Connect with us

Tôn giáo

Tôn giáo tháng 11/2020: Tổng giáo phận Sài Gòn kiện chính quyền TP. Hồ Chí Minh

Chính quyền thành phố bị kiện vì mượn trường của nhà thờ mà không trả, cùng các tin tức khác.

Published

on

Một buổi vận động người dân không theo các tôn giáo mới. Ảnh: VOV.

Bạn đang đọc Bản tin Tôn giáo tháng 11/2020.

Mục Tôn giáo 360 độ gồm các tin tức đáng chú ý: Ủy ban Nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh vừa bị Tổng giáo phận Sài Gòn kiện, Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) chưa tổ chức được đại hội vì Ban Tôn giáo Chính phủ muốn xem danh sách ứng cử, truyền thông nhà nước gián tiếp xác nhận việc hạn chế truyền đạo ở một số khu vực thuộc tỉnh Điện Biên.

Mục Ngày này năm xưa nhắc lại chuyện Giám mục giáo phận Kon Tum Hoàng Đức Oanh liên tục bị cản trở khi dâng lễ tại nhà giáo dân. Mục Bạn có biết sẽ giới thiệu về vụ án Hội thánh Tin Lành Chuồng bò.

Tôn giáo 360 độ

1/5

Tổng giáo phận Sài Gòn kiện UBND TP. Hồ Chí Minh, đòi lại trường Phước An – Thị Nghè

Sau hơn 40 năm giáo xứ Thị Nghè cho nhà nước mượn trường, quyền sử dụng trường Tư thục Phước An – Thị Nghè nay đã thuộc về trường Tiểu học Phù Đổng. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh.

Ngày 30/11/2020, Tổng giáo phận Sài Gòn đã ủy quyền cho Linh mục Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Chính xứ giáo xứ Thị Nghè, đứng đơn kiện UBND TP. Hồ Chí Minh vì đã cấp quyền sử dụng hai cơ sở trường học của giáo hội cho một đơn vị khác.

Hồ sơ vụ kiện đã được gửi đến Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh.

Trước năm 1975, hai cơ sở trường học này là trường Tư thục Phước An – Thị Nghè do Giáo xứ Thị Nghè quản lý.

Sau năm 1975, giáo xứ đã ký biên bản bàn giao hai cơ sở trường học này cho nhà nước sử dụng làm trường học công lập.

Ngôi trường này hiện nay là trường Tiểu học Phù Đổng tại số 22B, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 19, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, vào tháng 7/2020, UBND quận Bình Thạnh thông báo đến Giáo xứ Thị Nghè là hai cơ sở này đã được UBND TP. Hồ Chí Minh cấp quyền sử dụng cho trường Tiểu học Phù Đổng từ năm 2013.

Sau khi nhận được thông báo, giáo xứ cho rằng tuy họ cho nhà nước mượn trường nhưng vẫn giữ nguyên quyền sở hữu, căn cứ vào thỏa thuận chung giữa Sở Giáo dục TP. Hồ Chí Minh và Ủy ban Liên lạc Giáo dục Công giáo Việt Nam vào năm 1975.

Qua đơn khởi kiện, giáo xứ đề nghị tòa án hủy bỏ quyết định cấp quyền sử dụng hai cơ sở trường học này cho trường Tiểu học Phù Đổng, đồng thời tái công nhận quyền sở hữu trường cho giáo xứ.

Luật Khoa sẽ tiếp tục cập nhật thông tin chi tiết về vụ kiện này.

2/5

Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) hoãn đại hội vì Ban Tôn giáo Chính phủ muốn xem danh sách ứng cử

Ảnh: Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam).

Vào ngày 25/11/2020, Tổng Liên hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) đã hoãn đại hội đồng giáo phẩm vì chưa có giấy phép từ Ban Tôn giáo Chính phủ.

Theo đó, Ban Tôn giáo Chính phủ yêu cầu hội thánh thực hiện theo Điều 34 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Theo điều luật này, hội thánh phải trình cho Ban Tôn giáo Chính phủ danh sách ứng cử viên Hội đồng Giáo phẩm. Danh sách đó phải được Ban Tôn giáo thông qua thì đại hội mới được tổ chức.

Hội thánh cho biết từ trước đến nay họ vẫn tổ chức bầu cử hội đồng giáo phẩm theo hiến chương đã được nhà nước công nhận, tức là bầu cử trước rồi trình danh sách người trúng cử sau.

Đến nay, hội thánh vẫn chưa có thông báo nào về ngày tổ chức đại hội mới.

