Connect with us

Chính trị

Hồ Chí Minh – từ tượng đài chính trị đến thần thánh của những nguyện cầu – Kỳ 2

Theo Đạo Hồ Chí Minh, Việt Nam là lãnh đạo của cuộc cách mạng tâm linh của toàn nhân loại.

Published

on

Các tài liệu giáo lý của đạo Hồ Chí Minh. Ảnh: phatgiao.org.vn.
Các tài liệu giáo lý của đạo Hồ Chí Minh. Ảnh: phatgiao.org.vn.

Trong kỳ trước, chúng ta đã tìm hiểu về sự hình thành của Đạo Phật Ngọc Hồ Chí Minh (được gọi tắt là Đạo Hồ Chí Minh). Ở kỳ này, tác giả tiếp tục giới thiệu về giáo lý và những thực hành tôn giáo của Đạo Hồ Chí Minh.

Bài viết sử dụng dữ liệu từ nghiên cứu “New Religions and State’s Response To Religious Diversification in Contemporary Vietnam” của tác giả Hoàng Văn Chung, do nhà xuất bản Springer ấn hành năm 2017. Ông Chung hiện là Trưởng phòng Nghiên cứu Lý luận và Chính sách Tôn giáo của Viện Nghiên cứu Tôn giáo, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, một cơ quan thuộc chính phủ. Ông lấy bằng tiến sĩ xã hội học từ Đại học La Trobe (Úc) năm 2014, và từng là học giả của Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore).

***

Đạo Hồ Chí Minh nhắm đến một cuộc cách mạng tâm linh (spiritual revolution) để cứu rỗi dân tộc khỏi những giặc tà ngoại bang từ quá khứ đến hiện tại. Cuộc cách mạng này còn nhằm hòa hợp mối quan hệ giữa các cõi Tâm linh (Spirit realm) bao gồm: cõi Thiên (Heavenly realm), cõi Phật (Buddha realm), cõi Trần (Earth realm) và cõi Âm (Ying realm).

“Một cuộc cách mạng thiên đàng tâm linh.
Thay cũ đổi mới thực tình. Cho dân, nước hết cảnh mình làm tôi
Từ nay có thứ có ngôi. Theo lệnh luật Trời, theo lệnh tổ tông.”

Theo giáo lý của đạo này, cõi Thiên là nơi cai quản ba cõi còn lại, song hành vi, thái độ, cách cúng kiếng không đúng đắn của cõi Trần khiến cho các cõi còn lại đều nổi giận.

Đạo này cho rằng, vì những thành tựu, tuệ căn cũng như khả năng tu tập bản thân của Hồ Chí Minh, sau khi ông này rời khỏi cõi trần, linh hồn của ông được “bầu chọn” trở thành lãnh đạo của Tòa Thiên (Heavenly Palace), từ đó dẫn dắt cuộc cách mạng tinh thần nhằm áp đặt con đường đúng đắn của thiên chỉ lên thế giới.

Theo Đạo Hồ Chí Minh, linh hồn của Hồ Chí Minh được “bầu chọn” trở thành lãnh đạo của Tòa Thiên, dẫn dắt cuộc cách mạng tinh thần của thế giới. Ảnh: Hochiminh.vn.

Trong Chương 4 của quyển New Religions and State’s Response To Religious Diversification in Contemporary Vietnam, tác giả Hoàng Văn Chung tổng hợp tám vấn đề mà cuộc cách mạng này muốn giải quyết:

  1. Hiểu biết lệch lạc về nguồn gốc của người Việt và sự lãng quên việc thờ cúng ông bà của người Việt;
  2. Lạm dụng vàng mã;
  3. Nghi lễ cúng kiếng không đúng dành cho Mẫu;
  4. Làm không đúng ngày giỗ của ông Hồ Chí Minh;
  5. Sự không chính xác của nghi lễ nhập hồn;
  6. Việc thờ cúng tràn lan các ngoại Thần như Phật Ấn Độ, Chúa Jesus và các nhân vật tâm linh Trung Quốc (như Quan Công hay Quan Âm Bồ Tát);
  7. Sự bất kính dành cho các anh hùng liệt sĩ; và
  8. Những sai lầm trong việc khám chữa bệnh do cõi Âm gây ra.

