Connect with us

Kiểm chứng

Đồng Tâm: Những bằng chứng đầy nghi vấn

Có quá nhiều nghi vấn trong những bằng chứng nhà nước đưa ra để kết tội người dân Đồng Tâm.

Published

on

VTV đưa tin về Đồng Tâm
VTV đã đưa tin buộc tội người dân Đồng Tâm ngay từ ngày vụ việc diễn ra. Ảnh chụp màn hình. Đồ hoạ: Luật Khoa.

Sau hơn nửa năm diễn ra vụ đụng độ ở Đồng Tâm, tất cả những hình ảnh minh chứng cho cáo buộc người dân Đồng Tâm tàng trữ vũ khí quân dụng là ba giây video và bốn bức ảnh được trình chiếu lần đầu tiên trên VTV trong chương trình Thời sự 19h ngày 9/1/2020 (phút 37:20 – 37:28), cùng ngày vụ việc diễn ra. 

Nhưng có nhiều lý do để ta nghi ngờ tính xác thực của những hình ảnh đó.

Bằng chứng vụng về

Theo điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, thì chỉ duy nhất lựu đạn được xếp vào hàng vũ khí quân dụng. Nhưng, lựu đạn trong bức ảnh số 4 là lựu đạn cầm tay F1 của Liên bang Nga, không còn được sản xuất từ nhiều chục năm về trước. Nếu xuất hiện vào thời điểm này thì chỉ có thể có hai khả năng: lựu đạn diễn tập, hoặc là do người dân tự chế.

Quả lựu đạn được cho là nằm trong tay ông Lê Đình Kình khi tử vong còn không có chốt (ảnh 4). Tin được việc một người 84 tuổi có đủ sức khỏe và nhanh nhẹn để tháo chốt lựu đạn (giống như nhấc tạ từ 3 – 5 kg trong vòng dưới một giây) đã khó, nhưng còn vô lý hơn khi tin một người tháo chốt lựu đạn xong rồi còn giữ chặt trên tay.

Ngoài ra, có nhiều điểm cho thấy những vật dụng trong các hình ảnh trên được gom góp và dàn dựng một cách vụng về hơn là những tang vật thu được từ một cuộc tấn công có tổ chức. 

Chẳng hạn, những chai lọ trong hình 2 và hình 5 là “bom xăng”?

Một trong những bộ phận quan trọng nhất của bom xăng là tim dầu (là một đoạn vải tẩm cồn hoặc sáp nến) được nhét vào miệng chai. Các chai trong hình đều được bịt nắp nhựa hoặc quấn chặt bằng nilon, như chai lọ thông thường. Hơn nữa, các bánh pháo trong ảnh là pháo hoa, khi bắn phải dính cố định một chỗ dưới đất. Pháo bắn cao đến 40m, màu sắc lộng lẫy, đốt một lần nhưng các ống pháo không phát nổ đồng thời, người chơi pháo cũng không biết thứ tự nổ và thời gian dừng nổ giữa các ống pháo.

Bạn đọc có thể tham khảo cấu tạo và cách hoạt động của loại pháo hoa này ở đây và ở đây. Dài dòng như vậy để thấy rằng không ai lựa chọn loại pháo này làm vũ khí và pháo này cũng không nổ giống như những hình ảnh quay tại hiện trường trong bản tin VTV đã nêu (phút 36:37).

Như vậy, các bằng chứng trình chiếu trên VTV không đủ khả tín để chứng minh người dân có tàng trữ vũ khí quân dụng.

Nỗ lực “ác hoá” người dân

Từ khóa “lựu đạn” trong cuộc đụng độ đã đủ khiến nhiều người ném sự tức giận về phía người Đồng Tâm. Cái chết của ba người lính cảnh sát biến sự tức giận thành sự phẫn nộ. Khi đó, người ta không còn (muốn) nghi ngờ gì về việc ông Lê Đình Kình và người dân Đồng Tâm tàng trữ vũ khí nữa. Sự phẫn nộ đó tiếp tục được dẫn dắt bằng những bức ảnh trên mạng xã hội và những clip cắt ghép từ những cuộc họp nhiều tháng trước đó của nhóm Đồng Thuận ở Đồng Tâm.