Vụ việc này cho thấy sự kiểm soát của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (2016) lên các tổ chức tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam hoàn toàn không được nhà nước đối xử như một tổ chức dân sự. Gần đây, Ban Tôn giáo Chính phủ còn cho thấy họ muốn kiểm soát các hoạt động tôn giáo của người Việt ở nước ngoài.

3/5

Chính quyền thiết lập những khu vực hạn chế truyền đạo tại huyện Mường Nhé

Một buổi vận động người dân không theo các tôn giáo mới. Ảnh: VOV.

Xuyên suốt một năm qua, báo chí nhà nước thường xuyên đưa tin về tình hình tôn giáo ở Tây Bắc, một khu vực đồi núi hiểm trở có nhiều tộc người bản địa sinh sống.

Trong một bài báo đăng ngày 20/11/2020 trên trang của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) về hoạt động tôn giáo ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, một người dân tộc bản địa đã nói rằng: “Tôi học mục sư ở Thành phố Hồ Chí Minh nên hiểu biết tôn giáo. Điểm nhóm (sinh hoạt tôn giáo) nào có phép của nhà nước cho thì tôi mới tuyên truyền, còn không có phép nhà nước thì không tuyên truyền”.

Cũng trong bài báo này, ông Vùi Văn Nguyện, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết chính quyền đang giám sát chặt chẽ “18 điểm nhóm chưa được cấp phép hoạt động tôn giáo”. Chính quyền đã cử cán bộ, công an xuống làm việc thường xuyên với các điểm nhóm đó, trong đó có yêu cầu báo cáo lịch trình sinh hoạt và hoạt động ở từng nhóm.

Ngoài ra, các điểm nhóm tôn giáo đều phải đăng ký chương trình hoạt động hàng năm. Các hoạt động tôn giáo như lễ Giáng sinh, lễ tết… đều phải được chính quyền cấp phép.

Bài báo cho thấy chính quyền có lẽ đã thiết lập những khu vực hạn chế truyền đạo và áp dụng những biện pháp kiểm soát khắc nghiệt ở huyện Mường Nhé.

Khu vực Tây Bắc là địa bàn rất khó tiếp cận đối với các nhà hoạt động tôn giáo, một phần vì sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền, phần khác là vì cộng đồng tôn giáo nơi đây ít kết nối với các nhà hoạt động. Những thông tin về xung đột tôn giáo trong khu vực hiếm khi được phơi bày kịp thời.

4/5

Dân biểu Quốc hội Đức bảo trợ một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đang thụ án tù

Dân biểu Quốc hội Đức Martin Patzelt và tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Bùi Văn Thâm. Ảnh: WELT (trái), RFA (phải).

Vào ngày 26/11/2020, Dân biểu Quốc hội Đức Martin Patzelt thông báo ông đang bảo trợ cho một tù nhân lương tâm là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Đó là ông Bùi Văn Thâm, 33 tuổi, đang thụ án sáu năm tù giam.

Ông Thâm bị bắt vào tháng 6/2017, sau đó bị tuyên án sáu năm tù vì tội gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ. Trong vụ án này, còn có năm người khác cùng bị tuyên án, trong đó có cha, mẹ và chị gái ông Thâm. Hiện nay, cha và chị gái ông vẫn còn đang thụ án tù.

Ông Martin nói với đài RFA là sự bảo trợ này nhằm củng cố tinh thần của các tù nhân lương tâm, đồng thời, ông hy vọng họ sẽ ít bị đối xử tùy tiện hơn trong trại giam. Việc này cũng sẽ cho chính quyền Việt Nam thấy rằng việc họ giam giữ các tù nhân lương tâm đang được quốc tế theo dõi.

Vụ án của ông Thâm bắt nguồn từ việc công an ngăn cản không cho người đến nhà ông dự đám giỗ vào ngày 19/4/2017. Cảnh sát giao thông đã xử phạt hành chính, tạm giữ phương tiện của những người tham dự. Ngay sau đó, gia đình ông Thâm cùng hai tín đồ khác đã tổ chức biểu tình ngay tại đường lộ để phản đối chính quyền đàn áp tôn giáo.

Sử dụng cảnh sát giao thông để cản trở các tín đồ tôn giáo hội họp là chiến thuật quen thuộc của chính quyền. Gia đình ông Thâm là một trong những gia đình Phật giáo Hòa Hảo bị đàn áp nhất ở tỉnh An Giang. Trước vụ án này, ông Thâm và cha cũng từng thụ án tù vì tội gây rối trật tự công cộng.

