Connect with us

Quan điểm

Hạ màn hay chưa tấn kịch của Tổng thống Trump?

“Với những gì chúng ta biết về Trump, vị đương kim tổng thống hẳn sẽ sống chết để cố vị trên ngai vàng”, Judith Butler viết.

Published

on

Ảnh: Getty Images.

Hoàng Uyên dịch từ bài viết của Judith Butler, đăng trên The Guardian ngày 5/11/2020.


Chắc chắn Donald Trump sẽ không nói lời chia tay với Nhà Trắng trong êm đẹp. Câu hỏi chung của rất nhiều người lúc này chỉ có một, trong lúc thoái vị, liệu Trump còn có thể trở nên nguy hiểm đến đâu? Tôi biết từ “thoái vị” thường dành riêng cho vua, hoặc những tên bạo chúa; nhưng chúng ta đang trong  diễn biến của màn kịch đó, chưa kể ở đây vị hoàng đế bỗng chốc thành gã hề, và kẻ nắm quyền lại là một đứa trẻ bị bỏ mặc  trong cơn vùng vằng hờn dỗimà tuyệt không thấy bóng dáng một người lớn nào.

Với những gì chúng ta biết về Trump, vị đương kim tổng thống hẳn sẽ sống chết để cố vị trên ngai vàng, để tránh tình cảnh thê thảm nhất trong đời người – trở thành kẻ thua cuộc. TT Trump đã đánh tiếng rất rõ ràng rằng ông sẵn sàng thao túng và phá nát hệ thống bầu cử nếu ông cần phải làm thế. Tuy nhiên chưa ai rõ liệu Trump có làm được đúng những gì ông nói, hay vài lời đe dọa sáo rỗng chỉ càng nói lên sự bất lực.

Xét về phương diện trình diễn, việc Trump đe dọa dừng kiểm phiếu hay gào thét đòi vô hiệu hóa phiếu bầu là vô cùng mãn nhãn cho những người ủng hộ ông. Nhưng nếu coi đây là một chiến lược pháp lý, được cố vấn bởi đội ngũ luật sư có cả những người đang làm việc cho chính phủ, thì nền dân chủ này đang tiềm tàng một mối nguy.

Trong suốt nhiệm kỳ của Trump, rất nhiều lần chúng ta phải tự hỏi liệu ngài tổng thống đang lừa phỉnh hay âm mưu điều gì, có đang đóng kịch hay đã gây họa thành công mà ta không hay biết. Diễn tròn vai một người dám phá hoại nền dân chủ để duy trì quyền lực là một chuyện; biến điều đó thành hiện thực, khởi xướng những hoạt động tố tụng có thể phá hủy các chuẩn mực (norms) trong bầu cử và các luật đảm bảo quyền bầu cử, đánh thẳng vào khuôn khổ của nền dân chủ Mỹ, là một chuyện hoàn toàn khác.

Khi người Mỹ đứng trước thùng phiếu, chúng ta không bầu cho Joe Biden/ Kamala Harris (những người với đường lối trung lập đã chối bỏ kế hoạch y tế và tài chính cấp tiến nhất của Bernie Sanders và Elizabeth Warrens). Chúng ta đi bầu với hy vọng còn được tiếp tục đi bầu, bầu cho hiện tại và tương lai của một thể chế dân chủ được xây dựng trên nguyên tắc phổ thông đầu phiếu.

Nếu chưa từng vào tù ra tội, hẳn bạn đã quá quen với việc bầu cử chính trị như một phần cốt lõi của Hiến pháp; việc đi bầu là hành động xác định và thiết lập quan điểm chính trị của mỗi cá nhân. Với những ai chưa từng bị tước quyền công dân, sẽ rất khó để hình dung được cuộc sống của họ phụ thuộc vào một niềm tin cơ bản nơi hệ thống pháp lý đến mức nào.

