Quốc gia đáng sống
Làm thế nào để xây dựng một quốc gia
Để thành công, căn tính quốc gia phải được kiến tạo từ bên trong.
Luật Khoa xin giới thiệu một chuỗi bài về kiến quốc, hay xây dựng quốc gia. Trong các tài liệu nước ngoài, khái niệm xây dựng quốc gia (nation building/ state building) nhiều khi được hiểu là quá trình áp đặt từ bên ngoài vào. Chuỗi bài này sẽ tập trung vào nỗ lực của người dân kiến tạo nên quốc gia của chính mình.
***
Dịch từ bài viết “How to build a nation” , được đăng trên tạp chí The Harvard Gazette của Đại học Harvard ngày 10/12/2012.
Việc xây dựng một quốc gia mới chỉ có thể được thực hiện từ bên trong, theo Francis Fukuyama, một trong những học giả chính trị hàng đầu của Mỹ. Ông nói rằng, đây là một thực tế giúp giải thích những thất bại đẫm máu mà Hoa Kỳ đã gặp phải trong nỗ lực thành lập các chính phủ dân chủ mới ở Iraq và Afghanistan.
Giáo sư Francis Fukuyama đã trở nên nổi tiếng vào năm 1992 với việc dự báo về “một sự cáo chung của lịch sử”, với lý do các nền dân chủ tự do và kinh tế thị trường tự do đều báo trước sự kết thúc của quá trình tiến hóa chính thể. Ông cho rằng các thế lực bên ngoài có thể tạo dựng bộ máy nhà nước ở một quốc gia rối ren, như thiết lập lực lượng cảnh sát, hệ thống cơ quan hành chính, và cơ quan thu thuế. Nhưng để xây dựng một quốc gia thì không chỉ dừng lại ở đó, mà còn cần cả cảm quan chung về một bản sắc được xây dựng dựa trên các yếu tố gắn kết mọi người dân với nhau – chẳng hạn như văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử chung – vốn là những điều không thể bị áp đặt từ bên ngoài.
Fukuyama đưa ra một cái nhìn tổng quan rằng các quốc gia lớn, đa dạng thì khó kiến tạo căn tính quốc gia hơn. Nigeria là một ví dụ, khi quốc gia này chỉ dành ra rất ít nỗ lực trong việc kiến thiết quốc gia, từ đó dẫn đến tình trạng rối ren và bạo lực giữa các phe nhóm; trong khi đó, Hoa Kỳ là ví dụ về một quốc gia đa dạng, nơi mọi người có một cảm nhận chung về căn tính quốc gia không phải vì cùng chia sẻ một màu da hay một lịch sử văn hóa lâu đời, mà là vì họ chia sẻ những lý tưởng chung.
Fukuyama đã diễn giải một số cách thức mà qua đó căn tính quốc gia hình thành, bao gồm việc dịch chuyển biên giới, thay đổi cơ cấu dân số, và đồng hóa người dân về mặt văn hóa.
Ông lấy ví dụ về sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết và sự xuất hiện của Liên bang Nga để giải thích quá trình dịch chuyển biên giới nhằm tạo nên một căn tính quốc gia. Ý tưởng tạo ra một “Con người Xô Viết” từng được các nhà lãnh đạo của Liên Xô nuôi dưỡng nhưng không bao giờ thực sự thành công. Trong các cuộc thảo luận về nước Nga thời hậu Xô Viết, ý tưởng gây được tiếng vang nhất là tầm nhìn về một “nước Nga nhỏ”, trong đó người Nga chỉ tập trung vào nước mình và ngừng tiêu pha nhân lực cũng như tiền của ở những nơi khác.
Việc thay đổi cơ cấu dân số cũng là một con đường hình thành căn tính quốc gia, mà đôi khi lại thông qua những cách thức vô nhân đạo. Các chiến dịch thanh trừng sắc tộc đánh dấu cuộc giao tranh ở vùng Balkan trong những năm 1990 là một ví dụ, cũng như sự bành trướng của người Hán – từ vùng đất ban đầu của họ là ở miền Bắc Trung Quốc – đến sự thống trị của họ trên toàn lãnh thổ Trung Quốc như hiện nay. Fukuyama cũng cho biết, sự xáo trộn dân số sau Thế Chiến II là một yếu tố quan trọng trong sự ổn định của châu Âu ngày nay.
Các nền văn hóa riêng rẽ nằm trên 11.000 hòn đảo của Indonesia và nhiều nhóm bộ lạc của Tanzania đã bị các chính phủ độc tài đồng hóa, nhằm nhào nặn tất cả thành một căn tính quốc gia chung. Một ngôn ngữ chung bắt buộc phải được giảng dạy trong tất cả các trường học tại đây, vốn cũng là một yếu tố quan trọng trong việc kiến tạo căn tính quốc gia. Fukuyama đã so sánh các quốc gia trên với Nigeria và Kenya, nơi các nỗ lực kiến thiết quốc gia không được tiến hành một cách quyết liệt, cho nên sự xung đột giữa các bộ lạc ở các quốc gia này là một vấn đề còn nan giải.
Cũng theo Fukuyama, một yếu tố lớn khác tác động đến việc kiến tạo căn tính quốc gia là “chứng lãng quên lịch sử” (“historical amnesia”). Ông trích dẫn nhà lý luận chính trị Machiavelli khi cho rằng nhiều quốc gia ổn định ngày nay có nguồn gốc từ một “tội ác trong quá khứ” (“original crime”) hay một sự kiện bạo lực, chẳng hạn như cuộc nội chiến Thụy Sỹ, sự chia tách giữa Ấn Độ và Pakistan, hoặc sự đàn áp người da đỏ bản địa ở Hoa Kỳ. Ở Đan Mạch, ông cho biết, chính tội ác của nhà lãnh đạo Đức Otto von Bismarck – khi dùng vũ lực để chiếm các tỉnh nói tiếng Đức từ Đan Mạch vào năm 1864 – đã để lại một quốc gia chỉ còn nói tiếng Đan Mạch, nơi quá trình kiến tạo căn tính quốc gia giữa những người có cùng một ngôn ngữ và văn hóa tương đối dễ dàng.
“Ông ấy [Machiavelli] nói rằng tất cả các thiết chế đúng đắn đều bắt nguồn từ một tội ác trong quá khứ… Tôi nghĩ điều này đúng hơn nhiều so với những gì chúng ta muốn thừa nhận”, Fukuyama nói. “Tuy điều đó không có nghĩa rằng các nền dân chủ tự do thì… không tốt đẹp như tên gọi của họ, nhưng nó cũng không cho phép chúng ta quên rằng, tất cả đều đã từng nảy mầm từ một tội ác trong quá khứ”.