5/5

Trả tự do trước thời hạn cho một tù nhân lương tâm trong vụ án Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn

Bà Đỗ Thị Hồng, người được trả tự do sớm (ảnh trái) và ông Lê Trọng Cư, một bị cáo khác trong vụ án. Ảnh: Báo Công an Nhân dân.

Ngày 21/11/2020, Tổ chức nhân quyền BPSOS cho biết một tín đồ Ân Đàn Đại đạo tên Đỗ Thị Hồng, 63 tuổi, đã được trả tự do trước ngày mãn hạn tù đến bốn năm ba tháng.

Vào năm 2013, bà Hồng bị tuyên án 13 năm tù giam về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Theo báo Tuổi Trẻ, bà Hồng bị buộc tội vì đã tham gia vào Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn, một tổ chức mà chính quyền cho rằng đã lợi dụng hoạt động tôn giáo và du lịch sinh thái để hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. Tuy nhiên, báo chí nhà nước không nói rõ vai trò của bà Hồng trong vụ án này.

Trước khi bị bắt tạm giam, ông Nguyễn Thái Bình, một trong những bị cáo trong vụ án, đã nói với đài RFA rằng Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn chỉ là một tổ chức hoạt động tôn giáo thuần túy kết hợp với kinh doanh du lịch. Ông Bình về sau đã bị tuyên án 12 năm tù giam.

Trong vụ án này, còn có 20 người khác cũng bị kết án, trong đó có một người bị tuyên án chung thân, 18 người khác bị tuyên án từ 12 đến 17 năm tù giam, và một người còn lại bị tuyên án 10 năm tù giam.


Ngày này năm xưa: Chính quyền cản trở Giám mục giáo phận Kon Tum Hoàng Đức Oanh dâng lễ tại nhà giáo dân

Giám mục Hoàng Đức Oanh khi còn là giám mục giáo phận Kontum. Ảnh: Giáo phận Kontum.

Vào tháng 11/2010, Giám mục giáo phận Kon Tum Hoàng Đức Oanh đã thuật lại câu chuyện chính quyền tỉnh Gia Lai ngăn cản ông đến dâng lễ tại nhà giáo dân.

Câu chuyện này tưởng chừng chỉ có thể xảy ra từ hàng trăm năm trước, vào lúc Công giáo bị bách hại tàn nhẫn ở Việt Nam.

Vào tháng 9/2010, Giám mục Hoàng Đức Oanh đã gửi thư đến chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, tường trình lại việc công an tỉnh sách nhiễu các giáo dân.

Theo đó, sau khi ông dâng lễ tại nhà của một người dân ở huyện Kon Chro thì công an mời chủ nhà lên làm việc liên tục trong nhiều ngày. Công an buộc người này ký biên bản về việc tụ tập người dân trái phép, và cam kết không cho mượn nhà để dâng lễ. Tại huyện K’Bang, vị giám mục nói rằng người dân sợ đến nỗi không ai dám cho mượn nhà làm lễ.

Trong thư tường trình, vị giám mục cũng xin chính quyền cho dựng một nhà thờ ở mỗi huyện để người dân có chỗ sinh hoạt.

Sau hai tháng không nhận được hồi âm về việc dựng nhà thờ, Giám mục Oanh tiếp tục lên đường làm lễ. Lần này, khi làm lễ xong ở nhà của một giáo dân tại huyện Kon Chro thì công an lại đến cảnh cáo chủ nhà. Hai nhà tiếp theo thì bị công an đến lập biên bản. Sang đến huyện K’Bang, thì cả đoàn 16 người của Giám mục Oanh bị dân quân chặn lại, chờ xin ý kiến chính quyền xã. Chờ đến tối muộn cùng ngày vẫn không thấy tin tức từ chính quyền xã, cả đoàn phải quay về.

Vào hôm sau, hai gia đình đã tổ chức thánh lễ bị mời đến ủy ban nhân dân xã làm việc. Họ bị cho là đã dâng lễ trái phép và yêu cầu ký cam kết không được tái phạm.

Tây Nguyên là một trong những khu vực kiểm soát tôn giáo khắc nghiệt nhất Việt Nam. Giám mục Oanh cho biết có những huyện ở Tây Nguyên gọi là “huyện trắng”, tức là không có tôn giáo, người nào muốn đến sinh sống, làm ăn thì phải bỏ đạo hoặc khai không có tôn giáo.


