Tin Luật Khoa
Thư tháng 12: Tại sao Luật Khoa muốn hoạt động nhờ các khoản đóng góp nhỏ hàng tháng của bạn
Luật Khoa chọn bạn – độc giả – làm nhà tài trợ chính, nhà tài trợ chiến lược.
Tháng qua, Luật Khoa đã mở một chiến dịch gây quỹ cộng đồng qua Facebook và nhận được xấp xỉ 5.000 USD của bạn đọc gần xa, vượt quá mục tiêu 3.000 USD. Số tiền này chưa tính khoản đối ứng mà Facebook sẽ cộng thêm cho Luật Khoa vào tháng Một tới.
Bên cạnh đó, Luật Khoa cũng ra mắt một công cụ đóng góp mới mà bạn sẽ thấy mỗi lần đọc bài trực tiếp trên website Luật Khoa. Bạn cũng có thể truy cập vào trang quyên góp này tại đây. Kể từ khi ra mắt ngày 3/11, tức là mới hơn một tháng, bạn đọc đã đóng góp hơn 1.700 USD, trong đó có 33 khoản đóng góp hàng tháng với số tiền 198 USD, còn lại là các khoản đóng góp một lần. Với các bạn đã đóng góp qua Paypal, chúng tôi vẫn duy trì kênh này.
Luật Khoa rất cảm kích với tấm lòng của các bạn. Chúng tôi đã đọc hết những tin nhắn các bạn gửi qua các kênh khác nhau và thực sự thấy được tiếp thêm một động lực lớn lao để tiếp tục con đường xây dựng tờ báo này, góp phần tạo ra một nền báo chí độc lập và chất lượng cho Việt Nam.
Qua đây, chúng tôi cũng xin chia sẻ một định hướng phát triển mới mà Luật Khoa muốn đẩy mạnh kể từ nay, khi Luật Khoa bước sang tuổi thứ bảy: Chuyển đổi dần dần sang mô hình tài chính dựa chủ yếu trên các khoản đóng góp nhỏ hàng tháng của độc giả.
Lâu nay, bên cạnh các khoản tài trợ từ một số quỹ hỗ trợ phát triển báo chí, Luật Khoa vẫn tiếp nhận các khoản đóng góp một lần lẫn hàng tháng của độc giả qua công cụ Paypal, tài khoản ngân hàng lẫn tiền mặt giao trực tiếp. Tuy vậy, chúng tôi không tiến hành việc này một cách bài bản và thường xuyên, cũng như chưa có một chiến lược rõ ràng.
Nay, với việc có được một nhóm nhân sự ổn định, cũng như đã thử nghiệm các phương án gây quỹ khác nhau, Luật Khoa quyết định chọn phương án độc giả thành viên (membership) làm phương cách gây quỹ chiến lược.
Phương án này nằm gọn ở mấy chữ: phần lớn ngân sách dựa vào các khoản đóng góp nhỏ hàng tháng của độc giả.
Nói cách khác, Luật Khoa chọn độc giả làm nhà tài trợ chính, nhà tài trợ chiến lược.
Tại sao lại dựa vào đóng góp của độc giả mà không phải là các quỹ hay các nhà tài trợ lớn?
Mô hình hoạt động của các tổ chức phi chính phủ (NGO) truyền thống là dựa vào ba nguồn tài trợ lớn: quỹ tư nhân, quỹ chính phủ và các doanh nghiệp lớn. Luật Khoa cũng vậy. Nhưng sẽ thế nào nếu một nguồn tài trợ lớn đột ngột biến mất? Tính bền vững của một tổ chức sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một điều nữa là khi sống dựa hoàn toàn vào các nhà tài trợ lớn, về tâm lý, sớm hay muộn thì một tờ báo sẽ quên mất hoặc không nhớ rõ mình đang phục vụ ai. Sẽ có những ngoại lệ với một số tổ chức báo chí, nhưng về cơ chế vận hành mà nói, nếu không có những nỗ lực đặc biệt thì khó mà tránh được xu hướng xa rời nhu cầu của độc giả, vì đơn giản độc giả không phải người trả tiền và không phải là người thẩm định hiệu quả công việc.