Trong quyển kinh Sử Trời và Sử Nước, Đoàn Đồng thiên Hòa Bình tuyên bố:

“Thế kỷ Hai Mốt thay phiên
Có Phật nước Việt đầu tiên ra đời.”

Tư duy độc thần (Monism) từ đó trở thành tôn chỉ của Đạo Hồ Chí Minh, cho rằng con dân Việt Nam chỉ có thể thờ phụng thần phật Việt Nam, mà ở đây là “Bác Hồ”. Việc thờ phụng bất kỳ thế lực ngoại bang nào khác cũng phải bị loại trừ.

“Không thờ Phật chúa ngoại bang
Mà thờ Phật, Thánh rõ ràng nước ta.”

Quan trọng hơn cả, Việt Nam được xem gốc gác, là lãnh đạo của toàn quá trình cách mạng quyết định tương lai vận mệnh của nhân loại, thể hiện tính dân tộc chủ nghĩa có phần khá cực đoan.

“Việt Nam con cả Thiên vương.
Trời sinh ra trước ở dương thế trần.”

Nếu con người không vâng mệnh Ngọc Phật, thiên tai, bệnh dịch, chiến tranh, rối loạn trật tự xã hội sẽ đổ xuống đầu xã hội loài người. Sự trừng phạt vì vậy không giới hạn trong phạm vi quốc gia, dân tộc, mà là toàn cầu. Đây là một diễn ngôn thường thấy trong hầu hết các tôn giáo lớn.

Để ý quan sát cũng có thể nhận ra tất cả các bài kinh quan trọng đều được viết bằng thơ lục bát, một thể thơ đặc trưng của Việt Nam.

Thực hành tôn giáo của Đạo Hồ Chí Minh là gì?

Đạo Hồ Chí Minh tiếp tục giữ mô hình hầu đồng rất phổ biến ở miền Bắc. Tuy nhiên, Madam Xoan phân tích rằng hầu đồng, dù là Mẫu hay các thể loại hầu đồng dân gian phổ biến khác, thì người được nhập thường sẽ mất khả năng nhận thức. Ngược lại, bà là học trò của Phật Ngọc nên có thể nghe thấy và rao giảng tiếng lời của Phật Ngọc mà không bị mất lý trí.

Riêng về việc thờ cúng, những giáo dân của đạo này được hướng dẫn thờ cúng Hồ Chí Minh tại nhà.

Bàn thờ bao gồm tượng hoặc ảnh của Hồ Chí Minh, một lá cờ Việt Nam (phiên bản cờ của Đảng Cộng sản) và một bát nhang. Bàn thờ này phải cao hơn tất cả các bàn thờ gia tiên như ông bà, cha mẹ khác trong nhà. Mỗi ngày đều cần phải cúng cơ bản gồm hoa tươi, bánh hoặc trái cây (hoa quả). Việc cầu nguyện là không bắt buộc, nhưng hóa vàng hay đốt giấy tiền thì bị cấm. Các ngày lễ lớn thì đi theo… lịch nghỉ chính thức của nhà nước Việt Nam, tức khá có tính chính trị.

Một hình ảnh được cho là điện thờ Hồ Chí Minh của tín đồ đạo Hồ Chí Minh. Ảnh: Blog Tìm tòi và Lượm lặt.
Một hình ảnh được cho là điện thờ Hồ Chí Minh của tín đồ đạo Hồ Chí Minh. Ảnh: Blog Tìm tòi và Lượm lặt.

Đối với các hoạt động tôn giáo quần chúng, Đoàn Đồng thiên Hòa Bình dành phần lớn thời gian để thực hiện các hoạt động như tổ chức cúng gia tiên hằng năm, hiển nhiên bao gồm Hồ Chí Minh và các liệt sĩ. Họ cũng cung cấp dịch vụ trấn yểm, hàn long mạch và quan trọng không kém là giải tà, viết sớ.

