Connect with us

Quốc tế

Chính sách đối ngoại của Trump: Chống khủng bố và an ninh mạng

Published

on

Ông Trump tại một cuộc vận động cử tri tại Arizona năm 2016. Ảnh: Ralph Freso/Getty Images.

Luật Khoa trân trọng giới thiệu loạt bài về chính sách đối ngoại của ứng cử viên kiêm đương kim tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Loạt bài này được dịch từ bảng tổng hợp của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations – CFR), một viện nghiên cứu lâu đời và có ảnh hưởng lớn ở Hoa Kỳ. Các dữ liệu trong bảng tổng hợp này được cập nhật tới ngày 11/8/2020.

Kỳ 1: Trung Quốc
Kỳ 2: Quốc phòng và hợp tác quốc tế

Kỳ 3: Thương mại và kinh tế
Kỳ 4: COVID-19
Kỳ 5: Nhập cư
Kỳ 6: Biến đổi khí hậu


Kỳ 7: Chống khủng bố và an ninh mạng

Chính sách chống khủng bố

Donald Trump kêu gọi một cách tiếp cận chống khủng bố bao gồm các biện pháp: tăng cường sự giám sát trong nước, mở rộng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở châu Phi và Trung Đông, đồng thời thắt chặt các giới hạn về nhập cư và tiếp nhận người tị nạn.

  • Trump đã ban hành sắc lệnh hành pháp hạn chế việc đi lại từ bảy quốc gia, bao gồm: Iran, Libya, Bắc Triều Tiên, Somalia, Syria, Venezuela và Yemen – là những nước được cho là không “đáp ứng điều kiện an ninh”. Lệnh này được tu sửa từ một pháp lệnh rộng hơn, từng bị các thẩm phán liên bang ngăn chặn. Ông Trump đã nhiều lần kêu gọi việc “kiểm tra kỹ lưỡng” đối với người nhập cư; trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông đề xuất cấm nhập cảnh đối với mọi người nước ngoài theo đạo Hồi.
  • Chính quyền Trump đã giảm mạnh việc tiếp nhận người tị nạn, và gọi bước đi này là “ưu tiên an ninh quốc gia”.
  • Ông Trump ủng hộ các chương trình giám sát quần chúng gây tranh cãi được Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và các cơ quan khác sử dụng, đồng thời phê duyệt mở rộng một điều khoản năm 2019 của NSA cho phép thu thập dữ liệu của người dân Mỹ mà không cần giấy phép. Ông cũng thúc đẩy việc khôi phục khả năng của NSA trong việc kiểm tra dữ liệu điện đàm của người Mỹ.
  • Ông chào mừng sự “giải phóng” của Iraq và Syria khỏi Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, sau khi các lực lượng do Hoa Kỳ lãnh đạo kiểm soát phần lãnh thổ cuối cùng của nhóm này vào năm 2019.
  • Ông tiếp tục việc sử dụng máy bay không người lái từ thời Obama để tấn công các nghi phạm khủng bố bên ngoài các vùng chiến sự được công bố, và trao các quyền linh hoạt hơn cho những chỉ huy trong lĩnh vực này, đồng thời xóa bỏ một số hạn chế khác. Vào năm 2019, Trump đã bãi bỏ quy định có từ thời Obama về việc công khai báo cáo thương vong của thường dân do các vụ không kích gây ra.
  • Trump ủng hộ các phương pháp thẩm vấn khắc nghiệt, trong đó có phương pháp trấn nước (waterboarding) vốn được nhiều nơi cho là một hình thức tra tấn. Trump nói rằng sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết” để bảo vệ an ninh quốc gia, và cách tra tấn đó là “hoàn toàn hiệu quả”. Tuy nhiên, các quan chức chính quyền đã tuyên thệ không sử dụng cách này, bao gồm cả Gina Haspel – Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) dưới trướng của ông.
  • Trump ủng hộ cơ sở giam giữ của Hoa Kỳ tại Vịnh Guantanamo, Cuba, bằng việc ký sắc lệnh hành pháp năm 2018 để nhà tù tiếp tục hoạt động. Đó là nhà tù mà chính quyền Obama đã cam kết sẽ đóng cửa. Mặc dù chính quyền Trump chưa gửi phạm nhân mới nào đến đó, nhưng ông Trump đã đưa ra khả năng dùng nhà tù đó để giam giữ các chiến binh Nhà nước Hồi giáo IS bị bắt.
  • Vào tháng 4/2020, chính quyền Donald Trump là chính quyền đầu tiên gán danh xưng tổ chức khủng bố cho một nhóm da trắng cực hữu (white supremacist) đặt trụ sở tại Nga. Trong khi lực lượng hành pháp ngày càng tập trung vào các nhóm da trắng cực hữu bạo lực và Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đã bắt đầu coi nhóm này tại Nga là mối đe dọa khủng bố nghiêm trọng, Trump đã bác bỏ và xem việc làm này như một động thái ngoài lề.