Luật Khoa, cho dù vẫn là một tổ chức phi lợi nhuận, muốn xây dựng một văn hóa tổ chức coi việc phục vụ độc giả là nguyên tắc hoạt động cốt lõi. Khi phần lớn ngân sách hoạt động của Luật Khoa đến từ chính những độc giả mà Luật Khoa phục vụ, thì tất cả các phóng viên, biên tập viên đều luôn có ý thức làm sao viết về những vấn đề pháp luật và chính trị mà độc giả quan tâm nhất với chất lượng cao nhất.
Khi sống dựa hoàn toàn vào các nhà tài trợ lớn, về tâm lý, sớm hay muộn thì một tờ báo sẽ quên mất hoặc không nhớ rõ mình đang phục vụ ai.
Độc giả sẽ là người thẩm định hiệu quả công việc của Luật Khoa bằng hành vi trả tiền/ đóng góp. Việc gắn hoạt động sản xuất nội dung với phản ứng của thị trường hứa hẹn tạo ra một tổ chức hiệu quả hơn nhiều so với mô hình tổ chức NGO truyền thống. (Đúng vậy, Luật Khoa muốn vận hành như một doanh nghiệp, mặc dù vẫn là một tổ chức phi lợi nhuận.)
Nói như vậy không có nghĩa là Luật Khoa sẽ viết những gì độc giả muốn nghe bất chấp các nguyên tắc nghề nghiệp. Chúng tôi vẫn giữ nguyên tắc “làm báo độc lập, không sợ ai, không nịnh ai”. Khi bạn đóng góp cho Luật Khoa, hãy lưu ý là một ngày nào đó, rất có thể bạn sẽ đọc được một bài viết rất khác với niềm tin thông thường của bạn. Chúng tôi tin rằng đó là điều tốt nhất chúng tôi có thể mang lại cho độc giả.
Tại sao lại là “đóng góp” mà không phải là trả phí đọc báo?
Thường các tòa báo phải bán báo in hoặc thu phí đọc báo điện tử thì mới có tiền hoạt động. Dựng paywall là cách các báo điện tử nước ngoài đang làm. Luật Khoa không chọn con đường bắt buộc độc giả mua báo vì đặt mục tiêu truyền bá thông tin/ kiến thức lên trên hết, và vì vậy cần phải lưu hành nội dung miễn phí.
Nhiều tòa báo đạt được cả hai mục tiêu truyền bá thông tin/ kiến thức lẫn mục tiêu tài chính bằng cách thu phí đọc báo, và việc thu phí giúp họ mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao chất lượng nội dung, tiếp cận được nhiều độc giả hơn. Nhưng đó không phải là phương án tối ưu trong hoàn cảnh riêng của Luật Khoa hiện nay. Chúng tôi nhận thấy mô hình độc giả đóng góp tự nguyện như tờ The Guardian (Anh) và The Conversation (Úc) là phù hợp hơn cả.
“Nhỏ” là thế nào và tại sao lại là “nhỏ”?
“Nhỏ” là một khái niệm tương đối. 50 nghìn đồng (khoảng hơn 2 USD) với một người có thể là nhỏ, với người khác đã là to. 500 nghìn đồng (khoảng 22 USD) với một người có thể là to, nhưng với người khác chỉ là một phần rất nhỏ thu nhập mỗi tháng.
Với đối tượng độc giả của Luật Khoa, chúng tôi cho rằng nhỏ nghĩa là dưới 10 USD mỗi tháng, và chúng tôi đề xuất mức 2 USD/tháng, tương đương khoảng 45 nghìn đồng.