Nhưng việc pháp luật bảo vệ quyền và hướng dẫn chúng ta hoàn thành nghĩa vụ của mình giờ cũng đã thành thứ để mà tranh tụng. Không có quy phạm pháp luật nào mà Trump không dám lôi ra để kiện. Luật pháp không phải để tôn trọng hay tuân theo, mà là một mỏ vàng cho các vụ kiện tụng. Tranh tụng dường như trở thành quyền lực hữu dụng nhất của luật pháp, tất cả các quy định khác, bao gồm cả quyền hiến định, giờ đây đều có thể đem ra thương lượng nơi tòa án.

Tuy rằng nhiều người đổ  cho Trump đã đem một mô hình kinh doanh vào mà vận hành chính phủ, bất chấp đánh đổi mọi thứ để đạt được lợi ích, cũng cần nhìn lại một sự thật rằng: ngay từ đầu, rất nhiều phi vụ làm ăn của Trump đã phải hầu tòa (đến năm 2016, ông dính líu tổng cộng 3500 vụ kiện).

Trump coi tòa án là nơi giúp ép mọi thứ theo ý ông. Khi đến các luật cơ bản nhất về bầu cử cũng bị đem ra tố tụng, tức là mọi biện pháp bảo vệ quyền bầu cử hợp pháp đã bị Trump coi là gian lận, bị đánh đồng là công cụ trục lợi cho bất kỳ ai chống lại ông; thì không còn bộ luật nào có thể ngăn chính tòa án phá bỏ các chuẩn mực dân chủ.

Khi Trump yêu cầu ngừng kiểm phiếu (cũng như lúc ông yêu cầu ngừng xét nghiệm Covid), nghĩa là ông ta đang nỗ lực ngăn chặn thực tế không thể tránh khỏi, giành giật quyền quyết định cái gì là đúng hay sai. Theo ông, lý do duy nhất khiến đại dịch ở Mỹ tệ đến vậy là vì Mỹ xét nghiệm nhiều và cho ra con số thực. Nếu không thể đánh giá tình hình đang tệ đến mức nào, thì hẳn là mọi chuyện đều tốt đẹp!

Sáng sớm ngày 3 tháng 11, Trump kêu gọi ngừng kiểm phiếu ở các bang quan trọng mà ông lo kết quả sẽ không có lợi. Nếu tiếp tục đếm phiếu, Biden có thể thắng. Để tránh kết cục này, ông đòi chấm dứt việc kiểm phiếu, mặc cho điều đó đồng nghĩa với công dân Mỹ bị tước quyền bầu cử. Ở Mỹ, việc kiểm phiếu luôn tốn thời gian, điều này không có gì là mới. Vậy sao phải vội?

Nếu bây giờ ngừng đếm phiếu mà Trump nắm chắc phần thắng, thì ta còn có thể hiểu được vì sao ông muốn ngưng. Nhưng hiện tại ông đâu có dẫn trước số đại cử tri, tại sao lại nhất quyết đòi dừng? Bởi vì khi một mặt đòi chấm dứt kiểm phiếu, mặt khác lại đâm đơn cáo buộc gian lận (dù không có bất kỳ bằng chứng nào), Trump đã có thể gieo mầm mống ngờ vực vào hệ thống bầu cử, đủ lớn để việc này phải đến tay Tòa án tối cao, một Tòa án do chính tay ông  “chọn lọc”, đầy rẫy những người mà ông tin sẽ ủng hộ mình tiếp tục cầm quyền. Chính Tòa án tối cao, cùng với phó tổng thống, sẽ trở thành thế lực chuyên chế chấm dứt bầu cử dân chủ. Mấu chốt nằm ở chỗ, dù cho những quyền lực đó có thật sự về phe Donald Trump, không có gì đảm bảo rằng Hiến pháp sẽ bị phá vỡ chỉ với lòng trung thành mù quáng của một số người.