Điều khá thú vị là Đạo Hồ Chí Minh có tinh thần bài Trung rất cao.

Theo các nhân vật lãnh đạo của Đoàn Đồng thiên, tà ma ngoại đạo, các linh hồn vất vưởng của những kẻ xâm lược từ nhiều năm trước, mà đặc biệt là Trung Quốc vẫn còn ở lại Việt Nam, ám hại sức khỏe của người dân lẫn vận mệnh dân tộc.

“Đừng nghe họ đấy tà tinh. Xưa giặc yểm lại lừa mình hại ta.
Chúng yểm hồn giặc yêu tà. Khi sang định cướp nước ta lần đầu.”

Khi giàn khoan Hải Dương 981 xâm nhập vùng biển Việt Nam vào năm 2014, Madam Xoan cùng 400 giáo dân hội họp, cầu nguyện và lên án hành vi của giặc phương Bắc.

“Cầu Cha là Bác đổ trần nước an
[…] Chủ quyền biển đảo ngoài khơi
Đã bị xâm chiếm đất trời Việt Nam.”

***

Madam Xoan đã nhiều lần cố gắng đăng ký tôn giáo này với chính quyền Việt Nam, song câu trả lời thường là chờ cấp trên quyết định. Bà cũng được cho là đã có kết nối thân thiết với khoảng hơn 30 nhân vật bên trong chính quyền trung ương, bao gồm các nhà khoa học làm việc trong các cơ quan nhà nước, quan chức trong các bộ và trí thức có hứng thú trong việc nghiên cứu và tìm hiểu tâm linh của Đạo Hồ Chí Minh.

Theo ước tính của nghiên cứu, phải có hơn hàng chục ngàn tín đồ chính thức theo Đạo Hồ Chí Minh, và các buổi lễ lớn diễn ra với trên dưới một ngàn giáo dân. Đó là một con số đáng kể trong bối cảnh các tôn giáo nội địa đang chết dần chết mòn.

Thêm vào đó, mặc dù vẫn chưa chính thức được công nhận, tín đồ của các tôn giáo thờ phụng Hồ Chí Minh như Đạo Phật Ngọc nhận được sự chấp thuận nhất định từ phía chính quyền, cùng khả năng tiếp cận quyền tự do tôn giáo dễ dàng hơn so với các tôn giáo mới khác. Hà Mòn, Hội Thánh Đức chúa Trời… là một số tôn giáo mới luôn bị báo chí chính thống tấn công như tà giáo.

Tuy nhiên, đó là kết luận của nghiên cứu tính đến thời điểm công bố và xuất bản (2017). Cho đến nay, Đạo Phật Ngọc Hồ Chí Minh cũng đã rơi vào tình trạng bị các chính quyền địa phương xét nét. Ví dụ, báo Công an Nhân dân đăng đàn chỉ tội đạo này lợi dụng hình ảnh ông Hồ Chí Minh với các “chiêu bài” tự xưng được “ăn lộc Bác Hồ’ và có thể dùng các loại lá cây để chữa bách bệnh. Chính quyền một số tỉnh như Vĩnh Phúc cũng lên tiếng cảnh báo đây là hành vi hoạt động tôn giáo “trái pháp luật”.

Bạn có thể đóng góp cho Luật Khoa một ly cà phê hoặc một cuốn sách mỗi tháng?

Đóng góp ngay hôm nay và trở thành một phần của Luật Khoa - một tạp chí độc lập và phi lợi nhuận. Chúng tôi nói không với mọi hình thức kiểm duyệt và không đặt quảng cáo. Tìm hiểu thêm về Luật Khoa tại đây.

Đóng góp $2 mỗi tháng


Đóng góp

Chung tay với Luật Khoa theo đuổi báo chí độc lập và truyền bá tri thức.