45 nghìn đồng tức là một ly cà phê ở Hà Nội hay Sài Gòn, hoặc một cuốn sách mỏng/ cũ.
Thường để viết được một bài cho Luật Khoa, tác giả phải uống vài ly cà phê và đọc ít nhất một cuốn sách, không thì cũng phải là hàng chục bài báo. Không có sách thì không có Luật Khoa đã đành, không có cà phê cũng chưa chắc đã có Luật Khoa. Các tác giả cần cà phê, cần sách và cần trang trải chi phí sinh hoạt để yên tâm viết lách.
Luật Khoa không những trả nhuận bút/ lương cho các tác giả, mà còn trả ở mức cao so với mặt bằng chung của báo chí Việt Nam. Lý do rất đơn giản: Chúng tôi muốn trân trọng chữ nghĩa, và chỉ có cách trân trọng chữ nghĩa mới có những sản phẩm báo chí hay.
Tại sao lại là “hàng tháng”?
Thay vì bạn đóng góp 24 USD mỗi năm, chúng tôi đề xuất bạn đóng góp 2 USD mỗi tháng (thanh toán tự động hàng tháng qua thẻ Visa/Master hoặc Paypal). Lý do vì 24 USD/năm là một khoản lớn với hầu hết mọi người nếu đóng góp vào một thời điểm, nhưng chia ra mỗi tháng thì lại trở thành một khoản nhỏ. Xin chia sẻ rất thành thực là từ góc độ gây quỹ, chúng tôi không muốn bạn dừng đóng góp khi thấy tài khoản đột nhiên bị trừ đi một khoản lớn.
Nhưng không chỉ có thế. Chúng tôi muốn bạn cảm thấy như đang mua báo đọc mỗi tháng. Khi nào tờ Luật Khoa này còn xứng đáng để bạn mua thì bạn tiếp tục đóng góp, nếu không, bạn có 12 cơ hội mỗi năm để dừng mua báo.
Việc mỗi tháng bạn quyết định tiếp tục bỏ ra một khoản tiền mua báo cho chúng tôi biết rằng bạn vẫn còn đủ tín nhiệm với Luật Khoa, và đó là chỉ số đặc biệt quan trọng giúp chúng tôi đánh giá chất lượng sản phẩm của mình. Chúng tôi muốn biết thị trường phản ứng ra sao với sản phẩm của mình và từ đó xem xét lại sản phẩm.
Dĩ nhiên, nếu có khả năng, bạn vẫn có thể đóng góp theo năm. Chúng tôi rất hoan nghênh. Với nhiều độc giả, đây có lẽ là cách tiện hơn cả vì mỗi năm chỉ phải bận tâm tới chuyện đóng góp một lần. Và Luật Khoa vẫn tiếp nhận các khoản đóng góp một lần và tiến hành các chiến dịch gây quỹ ngắn ngày như vừa làm trên Facebook. Chúng tôi trân trọng mọi khoản đóng góp và xây dựng những phương án tiếp nhận đóng góp khác nhau sao cho tiện lợi nhất cho các bạn.
Tại sao Luật Khoa không đặt quảng cáo?
Chúng tôi, cũng như bạn, luôn khó chịu với các biển quảng cáo tràn ngập trong mỗi bài báo. Đó là một lý do.
Lý do nữa là chúng tôi không muốn phụ thuộc vào các doanh nghiệp quảng cáo. Sự phụ thuộc đó rất nhiều khi ảnh hưởng đến tính độc lập của một tòa báo.
Luật Khoa chọn bạn làm nhà tài trợ chính, nhà tài trợ chiến lược. Xin cảm ơn bạn vì đã kiên nhẫn đọc hết bài viết dài dòng này. Rất có thể bạn đã đóng góp cho Luật Khoa rồi. Nếu chưa, hãy cân nhắc đóng góp 2 USD mỗi tháng ngay từ hôm nay. Bấm vào đây để tới trang đóng góp!
Trịnh Hữu Long – Tổng biên tập