Nhiều người vẫn thấy shock khi nhận ra rằng TT Trump sẵn sàng đi đến nước này, nhưng thực tế thì đây là cách làm của ông từ những ngày đầu dấn thân vào chính trị. Chúng ta chỉ đang sợ hãi khi nhận ra thể chế pháp luật làm nền tảng và định hướng cho nền dân chủ nước Mỹ mong manh đến nhường nào. Nhưng “đặc sản” của chính quyền Trump vốn là việc người đứng đầu chính phủ – tuyên bố mình đại diện cho an ninh và trật tự của đất nước lại liên tục dè bỉu luật pháp Mỹ. Nghe thì mâu thuẫn, nhưng sẽ không có gì là lạ nếu ta hiểu rằng ngài tổng thống muốn có toàn quyển kiểm soát luật pháp. Trump chính là ví dụ thời hiện đại của một kẻ tự luyến, cùng với sức mạnh của truyền thông đã tạo nên một hình thái chuyên chế chết người. Trump với tư cách người đại diện pháp luật lại tự cho mình là luật, có quyền làm luật và phá luật tùy thích. Kết quả là tổng thống Mỹ trở thành tên tội phạm quyền lực nhân danh luật pháp. 

Nhiều học giả đã công nhận chế độ phát xít và độc tài là muôn hình vạn trạng, cho nên tôi bất đồng với quan điểm rằng phải theo chủ nghĩa Quốc xã thì mới là phát xít. Mặc dù Trump không phải Hitler, và chính trị bầu cử không phải chiến tranh quân sự (thậm chí chưa tới mức được gọi là nội chiến), ngày thoái vị của tên bạo chúa cận kề cũng là lúc ta càng cảm nhận được những mất mát không thể tránh khỏi.

Vào tháng 3 năm 1945, khi quân Đồng minh và Hồng quân đã tiêu diệt mọi thành trì phòng thủ của Đức Quốc xã, Hitler quyết định đập phá chính đất nước của mình: ra lệnh phá hủy hệ thống giao thông, liên lạc, các khu công nghiệp và tiện ích công cộng. Hitler muốn cái chết của mình phải là dấu chấm hết cho nước Đức. Công văn của Hitler được gọi là “Các biện pháp phá  hủy lãnh thổ Đế chế”, được biết đến rộng rãi hơn với tên gọi “Sắc lệnh Nero”, ám chỉ vị hoàng đế La Mã đã giết gia đình và bạn bè, trừng phạt tàn nhẫn những người ông cho là bất trung, với mong muốn duy trì quyền lực. Khi những người ủng hộ ông cũng lần lượt bỏ trốn, Nero tự kết liễu đời mình. Những lời được cho là cuối cùng của ông: “người nghệ sĩ trong tôi đã chết!”

Trump không phải là Hitler hay Nero, nhưng ông là một nghệ sĩ tồi với những màn trình diễn thảm hại được tung hê bởi những kẻ hâm mộ. Trump thu phục được gần nửa số dân Mỹ bởi những gì ông làm là tiền đề cho sự tàn ác, cho phép họ đứng ngoài vòng phán xét của luân thường đạo lý mà tận hưởng những khoái cảm bạo lực.

Rất may TT Trump vẫn chưa hoàn thành công cuộc ác hóa nước Mỹ. Không chỉ vì hơn một nửa đất nước chối bỏ mạnh mẽ chính quyền Trump, mà vì chính quyền này vốn sống phụ thuộc vào việc vẽ nên một hình ảnh nhơ nhuốc của phe cánh tả: giáo điều, áp đặt và phán xét, đàn áp và sẵn sàng tước đoạt những niềm vui bình dị và sự tự do của dân chúng.

Bằng cách gán ghép những nỗi ê chề cho phe đối lập, chính sự miễn trừ khỏi ô nhục là thứ giữ chân người ủng hộ lại với chính quyền Trump: bọn cánh tả sẽ lắc đầu khi thấy bộ sưu tập súng của mày, chỉ trích mày vì là một gã phân biệt chủng tộc, ngăn cấm mày xâm hại tình dục, chê bai cái tư tưởng bài ngoại của mày!

Với Trump, những người ủng hộ ông sung sướng tin rằng họ không có gì phải xấu hổ, rằng cuối cùng họ cũng thoát khỏi sự kiểm soát hành vi của phe cánh tả. Trump đã cho họ cái gật đầu họ cần để phá hủy môi trường, gỡ bỏ các hợp tác quốc tế, phun ra mọi lời kỳ thị chủng tộc và công khai ủng hộ những hình thức kỳ thị phụ nữ (misogyny) dai dẳng. Xuyên suốt chiến dịch của mình, Trump kích động đám đông với bạo lực phân biệt chủng tộc, ông còn hứa sẽ bảo vệ họ khỏi những mối đe dọa đến từ chế độ cộng sản (Biden?). Cộng sản sẽ lấy tiền và thức ăn của họ để phân phối lại, thậm chí sẽ đưa một phụ nữ da đen “quái dị” và cấp tiến lên làm tổng thống (Harris?)