Bạn có biết: Vụ án Hội thánh Tin Lành Chuồng bò

Vào mười năm trước, ở phường 28, quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh) từng tồn tại một hội thánh Tin Lành sinh hoạt trong một căn chòi xập xệ. Căn chòi đó từng là một cái chuồng bò.

Người thành lập hội thánh này là một người thợ may, một dân oan mất đất. Chẳng những vậy, ông còn là người giúp các dân oan thưa kiện, và từng thụ án hai năm tù giam vì tội vu khống chủ tịch quận vào năm 2004.

Năm 2007, ông thành lập ra hội thánh Tin Lành tại một chuồng bò của một người bạn. Chuồng bò đó cũng chính là nơi ông cùng với người vợ liệt nửa người và con trai tá túc sau khi căn nhà của họ bị chính quyền giải tỏa.

Người đàn ông đó là Mục sư Dương Kim Khải, thuộc Hội thánh Mennonite Việt Nam. Sau khi mở hội thánh được ba năm, số tín đồ sinh hoạt thường xuyên vào khoảng 20 người. Mục sư Khải còn lập ra Hội thánh Tin Lành Chuồng bò ở tỉnh Bến Tre, trong đó có nhiều tín đồ là dân oan.

Vào năm 2010, một biến cố lớn đã khiến hội thánh này gần như phải giải tán.

Một buổi sinh hoạt tôn giáo của Hội Thánh Tin Lành Chuồng bò. Ảnh: VPEF.

Tháng 8/2010, Mục sư Khải bị bắt và bị truy tố với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Đến tháng 5/2011, ông Khải bị đưa ra xét xử cùng với sáu người khác, trong đó có bốn người cùng là tín đồ trong hội thánh của ông ở tỉnh Bến Tre.

Theo đó, ông Khải và hai người khác bị cáo buộc tham gia đảng Việt Tân. Đảng Việt Tân khi đó cũng đã xác nhận thông tin này.

Phiên tòa sơ thẩm ở tỉnh Bến Tre đã tuyên án sáu năm tù giam đối với ông Khải. Ba người khác bị tuyên án lần lượt 5 năm, bảy năm, và tám năm tù giam. Ba người còn lại bị tuyên án hai năm tù giam, cùng về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Luật sư Huỳnh Văn Đông, người bào chữa cho ông Khải và các bị cáo khác, cho rằng tất cả các bị cáo không vi phạm luật pháp Việt Nam và quốc tế.

Sau phiên tòa sơ thẩm, luật sư Đông đã bị khai trừ khỏi Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk với lý do không tôn trọng hội đồng xét xử, không đóng đoàn phí và không tham gia các phiên tòa được đoàn luật sư phân công.

Phiên tòa sơ thẩm gần như đóng kín đối với công chúng. Dân oan và các tín đồ của Hội thánh Tin Lành Chuồng bò bị công an đến nhà yêu cầu không đến phiên xét xử. An ninh được thắt chặt quanh khu vực tòa án. Phái đoàn ngoại giao của Hoa Kỳ xin tham dự phiên tòa nhưng bị từ chối.

Vào tháng 8/2011, trong phiên tòa phúc thẩm tại TP. Hồ Chí Minh, bản án của Mục sư Khải được giảm xuống còn 5 năm tù giam.

Đến tháng 8/2015, Mục sư Khải mãn hạn tù. Người vợ của ông đã qua đời trước đó ba năm. Chuồng bò ngày xưa cũng không còn, ông và con trai phải tá túc ở nhà của một mục sư khác.

Mục sư Dương Kim Khải trước và sau khi thụ án tù. Ông ra tù vào năm 2015. Ảnh: RFI (trái), Dân Luận (phải).

Bạn đọc có thể góp ý và tham gia viết về tôn giáo cùng Luật Khoa qua email: tongiao@luatkhoa.org.

Bạn có thể đóng góp cho Luật Khoa một ly cà phê hoặc một cuốn sách mỗi tháng?

Đóng góp ngay hôm nay và trở thành một phần của Luật Khoa - một tạp chí độc lập và phi lợi nhuận. Chúng tôi nói không với mọi hình thức kiểm duyệt và không đặt quảng cáo. Tìm hiểu thêm về Luật Khoa tại đây.

Đóng góp $2 mỗi tháng


Click to comment

Bình luận

Đóng góp

Chung tay với Luật Khoa theo đuổi báo chí độc lập và truyền bá tri thức.