Một ngày sau khi cuộc cưỡng chế diễn ra, một tài khoản Facebook có tên Trung Hoàng đăng một bức ảnh được cho là ảnh của thượng tá Nguyễn Huy Thịnh ở hiện trường. Sau đó, ngày 14/1, một bức ảnh khác lại được tung ra từ một Facebooker khác tên là Nguyễn Việt Nam, nói là thi thể của cả ba người công an. Những hình ảnh có phần rùng rợn, đau đớn thường dễ đánh vào cảm xúc người xem, và chính vì vậy nó càng hay được sử dụng để tung tin sai sự thật.

Thực tế, hai bức ảnh này, mặc dù rất giống ở chỗ cũng có cửa sổ nhìn ra một hố kĩ thuật, đều có khả năng không phải là ảnh hiện trường.

Bức ảnh thứ nhất so với video quay tại hiện trường đăng trên bản tin VTV (phút 38:04) thì thấy có ít nhất hai điểm khác biệt lớn. Mặt tường phía trước hố và phía bìa phải bức ảnh “giả” bị bẩn, cháy đen trong khi hình ảnh của VTV lại cho thấy trắng sạch, không có dấu vết gì.

Đến đây, sẽ có người hỏi, làm sao biết hình ảnh trên VTV đúng là tại hiện trường, không cắt ghép, chỉnh sửa gì? Đó là vì ta có thể đối chứng với ít nhất ba nguồn độc lập khác là video sân thượng và hố kỹ thuật (Facebook Trương Châu Hữu Danh, đăng ngày 11/1), hình ảnh hiện trường (Trịnh Bá Phương chụp, đăng ngày 27/1), và sau đó là quan sát và ảnh chụp tại hiện trường (GS. Hoàng Xuân Phú, đăng ngày 11/2).

Khi đã chắc chắn về quang cảnh hiện trường, ta có thể so sánh tiếp đến hình ảnh số 2, được tung lên mạng vào ngày 14/1. Người dùng Facebook mang tên Võ Tuyền Long phát hiện ra điểm vô lý trong bức ảnh này là một chiếc bàn chải nguyên vẹn trong khi mọi thứ đều cháy đen. Ngoài ra, có một vệt xước dài màu trắng trên tường dưới cửa sổ không có trong hình ảnh hiện trường.

Người dân Đồng Tâm bị cáo buộc đổ xăng nhiều lần vào trong hố kỹ thuật để đốt, nhưng điều này là phi logic vì cót tre (cót tre dùng trong xây dựng giống như cốt thép) trong hố nhà ông Lê Đình Kinh vẫn còn nguyên. Phần cót tre đó cũng có thể nhìn được trong bức ảnh do GS. Hoàng Xuân Phú chụp và đăng trên blog vào ngày 1/3.

Có nhiều nỗ lực “ác hóa” người dân ở Đồng Tâm trong vòng một tuần sau khi sự việc diễn ra để tăng thêm tính chính danh cho những cáo buộc của nhà nước.

Bên cạnh những hình ảnh trên, chương trình Thời sự 19h trên VTV ngày 13/1 (phút 30:39 – 31:09) cũng đăng những đoạn clip nói rằng ông Lê Đình Công, Lê Đình Kình và Bùi Viết Hiểu thể hiện “bản chất cực đoan, bạo lực và hành động chống đối pháp luật đến cùng”. Mặc dù đây không phải là những clip dàn dựng, nhưng liệu có phải nó bị tách ra khỏi bối cảnh? Tại sao những người dân này lại hùng hổ như vậy?

Cách VTV đưa tin về người dân với chữ X đỏ đặc trưng. Ảnh chụp từ chương trình Thời sự 19h ngày 13/1.