Tuy vậy, dù vị tổng thống hết thời tuyên bố mình thắng cử, chúng ta đều biết rằng ông đã không thắng trận chiến này, ít nhất là chưa phải bây giờ. Ngay cả Fox News cũng không công nhận những lời nhận vơ của ông, thậm chí phó tổng thống Pence cũng nói rằng mọi phiếu bầu phải được đếm. Vị bạo chúa quay cuồng gào lên đòi chấm dứt xét nghiệm, kiểm phiếu, bác bỏ khoa học và thậm chí cả luật bầu cử, chấm dứt tất cả những biện pháp phiền phức nhằm xác minh điều gì là đúng, điều gì không, để ông một lần nữa nắm quyền đổi trắng thay đen. Nếu Trump thua, ông muốn  cả nền dân chủ cùng sụp đổ theo mình. 

Nhưng rồi sẽ đến lúc ngài tổng thống tuyên bố ông là người đắc cử và đáp lại chỉ có những tiếng cười trừ, vài cái vỗ vai thương cảm từ những người bằng hữu trước khi họ bỏ ông mà đi; đó là lúc Trump một mình  với những ảo tưởng về bản thân như  một kẻ hủy diệt hùng mạnh. Ông có thể kiện cáo tùy thích, nhưng khi đội ngũ luật sư tán loạn lên, và tòa án, mệt mỏi, không còn lắng nghe nữa; Trump sẽ nhận ra ông chỉ là bá chủ của một ốc đảo mang tên mình, như một show truyền hình thực tế. Rồi sẽ đến lúc chúng ta nhớ về vị tổng thống đe dọa phá hoại nền dân chủ, trở thành mối đe dọa lớn nhất của nền dân chủ ấy, như nhớ về một vai diễn lỗi thời. Sắp rồi cái lúc chúng ta được nghỉ ngơi chút đỉnh, thoát khỏi những nỗi lo tưởng chừng đằng đẵng không hồi kết này. Tiến lên, Joe Ngủ Gật! 


Judith Butler là giáo sư Maxine Elliot tại khoa văn học so sánh và chương trình lý luận phê bình tại Đại học California, Berkeley. Bà được xem là triết gia hàng đầu trong làn sóng nữ quyền luận thứ ba (third-wave feminism), với tư tưởng ảnh hưởng sâu rộng đến triết lý chính trị và đạo đức. Cuốn sách mới nhất của bà có tên The Force of Nonviolence (Verso).

Bạn có biết...

... Luật Khoa là một tạp chí độc lập và phi lợi nhuận. Với mong muốn mang lại trải nghiệm đọc báo tốt nhất cho bạn đọc, chúng tôi không đặt quảng cáo và do đó không có doanh thu. Luật Khoa chi trả mọi chi phí bằng các khoản đóng góp của bạn đọc.

Mỗi ngày, các phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên của Luật Khoa đều tận tâm với từng con chữ và từng mối quan tâm của bạn đọc, nhằm mang lại cho bạn đọc cái nhìn mới mẻ và đa chiều về những vấn đề pháp luật, chính trị.

Nếu tất cả bạn đọc đều đóng góp cho Luật Khoa, dù là 20 nghìn đồng, tờ báo độc lập và khai phóng này của chúng ta sẽ hoạt động hiệu quả và bền vững hơn rất nhiều. Mỗi đồng bạn đóng góp đều giúp cho Việt Nam của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn, và bạn chỉ mất một phút để trở thành nhà tài trợ của Luật Khoa. Xin cảm ơn.

Donate


Đóng góp

Chung tay với Luật Khoa theo đuổi báo chí độc lập và truyền bá tri thức.

Bài đọc nhiều