Chính sách an ninh mạng và kỹ thuật số

Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Nga Putin tại Nhật Bản năm 2019. Ảnh: Susan Walsh/Associated Press.

Donald Trump có nhiều bất đồng với một số công ty công nghệ lớn của Hoa Kỳ, cho rằng các công ty này có âm mưu đánh bại mình trong cuộc bầu cử năm 2020. Mặc dù ông Trump thường gạt đi những lo ngại về sự can thiệp của Nga vào các cuộc bầu cử Mỹ, chính quyền của ông đã áp đặt lệnh trừng phạt và một số biện pháp khác nhằm chống lại các nhân vật tình báo của Nga được cho là có dính líu.

  • Vào năm 2018, Trump đã ban hành hướng dẫn phân loại cho phép Bộ Tư lệnh Không gian mạng Hoa Kỳ linh hoạt hơn trong việc thực hiện các cuộc tấn công mạng, nhắm vào Nga và một số quốc gia khác.
  • Nói về khả năng tác động đến bầu cử Mỹ, ông Trump cho rằng những đại tập đoàn ở Thung lũng Silicon như Google và Facebook còn đáng lo ngại hơn nước Nga, vì họ có quan điểm mà ông gọi là chống bảo thủ một cách thiên lệch (anti-conservative bias).
  • Vào tháng 7/2019, Bộ Tư pháp của chính quyền Donald Trump đã công bố một báo cáo đánh giá về chống độc quyền (antitrust) trên diện rộng đối với “các nền tảng trực tuyến dẫn đầu thị trường”. Cho dù báo cáo không nêu tên một công ty cụ thể nào, các nhà phân tích cho rằng cuộc điều tra sẽ tập trung vào Amazon, Facebook và Google.
  • Vào năm 2019, Trump đã ban hành một sắc lệnh hành pháp để tăng số lượng viên chức liên bang làm việc trong các vấn đề an ninh mạng.
  • Trong cuộc bầu cử năm 2016, Trump ban đầu chế nhạo những cáo buộc về sự can thiệp của Nga. Sau đó, tuy thừa nhận việc Nga đã thực hiện tấn công mạng, ông nói thêm rằng Trung Quốc và các nước khác cũng làm thế. Ông khẳng định kết quả cuộc bầu cử không bị ảnh hưởng và phủ nhận mọi thông đồng với các hành vi can thiệp của Nga.

Bạn có biết...

... Luật Khoa là một tạp chí độc lập và phi lợi nhuận. Với mong muốn mang lại trải nghiệm đọc báo tốt nhất cho bạn đọc, chúng tôi không đặt quảng cáo và do đó không có doanh thu. Luật Khoa chi trả mọi chi phí bằng các khoản đóng góp của bạn đọc.

Mỗi ngày, các phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên của Luật Khoa đều tận tâm với từng con chữ và từng mối quan tâm của bạn đọc, nhằm mang lại cho bạn đọc cái nhìn mới mẻ và đa chiều về những vấn đề pháp luật, chính trị.

Nếu tất cả bạn đọc đều đóng góp cho Luật Khoa, dù là 20 nghìn đồng, tờ báo độc lập và khai phóng này của chúng ta sẽ hoạt động hiệu quả và bền vững hơn rất nhiều. Mỗi đồng bạn đóng góp đều giúp cho Việt Nam của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn, và bạn chỉ mất một phút để trở thành nhà tài trợ của Luật Khoa. Xin cảm ơn.





Chung tay với Luật Khoa

Chung tay với Luật Khoa theo đuổi báo chí độc lập và truyền bá tri thức.


Bài đọc nhiều