhận?

“Dịch bệnh corona lần này có thể là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng toàn cầu đầu tiên trong nhiều thập...

Thượng Hải, Trung Quốc, tháng 2/2020. Ảnh: Reuters. Thượng Hải, Trung Quốc, tháng 2/2020. Ảnh: Reuters.
Quốc tế2 weeks ago

4 trở ngại khi kiện đòi bồi thường Trung Quốc vì coronavirus

Kể từ tháng Ba năm 2020, nhiều cá nhân, các nhóm hoạt động và các công ty luật lớn của...

Điểm tin3 weeks ago

Điểm tin: Indonesia trở thành nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao thứ hai châu Á

Bạn đang đọc bài điểm tin hàng ngày của Luật Khoa. Bản tin này được cập nhật ba lần mỗi...

Trụ sở của WHO tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 8/4/2019. Ảnh: AP. Trụ sở của WHO tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 8/4/2019. Ảnh: AP.
Quốc tế3 weeks ago

5 điều bạn cần biết về WHO

Việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tạm ngừng tài trợ cho WHO dẫn đến nhiều tranh cãi về sự...

Bà Melinda Gates và chồng, Bill Gates. Ảnh: CBS. Bà Melinda Gates và chồng, Bill Gates. Ảnh: CBS.
Thời sự3 weeks ago

Melinda Gates: Tăng tài trợ cho WHO lên 250 triệu USD, nói Trump cắt tài trợ là “phi lý”

Bà Melinda Gates cho rằng việc cắt tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là nguy hiểm...

Một học sinh thuộc hộ nghèo ở quận Long Biên, Hà Nội. Ảnh: longbien.hanoi.gov.vn. Một học sinh thuộc hộ nghèo ở quận Long Biên, Hà Nội. Ảnh: longbien.hanoi.gov.vn.
Xã hội3 weeks ago

Học online? Nghe rất hay. Nhưng nếu bạn không có tiền truy cập Internet thì sao?

Khi hàng ngàn trường học và đại học phải đóng cửa theo lệnh của chính phủ dưới chính sách hạn...

Ảnh một khu cách ly. Hình chỉ có tính minh họa. Nguồn: Zing. Ảnh một khu cách ly. Hình chỉ có tính minh họa. Nguồn: Zing.
Hộp thư3 weeks ago

Những mẩu chuyện của tôi về 14 ngày ở trại cách ly

Tính đến hôm nay (9/4), đã tròn mười hôm kể từ khi tôi trở về từ một trải nghiệm mà...

Bài đọc nhiều

>