Đoạn video trên VTV được trích từ hai clip. Trong đó, đoạn từ 30:39 – 30:43 được trích từ một clip livestream đăng vào ngày 29/12/2019, mười ngày trước khi sự việc diễn ra. Hiện không còn video gốc nhưng có nơi đã đăng lại. Ông Lê Đình Công nói trong clip rằng, vào ngày này có hàng chục xe chở dây thép gai bịt trắng biển số, xe vòi rồng, xe cứu thương tiến về đất tranh chấp. Ông cho rằng đó là “nhóm tham nhũng” và thốt ra lời quyết tử. Đoạn video từ 30:44 – 31:09 hiện không còn tìm được video đầy đủ.

Những dấu vết bị mất 

Cũng như nguyên tắc viết tin tức, nguyên tắc của kiểm chứng đòi hỏi người đọc cần biết được thông tin đó được tạo ra vào thời gian nào? Ai tạo ra? Mục đích của họ là gì?

Với những sự kiện đã diễn ra càng lâu và lan truyền tin tức càng diễn ra trên mạng xã hội, việc lần vết các thông tin càng khó khăn và mất nhiều thời gian. Hơn nữa, không thể truy xuất metadata (các dữ liệu về việc ảnh được chụp ở đâu, chụp khi nào, chụp bằng thiết bị gì) của các hình ảnh được đăng trên mạng xã hội. Việc này càng dễ để các tài khoản tung tin giả “ném đá giấu tay”.

Quan trọng hơn, bản thân chính các video gốc livestream mà người dân Đồng Tâm đăng lên mạng hoặc những video và tường thuật tại hiện trường cũng không còn nữa. Tài khoản Facebook của ông Lê Đình Công và Trịnh Bá Phương đã bị khóa. Facebook của nhiều cá nhân phân tích về vụ việc cũng không thể truy cập được. Sau vụ việc Đồng Tâm, nhà nước hết sức tích cực trong việc tìm cách gỡ bỏ các thông tin đứng về phía Đồng Tâm, cho rằng đó là những video “kích động bạo lực”. Những hình ảnh gốc đó rất quan trọng, khi việc điều tra về sự thật đằng sau cuộc cưỡng chế ở Đồng Tâm đang hoàn toàn phụ thuộc vào cộng đồng – những nhà báo công dân.

Công việc của nhà báo công dân vì thế không chỉ là phân tích, đưa tin mà còn là lưu giữ và bảo vệ những tài liệu đó ở dạng nguyên gốc. Việc này là tối quan trọng, nhất là trong bối cảnh những nhà báo với đầy đủ tính chính danh đang đồng loạt đưa tin theo hướng kết tội người dân Đồng Tâm.

Bạn có biết...

... Luật Khoa là một tạp chí độc lập và phi lợi nhuận. Với mong muốn mang lại trải nghiệm đọc báo tốt nhất cho bạn đọc, chúng tôi không đặt quảng cáo và do đó không có doanh thu. Luật Khoa chi trả mọi chi phí bằng các khoản đóng góp của bạn đọc.

Mỗi ngày, các phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên của Luật Khoa đều tận tâm với từng con chữ và từng mối quan tâm của bạn đọc, nhằm mang lại cho bạn đọc cái nhìn mới mẻ và đa chiều về những vấn đề pháp luật, chính trị.

Nếu tất cả bạn đọc đều đóng góp cho Luật Khoa, dù là 20 nghìn đồng, tờ báo độc lập và khai phóng này của chúng ta sẽ hoạt động hiệu quả và bền vững hơn rất nhiều. Mỗi đồng bạn đóng góp đều giúp cho Việt Nam của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn, và bạn chỉ mất một phút để trở thành nhà tài trợ của Luật Khoa. Xin cảm ơn.





Chung tay với Luật Khoa

Chung tay với Luật Khoa theo đuổi báo chí độc lập và truyền bá tri thức.


Bài đọc nhiều